Saturday, January 4, 2014

Trẻ sơ sinh tử vong, lộ chuyện 2 bác sĩ chưa tốt nghiệp ĐH



Thứ bảy, 2014-01-04 12:08:01 - Nguồn: Docbao.vn
Chuyện lạ đời bị phát hiện từ phản ánh của một sản phụ mất con trong ca trực của hai bác sĩ này, vào thời điểm cả hai đều chưa tốt nghiệp đại học.
Ông Nguyễn Thái Hùng và ông Lê Văn Lộc Phát đều là bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn (BVĐK Hóc Môn). Điều đáng ngạc nhiên là họ được cấp bằng tốt nghiệp đại học vào tháng 4/2012 (ông Hùng) và tháng 3/2013 (ông Phát), nhưng cả hai đều đã được BVĐK Hóc Môn tuyển dụng và chính thức hành nghề y từ giữa năm 2011.
Chuyện lạ đời bị phát hiện từ phản ánh của một sản phụ mất con trong ca trực của hai bác sĩ này, vào thời điểm cả hai đều chưa tốt nghiệp đại học.
Theo phản ánh của gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hiền (ngụ tại Q.12, TP.HCM), khoảng hơn 21g ngày 18/6/2011, khoa Sản BVĐK Hóc Môn tiếp nhận sản phụ Nguyễn Thị Thu Hiền được chuyển từ BV Q.12 tới. Chẩn đoán ban đầu của BV về trường hợp bà Hiền là: sản phụ mang thai 38 tuần tuổi, rặn không chuyển do thai cúi đầu... Đến 22g, các BS nơi này chỉ định mổ cấp cứu cho bà Hiền. 22g40 cùng ngày, cháu bé chào đời, cân nặng 2.700g. Vừa chào đời, bé đã có biểu hiện suy hô hấp, phản xạ yếu, môi tím… nên các BS khoa Sản đã chuyển bé sang khoa Nhi của BV để hồi sức, điều trị. Ba giờ sau, cháu bé tử vong.
 
