Thursday, May 22, 2014

Nếu Trung Quốc từ chối ra tòa quốc tế?

-Việt Nam vẫn có thể đơn phương kiện Trung Quốc nếu chứng minh được tranh chấp giữa hai nước thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS và không nằm trong các ngoại lệ mà Trung Quốc đã tuyên bố.

Từ ngày 1/5 đến nay, Trung Quốc đã đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam. Hành động này đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam. Không dừng lại ở tham vọng kiểm soát thực địa, Trung Quốc đã đẩy căng thẳng lên cao hơn khi các tàu của Trung Quốc dưới sự yểm trợ của máy bay đã đâm vào các tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Trong khi Việt Nam tích cực quan điểm kiềm chế, sử dụng kênh đối thoại để thương lượng, đàm phán thì Trung Quốc ngày càng lộ rõ thái độ lấn lướt. Chính vì lẽ đó, ngoài việc tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế thì Việt Nam cần "tự lực, tự cường" là chính. Một giải pháp quyết đoán, mạnh mẽ nhưng khéo léo sẽ là rào cản khá lớn cho Trung Quốc.

Trước việc Trung Quốc liên tục đẩy căng thẳng lên cao trào thì Việt Nam rất cần đề ra một chiến lược hợp lý và có giá trị bền vững. Bên cạnh các động thái chính trị và ngoại giao thì một giải pháp dựa trên những cơ sở pháp lý có thể là một gợi ý tích cực.

Thông qua nguyên tắc tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế (Pacta sunt servanda), thì luật pháp quốc tế (International law) càng có giá trị thực tiễn cao. Cụ thể, luật pháp quốc tế có thể giúp ngăn chặn xung đột, giải quyết tranh chấp và thúc đẩy hợp tác trong quan hệ quốc tế. Tính phổ quát và ràng buộc cao của luật quốc tế đã trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia trong việc giải quyết các tranh chấp hay ngăn ngừa xung đột.

Giàn khoan, HD-981, Hải Dương-981, biển Đông, ASEAN, Trung Quốc, COC, DOC, yêu nước, tuần hành, vòi rồng, bành trướng, chiến tranh, Trường Sa, Hoàng Sa, chủ quyền, độc lập dân tộc
Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép của TQ. Ảnh: THX

Trước việc Trung Quốc đã nhiều lần trì hoãn, thậm chí là thiếu thiện chí để giải quyết tranh chấp, Việt Nam có thể đơn phương kiện Trung Quốc theo cơ chế trọng tài, yêu cầu thành lập toà trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS, trong điều kiện Trung Quốc không chấp nhận cùng đưa vấn đề tranh chấp ra toà án quốc tế về luật Biển.

Đã có nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam nên sử dụng biện pháp khởi kiện. Bài viết này muốn nêu ra các bước, khía cạnh cụ thể cũng như cần lường trước trong quá trình này.

Việt Nam căn cứ vào các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS nằm trong chương XV, gồm ba phần và 21 điều (từ điều 279 đến 299).

Bước đầu tiên Việt Nam phải tiến hành các thủ tục và quy định của quá trình giải quyết tranh chấp dựa trên sự thống nhất của hai bên từ Phần 1 của UNCLOS (điều 279 đến 285). Trong đó đáng chú ý là điều 283, yêu cầu các bên phải trao đổi quan điểm về vấn đề tranh chấp trong trường hợp tranh chấp đó nằm trong phạm vi điều chỉnh của UNCLOS mà các quốc gia đã cùng ký kết, để tìm ra biện pháp giải quyết thông qua đàm phán hoặc các hình thức hoà bình khác.

Dựa trên cơ sở này, Việt Nam có thể yêu cầu Trung Quốc cùng đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông ra toà án quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý do không có cơ sở pháp lý vững chắc. Thời gian qua, Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS và không có thiện ý giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán.

Do đó, Việt Nam có thể áp dụng phần 2 trong chương XV (điều 286 đến 297), quy định về các thủ tục pháp lý cần thiết để đưa ra các quyết định ràng buộc. Điều 286 của phần 2 nêu rõ: trong điều kiện không đạt được bất cứ thoả thuận giải quyết tranh chấp nào sau khi đã thực hiện các quy định của phần 1, thì đề nghị của bất cứ quốc gia nào cũng sẽ được gửi tới toà án quy định trong mục này.

