Saturday, January 4, 2014

Trung Quốc thèm muốn tàu thải loại của Mỹ?

(Hình ảnh)-Năm 2014 Mỹ sẽ tiếp nhận 3 tàu chiến mới và loại biên 12 tàu chiến khác. Với truyền thống sao chép vũ khí,TQ có nên tận dụng cơ hội này?

Thông tin trên được tờ Navy Times ngày 2/1/2014 cho biết, theo đó 3 tàu chiến nằm trong danh sách trang bị trong năm 2014 gồm: Tàu vận tải đổ bộ USS Somerset (tháng 3), America (tháng 9), tàu tác chiến cận bờ (LCS) Coronado (tháng 4). (Trong ảnh: Tàu USS Somerset)
Trong ba tàu chiến mới gia nhập năm 2014, thì tàu vận tải đổ bộ America thuộc loại đầu tiên của lớp tàu đổ bộ có sân bay dành cho trực thăng, trực thăng vận tải V-22 Osprey và cả tiêm kích thế hệ mới F-35 Lightning II. Tàu lớp America có chiều dài 257m, rộng 32m, lượng giãn nước 4,5 vạn tấn, vận tốc tối đa 25 hải lý/h, với động cơ Diezen - tuốc bin khí. Nó có thể mang theo 1.687 lính hải quân đánh bộ và 1.060 thủy thủ (65 sĩ quan), khi biên chế đầy đủ phi công và nhóm bảo đảm không quân hạm, con số này có thể lên đến 3.000 người.
Mặc dù là tàu đổ bộ nhưng America được trang bị hỏa lực khá mạnh, chú trọng vào hệ thống phòng không. Tàu lớp America được trang bị 2 hệ thống pháo phòng không 6 nòng, tầm gần loại 20mm MK-15 Block 1B “Phalanx”; 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không tầm gần RIM-116 “RAM”, mỗi hệ thống gồm 21 ống phóng; 2 bệ phóng tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 “Sea Sparrow” cải tiến (ESSM) và 7 khẩu súng máy phòng không MZ.
Tàu đổ bộ tấn công lớp America có một điểm vượt trội các biên đội tàu sân bay là lực lượng tàu tác chiến đi kèm của nó có uy lực rất mạnh nhưng gọn nhẹ, bao gồm 1 tuần dương hạm lớp Ticonderoga và 1 tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke (2 loại này được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis); 1 tàu hộ vệ tên lửa và 1 tàu ngầm tấn công tên lửa hạt nhân. Tuy chỉ có 4 tàu nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu nhiệm vụ ngang với 1 biên đội tàu sân bay.
Ngoài tàu lớp America, chiếc tiếp theo được trang bị mới tàu Coronado, đây là loại tàu tấn công cận bờ (LCS) có hình dáng kỳ quái, thuộc lớp Independence, của hãng General Dynamics. Tàu loại này có khả năng triển khai linh hoạt và sức tác chiến cao, tốc độ đến 44 hải lý/h và tầm hoạt động trên 3.500 hải lý (6.400 km).
Tàu được trang bị pháo 57 mm, tên lửa đối không, chở theo 2 trực thăng chiến đấu đa nhiệm MH-60 Seahawk, trực thăng không người lái MQ-8 Fire Scout.
Chiếc tàu chiến có kích thước khổng lồ tiếp theo được trang bị mới là tàu lớp San Antonio - USS Somerset.
Tàu vận tải đổ bộ USS Somerset có chiều dài 208,5m, tốc độ di chuyển 22 hải lý/h. Tàu có thể chở được tới 800 thủy thủ và lính đổ bộ và có thể chở được các tàu đổ bộ đệm khí (LCAC) hoặc xuồng đổ bộ thông thường, cùng với máy bay trực thăng và máy bay nghiêng cánh quạt Osprey.
Ngoài ba chiếc tàu siêu lớn được trang bị mới trong năm 2014, đội ngũ tàu chiến được cho về hưu cũng rất hùng hậu, gồm 7 hộ tống hạm, một tàu ngầm hạt nhân tấn công, một tàu vận tải đổ bộ, 1 tàu quét mìn, 1 tàu theo dõi tên lửa tầm xa, và 1 tàu tiếp tế. Với các tàu hộ tống bị thải loại, Hải quân Mỹ dự trù bán lại tàu hộ tống Oliver Hazard Perry cho hải quân các nước khác. Theo kế hoạch trong giai đoạn 2013-2015, Mỹ dự kiến sẽ loại khỏi biên chế 10 tàu hộ tống loại này. (Trong ảnh: Tàu ngầm hạt nhân USS Dallas)
Theo kế hoạch của Mỹ, nhiều khả năng Mỹ sẽ cho không một số nước đồng minh thân cận loại tàu hộ tống này, và Thái Lan có thể nằm trong danh sách được tặng tàu chiến của Mỹ. Nếu kế hoạch “cho không” được Quốc hội Mỹ thông qua thì Hải quân Thái Lan có cơ hội sở hữu 2 chiếc. Tuy nhiên, Thái Lan có thể sẽ phải trả chi phí để sửa chữa và tân trang 2 tàu do các nhà thầu Mỹ thực hiện. Ngoài Thái Lan, Hải quân Mỹ cũng sẽ “tặng” 2 tàu Oliver Hazard Perry cho Hải quân Mexico và 4 tàu cho Đài Loan với cùng điều khoản trên.
Ngoài ra chiếc tàu ngầm hạt nhân USS Dallas cũng đã quay về bến vào tháng 11/2013 sau khi kết thúc cuộc tuần tiễu cuối cùng dài 6 tháng, vượt qua hơn 54.700 km. Các kỹ sư sẽ tháo gỡ các thanh nhiên liệu khỏi lò phản ứng của tàu rồi chôn cất lò này trước khi tháo dỡ con tàu làm sắt vụn. Tàu này là một trong 61 tàu ngầm lớp Los Angeles, phục vụ Hải quân Mỹ từ năm 1981.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, với kế hoạch loại biên rầm rộ này của Hải quân Mỹ có thể khiến cho TQ thèm muốn. Bởi theo truyền thống ngành công nghiệp quốc phòng của mình, TQ chủ yếu dựa trên sao chép công nghệ của nước ngoài và biến nước này thành công xưởng sao chép vũ khí lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, dù thèm muốn số vũ khí trên nhưng việc tiếp cận chúng đối với TQ gần như không thể bởi nước này không nằm trong số những nước được bán và “tặng” của Mỹ. Trong ảnh: Tàu ngầm hạt nhân USS Dallas. (Tổng hợp SH, ĐVO)

No comments:

Post a Comment