 
Lúc đó, theo lãnh đạo BVĐK Hóc Môn, con chị Hiền bị suy hô hấp nặng (chỉ số Apgar 4-8), diễn tiến nhanh, dù các BS đã cố gắng hồi sức nhưng không cứu được. Nhận thấy cái chết của cháu bé có nhiều nghi vấn nên hai năm qua, gia đình bà Hiền đã tìm hiểu và phát hiện một sự thật: BV đã giao phó sinh mạng của cháu bé sơ sinh (con chị Hiền) cho hai “bác sĩ” khi đó chưa tốt nghiệp đại học.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, lịch trực đêm 18/6/2011, tại Khoa Nhi BVĐK Hóc Môn có hai BS gồm ông Nguyễn Thái Hùng (trực chính) và ông Lê Văn Lộc Phát (BS hỗ trợ). Hai BS này đã tiếp nhận bé sơ sinh từ khoa Sản của BV về khoa Nhi. Vào thời điểm đó, hai BS này đều chưa tốt nghiệp đại học, thậm chí, chưa đủ điều kiện để được dự thi tốt nghiệp…
Chúng tôi không lạm bàn về nguyên nhân tử vong của cháu bé, bởi căn cứ theo kết luận của Hội đồng khoa học BVĐK Hóc Môn ngày 21/6/2011, nguyên nhân con chị Hiền tử vong là “Ngưng tim, ngưng thở/suy hô hấp sơ sinh. Bệnh tim bẩm sinh - nhiễm trùng huyết sơ sinh. Người nhà xin mang thi thể cháu bé về và cam kết không khiếu nại”. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc chính là việc tuyển dụng hai vị này làm BS khi họ chưa đạt điều kiện tối thiểu để hành nghề.
Theo Ban giám đốc BVĐK Hóc Môn, việc tuyển dụng hai BS này đã được BV thực hiện đúng quy trình: từ xét duyệt hồ sơ, thử việc... Ông Lê Văn Thạnh (Phó Giám đốc BVĐK Hóc Môn) và ông Nguyễn Văn Hồi, phụ trách tổ chức cán bộ BV khẳng định “Hồ sơ phải đủ điều kiện thì BV mới ký hợp đồng lao động. BS Lê Văn Lộc Phát được BVĐK Hóc Môn ký hợp đồng làm việc tại khoa Nhi vào ngày 1/3/2011. BS Nguyễn Thái Hùng được ký hợp đồng làm việc tại khoa Nhi ngày 1/4/2011. Vì vậy, tại thời điểm xảy ra sự cố (tháng 6/2011) hai vị này đã là BS của khoa Nhi BVĐK Hóc Môn”.
Trong công văn trả lời Báo Phụ Nữ, ông Đỗ Kim Hoàng, Giám đốc BVĐK Hóc Môn cũng khẳng định, việc ký hợp đồng lao động cho BS Lê Văn Lộc Phát theo quyết định tốt nghiệp số 1895/QĐ-ĐHYPNT-QLĐT, được Phó hiệu trưởng (ThS-BS Nguyễn Thế Dũng) Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ký tên, đóng dấu ngày 28/2/2011. Tương tự, chứng nhận tốt nghiệp của BS Nguyễn Thái Hùng mang số 1918/QĐ-ĐHYPNT-QLĐT, ký ngày 21/3/2011.
Đối chiếu với hồ sơ lưu trữ của hai ông Lê Văn Lộc Phát và Nguyễn Thái Hùng tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chúng tôi được biết, vào thời điểm đó, cả hai sinh viên Lê Văn Lộc Phát và Nguyễn Thái Hùng đều chưa đủ điều kiện tốt nghiệp.
Cụ thể, tại kỳ tốt nghiệp năm 2010 cho sinh viên y khoa khóa 2004-2010, sinh viên Lê Văn Lộc Phát nợ môn Nội thần kinh, sinh viên Nguyễn Thái Hùng còn nợ hai môn Giải phẫu và Mô phôi. Theo Ban giám hiệu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đến cuối năm 2011, sinh viên Nguyễn Thái Hùng mới trả xong nợ và được tốt nghiệp.
Quyết định tốt nghiệp của ông Nguyễn Thái Hùng mang số 1976/QĐ-ĐHYPNT, ký ngày 9/12/2011, bằng tốt nghiệp của ông Hùng có số hiệu 007.556, do PGS Nguyễn Tấn Bỉnh (khi đó còn là Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ký ngày 18/4/2012. Còn sinh viên Lê Văn Lộc Phát đến cuối năm 2012 mới trả xong nợ môn. Ông Phát có quyết định tốt nghiệp mang số 2047/QĐ/ĐHYPNT ký ngày 21/11/2012, bằng tốt nghiệp có số hiệu 012.006, ký ngày 19/3/2013, do PGS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ký.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khẳng định, việc ký quyết định tốt nghiệp, giấy chứng nhận tốt nghiệp, bằng tốt nghiệp cho sinh viên của trường thời điểm đó đều do hiệu trưởng hoặc quyền hiệu trưởng trường ký, được đánh số, có hồ sơ lưu… nên giấy chứng nhận tốt nghiệp của sinh viên Lê Văn Lộc Phát vào đầu năm 2011 không phải do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp.
Ngày 28/12/2013, chúng tôi nhiều lần liên hệ với BVĐK Hóc Môn để làm rõ thêm vụ việc nhưng nơi đây từ chối hợp tác.
 
Cơ quan điều tra cần vào cuộc
Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, nếu thông tin đúng như đã nêu thì đây là sự việc rất nghiêm trọng, cho thấy những sai phạm từ nhiều phía: hai ông Lê Văn Lộc Phát và Nguyễn Thái Hùng, BVĐK Hóc Môn và có khi cả từ Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Thứ nhất, nếu có bằng chứng xác thực việc hai BS này sử dụng bằng cấp giả và các quyết định giả của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (điều này cần sự giám định của các phân viện khoa học hình sự công an TP.HCM hoặc của Bộ Công an) thì hành vi của hai BS này đủ yếu tố cấu thành tội: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điều 267 BLHS. Tùy mức độ, người phạm tội có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù đến bảy năm. Ngoài ra, hai BS này còn có thể bị điều tra xử lý về việc vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, khi chưa đủ điều kiện và xem xét mức độ liên quan đến vụ bé sơ sinh tử vong.
Thứ hai, về phía BVĐK Hóc Môn, nếu có căn cứ cho thấy có biết hai BS trên sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả mà vẫn tuyển dụng và bố trí cho khám chữa bệnh thì sẽ bị xử lý trách nhiệm trong tuyển dụng và liên đới chịu trách nhiệm theo điều 242 BLHS; nếu không biết thì cũng phải kiểm điểm trách nhiệm do tắc trách để xảy ra vi phạm nghiêm trọng tại cơ quan.
Đối với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nếu có căn cứ cho thấy các quyết định là do chính trường cấp phát cho hai BS, người ký sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân.
Các cơ quan chuyên môn như thanh tra sở y tế hoặc công an cần vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan.
 
 
Theo Tiến Đạt - Vinh Nguyễn (Phunuonline.com.vn)

No comments:

Post a Comment