Friday, May 23, 2014

Bạo động chống Trung Quốc làm đầu tư Đài Loan nhấp nhổm

BÌNH DƯƠNG (NV) .- Các vụ bạo động chống Trung Quốc vì dàn khoan HD981 đưa tới vùng biển Việt Nam gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng đang làm giới tư bản Đài Loan lo ngại.


 Một nhân viên cứu hỏa đi ngang cơ sở sản xuất xe đạp của đầu tư Đài Loan bị đốt cháy hôm 13/5/2014 ở một khu kỹ nghệ tỉnh Bình Dương. (Hình: AP Photo/Jeff Nesmith)

Sau các vụ bạo động từ các ngày 12/13 và 14/5/2014 ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh, các viên chức Việt Nam từ trung ương tới địa phương cố gắng trấn an giới đầu tư ngoại quốc nói chung và các nhà đầu tư Đài Loan nói riêng rằng Việt Nam vẫn là một nơi an toàn để đầu tư, theo hãng tin Bloomberg.

Ngày 20/5/2014, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mời đại diện của khoảng 100 công ty ngoại quốc họp để xin lỗi và hứa hẹn nỗ lực giúp họ phục hồi sản xuất. Ngày hôm sau, nhà cầm quyền trung ương loan báo cho họ  giảm thuế và các biện pháp hỗ trợ khác đối với các công ty bị thiệt hại vì bạo động.

Nhưng nhà cầm quyền cần nhiều hơn là những lời trấn an để họ đừng bỏ chạy. Những người biểu tình bạo động đã đốt rụi 16 cơ sở sản xuất vốn đầu tư Đài Loan, nhiều phần vì cơ sở có cái tên Trung Quốc. Theo Hội đồng Thương Mại Đài Loan ở Việt Nam ước lượng sơ khởi, ít nhất có hơn 500 công ty Đài Loan bị thiệt hại từ nhẹ tới nặng.

“Nhiều xí nghiệp cần xây lại mới hoàn toàn và trang bị máy móc mới.” Bà Serena Liu, Chủ tịch Hội đồng vừa kể cho biết trên báo Người Lao Động. “Hiện tất cả các sự thiệt hại đang được thống kê. Mỗi khi tôi gặp người của một công ty, họ đều hỏi tôi rằng liệu có an toàn để giữ đầu tư của họ ở lại Việt Nam hay không?”

Các vụ bạo động đột ngột xảy ra vào thời điểm chính quyền Đài Loan khuyến khích giới kinh doanh của họ chuyển cơ sở sản xuất từ Hoa Lục sang Việt Nam trong chiến lược bảo đảm thị trường khu vực Đông Nam Á để giảm dần mức độ tùy thuộc vào Hoa Lục.

Theo thống kê, Đài Loan là một trong những nguồn đầu tư ngoại quốc lớn nhất tại Việt Nam. Trong khoảng hai thập niên qua, họ đã đổ vào Việt Nam khoảng 28 tỉ USD. Riêng trong năm 2012, thống kê nói rằng giới đầu tư Đài Loan cam kết bỏ vào Việt Nam 2.6 tỉ USD, giúp họ trở thành nhà đầu tư lớn thứ nhì tại Việt Nam, sau Nhật Bản.

Hiển nhiên, Việt Nam rất cần sự đầu tư sản xuất từ giới tư bản Đài Loan. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trung bình 7% sau khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại thế Giới (WTO) năm 2007. Nhưng cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm sản xuất xuất cảng tại Việt Nam ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2012, tăng trưởng của Việt Nam chỉ đạt 5.2% và năm nay chỉ có thể đạt khoảng 5.4%.

Trước đây, từng có những dự đoán là Việt Nam sẽ trở thành một 'con cọp kinh tế Á châu' chỉ sau Trung quốc. Nhưng tình hình kinh doanh những năm gần đây và với hiện tình thì chẳng ai còn nghĩ đến điều đó nữa. Vì chi phí sản xuất tại Hoa Lục ngày một tăng cao, Việt Nam có cơ hội để phục hồi lại mức tăng trưởng kinh tế như trước nhưng đòi hỏi những giải pháp hữu hiệu.

Trong khi nhà cầm quyền các tỉnh tại Hoa Lục nâng mức lương tối thiểu lên cao, đây là điều thúc đẩy giới đầu tư ngoại quốc nhìn xuống phía nam ở vùng Đông Nam Á mà Việt Nam là một trong những nơi tốt để họ nhắm, nhất là tư bản Đài Loan. Theo một chuyên viên Đài Loan, chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp hơn đến 50% so với Hoa Lục.

Các công ty sản xuất vải dệt và quần áo Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam 1 tỉ USD hồi năm ngoái, theo Liên Đoàn Dệt May Đài Loan. Việt Nam cũng đã hấp dẫn được giới tư bản Hàn Quốc. Tháng ba vừa qua, hãng điện tử Samsung của Hàn Quốc đã khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại thông minh với vốn đầu tư 2 tỉ USD. Công ty LG cũng dổ vào 300 triệu USD cho một nhà máy sản xuất máy giặt máy sấy.

Theo Justin Huang, Tổng thư ký của Liên hiệp Dệt may Đài Loan, nếu nhà cầm quyền Việt Nam không thực hiện đúng những cam kết, một số công ty sẽ rút ra khỏi Việt Nam. (TN)
025-22- 2014 7:45:10 PM

No comments:

Post a Comment