theo VOV | 30/05/2014 20:23
Tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan Hải Dương - 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (Ảnh: Asahi Shimbun)
Theo tờ báo này, Trung Quốc đang làm mọi cách, bất chấp tất cả để đạt được yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông.
Tờ Ashahi Shimbun, một trong những tờ báo hàng đầu Nhật Bản đăng tải thông tin cho rằng, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã quyết định triển khai giàn khoan dầu trên Biển Đông từ đầu năm nay, bất chấp những hậu quả ngoại giao có thể xảy ra với nước này.
Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, căng thẳng giữa hai nước đã không ngừng gia tăng, đỉnh điểm là vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa, cách vị trí giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép khoảng 17 hải lý.
Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) từ lâu đã nung nấu ý định khoan thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Tuy nhiên, các quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngăn chặn việc này vì lo ngại rằng nó có thể khiến mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ xấu đi.
Asahi Shimbun dẫn lời một nhà nghiên cứu, người đề xuất các chính sách cho Chính phủ Trung Quốc, cho biết: "CNOOC không thể tự quyết định tiến hành khoan thăm dò. Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã phê chuẩn việc này từ đầu năm nay".
Theo nhà nghiên cứu này, CNOOC đã kêu gọi cần tiến hành khoan dầu ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua. Quân đội Trung Quốc với tham vọng mở rộng lợi ích quốc gia cũng ủng hộ việc làm này.
Ngày 2/5, CNOOC hiện thực hóa ý đồ vốn nung nấu bấy lâu của họ bằng cách hạ đặt trái phép một giàn khoan khổng lồ, có khả năng khoan sâu 3.000m tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.
Phó tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Dị Tiên Lương cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu xem xét các hoạt động trong các vùng biển từ một thập kỷ trước.
Tuy nhiên, một số nguồn tin trong ngành công nghiệp dầu khí cho rằng, các việc làm trước đây chỉ đơn thuần là khảo sát địa chất. Quyết định bắt đầu khoan dầu chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam.
Theo Asahi Shimbun, một trong những yếu tố dẫn đến quyết định đưa giàn khoan vào Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đó là do Trung Quốc thời gian qua đã tập trung tăng cường sức mạnh và sự hiện diện của lực lượng Hải quân ở Biển Đông.
Tuy nhiên, những động thái gây căng thẳng này lại khiến các quan chức Bộ Ngoại giao và Thương mại Trung Quốc tỏ ra lo lắng bởi giới ngoại giao Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một môi trường bên ngoài ổn định - điều kiện cần thiết cho việc phát triển kinh tế.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc e ngại rằng, nếu Trung Quốc bắt đầu khoan dầu ở Biển Đông, mối quan hệ giữa nước này này với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ sẽ xấu đi.
Trong một thời gian dài, đề xuất khoan dầu đã không thể thực hiện được bởi công nghệ không cho phép Trung Quốc tiến hành khoan dầu trong vùng nước sâu như ở khu vực ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tuy nhiên, vào năm 2008, CNOOC đã chi khoảng 6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 953 triệu USD) để bắt đầu chế tạo thiết bị khoan nước sâu. Giàn khoan được hoàn thành tháng 5/2011.
Giàn khoan này đã được triển khai ở mỏ khí Liwan cách bờ biển Hong Kong 300km về phía đông nam. Dự án khoan dầu tại mỏ này do CNOOC và một công ty của Canada thực hiện. Theo một quan chức của công ty Canada, công việc khoan thăm dò đã hoàn tất năm ngoái và sản xuất khí đốt bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2014.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở mỏ Liwan, giàn khoan nói trên đã được đưa tới và hạ đặt trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa hồi đầu tháng 5/2014.
Động thái này là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang không mấy quan tâm đến dư luận quốc tế và sẵn sàng bằng mọi cách để đạt được lợi ích riêng, bất chấp tất cả để thực hiện yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông.
Từ năm 2001 sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO), các công ty dầu khí của nước này đã nhanh chóng mở rộng hoạt động ở nước ngoài và dường như họ đã sẵn sàng để thực hiện tham vọng với nguồn tài nguyên quý giá ở Biển Đông.
Trước thời ông Tập Cận Bình, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đã ghìm chân các công ty dầu khí của nước này khi thực hiện chính sách ngoại giao “ẩn mình chờ thời”. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đi theo một hướng khác với mục tiêu biến Trung Quốc trở thành một “thế lực hàng hải” và đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc nước này đang tìm cách mở rộng lợi ích ở Biển Đông và biển Hoa Đông./.
No comments:
Post a Comment