Theo điều 287, các quốc gia thành viên sau khi ký kết UNCLOS, trong điều kiện cần thiết có thể chọn một trong bốn toà án cụ thể để giải quyết tranh chấp, nhưng nếu quốc gia cùng tranh chấp còn lại không chấp nhận phương án mà bên kia chọn hoặc không chọn phương án, thì tranh chấp vẫn có thể được đưa ra toà trọng tài theo phụ lục VII (mục 5 điều 287).

Vấn đề cần quan tâm nhất ở đây chính là các quy định trong phần 3 chương XV, quy định về các giới hạn và ngoại lệ cho việc áp dụng phần 2. Đặc biệt là điều 298, mục (a) (i) quy định về các ngoại lệ mà quốc gia tranh chấp có thể áp dụng để loại bỏ thẩm quyền thụ lý của các toà án nêu trong điều 287, cụ thể là các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển.

Giàn khoan, HD-981, Hải Dương-981, biển Đông, ASEAN, Trung Quốc, COC, DOC, yêu nước, tuần hành, vòi rồng, bành trướng, chiến tranh, Trường Sa, Hoàng Sa, chủ quyền, độc lập dân tộc
Vị trí hạ đặt giàn khoan. Ảnh: Petrotimes

Cụ thể, sau khi tham gia UNCLOS, Trung Quốc đã tuyên bố tự tách nước mình ra khỏi các cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền lãnh thổ khi tuyên bố coi tất cả các loại tranh chấp liệt kê trong điều 298 là ngoại lệ, bao gồm cả tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 15, 74 và 83 về phân định ranh giới biển.

Dù vậy, Việt Nam vẫn có thể đơn phương kiện Trung Quốc nếu chứng minh được tranh chấp giữa hai nước thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS và không nằm trong các ngoại lệ mà Trung Quốc đã tuyên bố.

Việc quan trọng hàng đầu hiện nay là Việt Nam phải tập trung hoàn thiện những cơ sở pháp lý cả về mặt lịch sử lẫn thực tiễn để chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của mình ở Biển Đông. Đây chính là những cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc ra toàn án quốc tế, đồng thời nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế như trường hợp của Philippines.

Trước ý nghĩa tích cực của luật pháp quốc tế, Việt Nam có thể xem đây là con đường trực tiếp để buộc Trung Quốc hành xử chừng mực hơn. Đây sẽ là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia và khẳng định chủ quyền biển đảo chính đáng của mình trước Trung Quốc. Tuy nhiên, các bước đi của Việt Nam phải được chuẩn bị thật chu đáo dựa trên việc nghiên cứu kỹ lưỡng trường hợp Philippines.

Mặt trận pháp lý sẽ là tấm khiên vững chắc khiến Trung Quốc phải chậm bước. Các cơ sở pháp lý vững chắc là hậu phương giúp Việt Nam "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông, điều mà Trung Quốc luôn né tránh. Thể hiện quan điểm cụ thể, mạnh mẽ như Philippines sẽ giúp Việt Nam tạo nên "hiệu ứng domino".

Đấu tranh về pháp lý sẽ là mặt trận khôn ngoan để Việt Nam hạn chế tương quan lực lượng có phần bất lợi so với Trung Quốc. Nếu Việt Nam chọn giải pháp "im lặng", Việt Nam sẽ gặp bất lợi trên bàn đàm phán sau này khi Trung Quốc cho rằng Việt Nam mặc nhiên thừa nhận các hành động của Trung Quốc là hợp pháp.

Để chứng minh ý nghĩa và tính hiệu quả, cần thiết của UNCLOS - một "Hiến pháp về đại dương", việc đề xuất của Việt Nam được thụ lý là rất cao. Quan trọng là cả Việt Nam (phê chuẩn ngày 23/6/1994) và Trung Quốc (phê chuẩn ngày 7/6/1996) đều đã tham gia UNCLOS.

Từ đây, Việt Nam không chỉ bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình mà còn có thể đóng vai trò hạt nhân giúp ASEAN tăng tính gắn kết. Lợi ích quốc gia và trách nhiệm với khu vực là cơ sở để Việt Nam sáng tạo, quyết đoán và mạnh mẽ hơn trong việc đấu tranh chống lại bất cứ hành vi xâm phạm chủ quyền của mình. Vì vậy, Việt Nam cần khẩn trương ngăn chặn sự "bành trướng" theo cơ chế mềm mang màu sắc Trung Quốc.

23/05/2014 01:30 GMT+7
Huỳnh Tâm Sáng

No comments:

Post a Comment