ĐĂNG BỞI  - 
Hầu hết những người công nhân chẳng thể nhận biết được khủng hoảng kinh tế, nợ xấu, nợ công… là gì nhưng chính họ mới là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất của nền kinh tế.
Tuần qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố quyết định trong năm 2014 sẽ không tuyển thêm lao động mới ở tất cả các bộ phận, do khó khăn trong sản xuất kinh doanh điện và bù lỗ cho các năm trước.
Thậm chí, EVN còn chia sẻ khả năng đi vay vốn thời gian tới chắc chắn sẽ rất khó khăn do đang làm đại diện đi vay vốn cho các tổng công ty trực thuộc để đầu tư. Và nếu cứ tiếp tục đi vay và cho vay lại, chắc chắn trong thời gian tới, số nợ trên vốn chủ sở hữu sẽ tăng cao, do đó khó đáp ứng được điều kiện vay vốn của ngân hàng.
Có lẽ đó là cũng một trong những lý do EVN khó mà có ngân sách để tuyển dụng thêm nhân viên.
Cùng với thông tin của EVN, nhìn lại số liệu thống kê về doanh nghiệp giải thể sẽ nhận thấy người lao động năm 2014 có thể phải đối mặt với tình trạng mất việc kéo dài, dẫn đến cuộc sống bấp bênh rất nghiêm trọng. 
Tương lai bấp bênh, ấm ức vì bị đem con bỏ chợ, qua cầu rút ván mà tay lại không tấc sắt chính là tình cảnh bi đát của hàng trăm công nhân hiện nay, sau khi đã vắt kiệt sức để kiếm sống suốt cả năm trời. 


Theo Tổng cục Thống kê, ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012. Trong khi đó, số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm trước. Trong đó số doanh nghiệp đã giải thể là 9818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doanh nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.
Biểu hiện mới nhất cho nguy cơ trên chính là sự việc diễn ra chiều ngày 2.1.2014, khi gần 50 công nhân cây xanh tập trung trước Công ty Dịch vụ và Đầu tư Phát triển Việt Ninh (Ninh Thuận) đã tập trung trước trụ sở công ty, phản đối việc đột ngột ra thông báo không trả lương kể từ ngày 1.1.
Lý do được đưa ra là công ty không trúng thầu chăm sóc cây xanh một số đường phố, các tiểu đảo, bùng binh ở Phan Rang - Tháp Chàm.
Mặc dù ông Bùi Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết thành phố đã chỉ đạo đơn vị trúng thầu tiếp nhận số công nhân này nhưng không nói rõ sẽ tiếp nhận bao nhiêu người. Các công nhân này đã làm việc từ năm 2008.
Trước đó vào ngày 27.12, hàng trăm công nhân Công ty Sanyo Semiconductor Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP.HCM) đã hết sức bất ngờ khi nhận được thông báo về việc công ty chấm dứt hoạt động từ ngày 29.1.2014.
Toàn bộ công nhân mất việc sẽ được công ty giới thiệu làm tại Công ty On Semiconductor, một công ty liên kết có trụ sở tại khu công nghiệp Biên Hòa II, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nhưng quyền quyết định có tuyển hay không thuộc về On Semiconductor.
Cho rằng bị o ép quyền lợi, tập thể công nhân đã khiếu nại đến các cơ quan chức năng (Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM) nhờ can thiệp. Thế nhưng đại diện công đoàn chỉ cho biết đã nhận được phản ánh của người lao động và sẽ làm việc với ban giám đốc Sanyo Semiconductor Việt Nam.
Một ngày sau (28.12.2013), thêm hàng chục công nhân Công ty May mặc Mai (P. Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM) cũng đã đồng loạt kêu cứu khi đột ngột mất việc (ảnh dưới).
Ảnh: Lao động & Xã hội
Cụ thể hôm 27.12, giám đốc cho biết công ty tạm ngưng hoạt động đến sau tết Nguyên đán. Tiền lương tháng 12.2013, công ty sẽ thanh toán cho công nhân từ ngày 1.1.2014 đến 10.1.2014. Nhưng do nhận được tin giám đốc sẽ về Mỹ giải quyết việc riêng, sợ mất quyền lợi nên các công nhân yêu cầu phải trả lương trước khi đi nhưng ông Phùng không chịu.
Ngay sau khi nhận được tin báo của công nhân, Ủy ban Nhân dân quận Thủ Đức đã yêu cầu Liên đoàn Lao động phối hợp cùng Phòng Lao động & Thương binh Xã hội quận can thiệp, giải quyết. Rồi cù cưa mãi phía May mặc Mai mới chịu trả tiền lương cho công nhân với thái độ hết sức bàng quang, thiếu tôn trọng trước sự lo lắng của người lao động.
Trước đó chừng một tuần, gần 100 công nhân Công ty S.B International (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng bất an khi công ty mất khả năng chi trả tiền lương tháng 10 và 11.2013 (khoảng 400 triệu đồng). Đáng lo nhất trong đó có 10 nữ công nhân đang mang thai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sắp đến kỳ sinh nở còn bị mất việc và bị treo quyền lợi.
Tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) hàng chục công nhân Công ty C và J 100% vốn nước ngoài cũng bị mất việc khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
Dường như đến lúc này vẫn chưa có một số liệu chính xác và chính thức nào cho biết về số người mất việc làm, do các công ty chuyển thể, giải thể, phá sản ngày càng cao.
Tương lai bấp bênh, ấm ức vì bị đem con bỏ chợ, qua cầu rút ván mà tay lại không tấc sắt chính là tình cảnh bi đát của hàng trăm công nhân hiện nay, sau khi đã gần như vắt kiệt sức để kiếm sống suốt cả năm trời. 
Thi Anh 
Ảnh minh họa: Công nhân tụ tập trước trụ sở Công ty Việt Ninh ở Ninh Thuận (từ Minh Trân - Pháp Luật TP.HCM)