Theo GS.TS Jonathan London, rất nhiều nước trong khu vực đều không hài lòng trước những hành động gây hấn của Trung Quốc.
Suốt tuần qua, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Nhìn vào diễn biến và bản chất sự kiện, xâu chuỗi các hoạt động trên biển thời gian gần đây của Trung Quốc, thật không khó để nhận ra: đây chính là hành động gây hấn, xâm lấn.
GS.TS Jonathan London |
Hành động đưa giàn khoan của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng được các học giả quốc tế xem là một sự vi phạm trắng trợn các chuẩn mực của luật pháp quốc tế.
Chúng tôi tiếp tục có cuộc phỏng vấn GS.TS Jonathan London, chuyên gia Việt Nam và phát triển học ở Đông Nam Á, trường Đại học thành phố Hongkong (Trung Quốc) về hướng giải quyết căng thẳng hiện nay ở Biển Đông.
PV: Theo ông, các nước châu Á nói chung, cũng như các nước ASEAN nói riêng cần làm gì trước hành động đơn phương hiện nay của Trung Quốc?
GS.TS Jonathan London: Dĩ nhiên là mọi quốc gia trong khu vực đều có lợi ích của mình trong vấn đề này và họ đều coi đây là một vấn đề chính trị quan trọng.
Việc Việt Nam cần làm để giải quyết vấn đề hiện nay là thúc đẩy mối quan hệ đối tác với nhiều quốc gia khác nhau như Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia và Brunei cũng như một trong những nước đang quan tâm đến vấn đề này là Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng phải đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề này.
Trước mắt chúng ta phải sớm ổn định tình hình và các mối quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước trong khu vực sẽ giúp sớm đạt được điều này.
Về lâu dài, theo tôi cần phải sớm ban hành một Bộ Quy tắc chung giữa các quốc gia có tranh chấp. Thông thường, Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề này thông qua đàm phán song phương và họ thường tránh việc đưa vấn đề này ra các diễn đàn đa phương.
Tuy nhiên trên thực tế, thoả thuận song phương thường dẫn đến những hiệp định không công bằng và không khả thi, khó có thể thay đổi chính sách của Trung Quốc. Chính vì thế chúng ta cần thiết lập cơ chế đối thoại đa phương để sớm giải quyết vấn đề này.
PV: Theo ông, Việt Nam nên làm gì nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa tàu, máy bay vào khu vực này, cũng như tiếp tục ý định hạ đặt giàn khoan và tiến tới khoan thăm dò?
GS.TS Jonathan London: Theo tôi, Việt Nam vẫn cần theo đuổi chính sách ngoại giao cũng như chiến thuật khôn khéo của các bạn là giải quyết vấn đề thông qua đàm phán song phương và đa phương.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần hợp tác với các quốc gia trong khu vực và các bên có liên quan trên biển Đông và họ sẽ giúp Việt Nam trong việc đối mặt với vấn đề này.
Điều này cũng giúp tránh việc leo thang căng thẳng trong khu vực nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang cố tình sử dụng sức mạnh quân sự của mình để công khai vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải luôn sẵn sàng có các biện pháp phòng vệ cụ thể chống lại sự khiêu khích này. Theo tôi, các bạn cần phải tìm thêm các giải pháp ngoại giao và chính trị để giải quyết vấn đề này.
Một mặt, người Việt Nam cần tiếp tục truyền thống đoàn kết để chống lại những mối đe doạ từ bên ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân các nước trên thế giới để lên án những hành động ngang ngược của Trung Quốc và buộc Trung Quốc phải đưa ra các giải pháp hoà bình và tôn trọng sự ổn định trong khu vực.
PV: Nếu các giải pháp ngoại giao không giải quyết được tình hình và Trung Quốc không chịu rút giàn khoan thì nên làm gì tiếp theo?
GS.TS Jonathan London: Khi đó chúng ta cần xem xét đến các hành động pháp lý. Việt Nam có thể kiện họ ra toà án quốc tế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần hợp tác với các nước láng giềng như Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei và Thái Lan để tìm ra biện pháp giải quyết các tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc.
Chúng ta có thể cảm nhận rõ những nguy cơ đe doạ của Trung Quốc và tham vọng bành trướng khi họ vạch ra đường lưỡi bò trên biển Đông. Chính vì vậy, Việt Nam cần phải cùng với các nước Đông Nam Á thiết lập một Bộ Quy tắc chung để có thể có những chứng cứ về mặt pháp lý chống lại Trung Quốc.
Tôi vẫn không cho rằng việc sử dụng các biện pháp quân sự là cần thiết vì nó có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc trong khi tình hình đang diễn biến rất khó lường hiện nay.
PV: Ông vừa nói đến các hành động pháp lý. Trước đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam nên tiến hành các hành động pháp lý. Tuy nhiên, tranh chấp Biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ Việt-Trung. Nếu Việt Nam tiến hành các hoạt động pháp lý sẽ ảnh hưởng như thế nào tới quan hệ hai nước?
GS.TS Jonathan London: Một trong những vấn đề rất đáng lưu tâm là Việt Nam có một mối quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với Trung Quốc. Trung Quốc đã từng cảnh báo nền kinh tế Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á sẽ phải gánh chịu những hệ luỵ rất nặng nề nếu xảy ra tranh chấp với Trung Quốc.
Mặc dù vậy, Việt Nam cũng không nên quá lo ngại về vấn đề này bởi ngoài Trung Quốc, các bạn đang có những mối quan hệ rất tốt đẹp với Hàn Quốc, Indonesia và Myanmar. Ngoài ra mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Nga cũng đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề này.
Chính vì thế, dù không muốn mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc bị ảnh hưởng do tranh chấp trên biển Đông, các bạn cần nhận thức rõ ràng rằng, Việt Nam vẫn có thể dựa vào nhiều nước khác nhất là khi tình hình trở nên xấu hơn.
Tuy nhiên, tôi vẫn luôn hy vọng vụ việc này sẽ có tiến triển tốt để không làm tổn hại đến mối quan hệ láng giềng giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc mà điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
PV: Theo ông, các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu sẽ có thái độ như thế nào nếu Trung Quốc leo thang các hành động tại khu vực vừa hạ giàn khoan?
GS.TS Jonathan London: Tôi cho rằng các nước nói trên đều nhận thấy rằng đây là một hành động khiêu khích rất trắng trợn từ phía Trung Quốc. Quan điểm này thậm chí có thể đến từ Nga - nước vừa tham gia tập trận chung với Trung Quốc.
Rất nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như đồng minh của họ là Mỹ đều không hài lòng trước những hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Philippines và Việt Nam.
Các cường quốc trên thế giới đều rất quan tâm đến những diễn biến mới đây trên biển Đông và đều lên án tuyên bố chủ quyền ngang ngược và đầy dã tâm của Trung Quốc khi muốn chiếm phần lớn khu vực này. Các nước này đều cho rằng hành động của Trung Quốc sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho chính bản thân nước này.
Những tuyên bố như trên chỉ khiến Trung Quốc trở thành mối đe doạ trong mắt các nước trong khu vực và khiến họ càng quyết tâm tăng cường sức mạnh để bảo vệ bản thân đồng thời đoàn kết chống lại Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông!.
Thứ Hai, ngày 12/5/2014 - 18:43
Theo Việt Nga-Ngọc Khánh-Nguyễn Hùng/VOV online
No comments:
Post a Comment