Trong quan điểm giải quyết mâu thuẫn tại quần đảo Hoàng Sa, chính quyền VNCH và báo chí quốc tế cho đây không những là vấn đề riêng của hai nước trực tiếp xung đột
Hội nghị Sanfrancisco đại diện VNCH khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa, phía Trung Quốc im lặng
Đó là một mâu thuẫn, có tính chiến lược của các nước lớn trong hệ thống các quần đảo trên biển Đông, đồng thời cũng là một vấn đề có tính chất quốc tế nghiêm trọng. Về việc này, ngay sau khi Trung Cộng tăng cường lực lượng Hải quân đến quần đảo Hoàng Sa, Hãng AFP đã nhận định về tính chất, nguyên nhân xung đột tại quần đảo Hoàng Sa như sau: “Sự bất đồng giữa Hoa Lục với Nam Việt về các quần đảo ở Nam Hải vượt khỏi phạm vi sự chạm trán giữa Bắc Kinh và Sài Gòn. Sự chạm trán này liên quan đến sự kiểm soát về chiến lược và về kinh tế của gần hết biển Nam Hải nằm một mặt giữa Hoa Lục và Nam Việt cả mặt khác giữa Mã Lai Á, Inđônêsia, Phi Luật Tân vùng biển rộng lớn tiếp nối có biển Malacca nằm ở phía Nam Nhật rất quan trọng”.
Bởi vậy, phản ứng của các nước lớn trong vụ xung đột tại quần đảo Hoàng Sa là khác nhau. Từ thái độ của mỗi nước, cho thấy rõ hơn về tính chất của mâu thuẫn trên biển Đông, về phương hướng giải quyết tranh chấp của chính quyền VNCH trong suốt thời kỳ tồn tại của mình. Ở đây đề cập đến hai nước lớn là Nga và Mỹ, bởi đó là hai nước có tầm ảnh hưởng lớn đến quan hệ quốc tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lúc bấy giờ.
Thái độ của Nga
Trong quan hệ quốc tế năm 1974, cục diện chính trị thế giới đã có nhiều thay đổi trong thế “hai cực” của chiến tranh lạnh, đặc biệt là sau sự kiện năm 1972 khi Trung Cộng và Mỹ ký Thông cáo chung Thượng Hải. Nga thể hiện phản ứng không hài lòng của Trung Cộng khi “đi đêm” với Mỹ và có những hành động nhằm giữ thế cân bằng quyền lực ở khu vực Đông Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương.
Ngay sau khi hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa diễn ra, báo chí của Nga đã có những phản ứng gây gắt. Ngày 27-01, tờ Sự Thật (Pravda), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô cho rằng: “hành động quân sự của Trung Cộng tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ và là một mối đe dọa cho các quốc gia Á Châu, việc sử dụng vũ khí để giải quyết tranh chấp đất đai không thể nào tha thứ được".
Trong khi đó, Đài BBC, ngày 27/01/1974 đã phân tích tình hình và nhận định mối quan hệ giữa các quốc gia trong vụ Hoàng Sa, xem việc Trung Cộng dùng vũ lực là một điều mới mẻ, ý đồ bành trướng lãnh thổ của Trung Cộng đã thể hiện trước đó nhưng chủ yếu bằng cách thức hòa bình. Hiện nay, nhiều yếu tố trong mối quan hệ quốc tế đã thay đổi, tuy nhiên việc Trung Cộng dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa vẫn gây sự ngạc nhiên cho nhiều nước.
Bài báo này cho rằng: “có nhiều lý do để giải thích sự kiện mới này, một lý do là vì Trung Cộng quan tâm không hẳn là với mục đích chiếm các hải đảo cho Trung Cộng mà để đảm bảo rằng, các quần đảo nhỏ ấy rải rác ở vùng phía Tây Thái Bình Dương không rơi vào tay các siêu cường Hoa Kỳ hay Liên Xô hoặc rơi vào tay các đồng minh của hai siêu cường này".
Có nghĩa là Liên Xô sẽ giảm ưu thế của mình một khi Trung Cộng làm chủ quần đảo Hoàng Sa, đây là một nguyên nhân chủ yếu để Liên Xô phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Cộng, mặc dù lúc này quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của VNCH chứ không phải là của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ý thức hệ chính trị đóng một vai trò thứ yếu trong thái độ của Liên Xô đối với tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa. Vấn đề ý thức hệ cũng thể hiện rất rõ trong thái độ của Trung Hoa quốc gia tại Đài Loan khi “Trung Hoa Quốc gia ở Đài Loan cũng tuyên bố đại diện cho lục địa và Đài Loan còn có quân đội đóng tại một số các hải đảo nhỏ". Và, sự việc không đóng khung tại quần đảo Hoàng Sa mà “còn tranh giành về quần đảo Trường Sa quá về hướng Nam về hai nhóm quần đảo khác nhỏ hơn".
Đó là thái độ của Liên Xô trong nhận định của một số tờ báo của nước ngoài, đặc biệt là tờ Sự Thật (Pravda), tiếng nói của Đảng và nhân dân Xô Viết. Đối với các quan chức, lãnh đạo của chính quyền VNCH, họ cũng đồng quan điểm về thái độ của Liên Xô đã ủng hộ VNCH và phản đối hành động xâm lược bằng vũ lực của Trung Cộng. Hãng TTH tại Sài Gòn ngày 01/02/1974 đã đưa tin phỏng vấn các Nghị sĩ VNCH về vụ Hoàng Sa. Nghị sĩ Trương Vi Trí cho rằng: “Việc Trung Cộng xua quân chiếm quần đảo Hoàng Sa chỉ có mục đích chiến lược. Ở đây chỉ có thể đặt một đài kiểm soát di chuyển của các tàu bè trên mặt biển cũng như sự điều động các lực lượng Hải quân. Do đó, Trung Cộng quyết chiếm cho bằng được quần đảo này với mục đích là đặt cơ sở kiểm soát phía đông Thái Bình Dương hầu có thể theo dõi sự di chuyển của Hải quân Nga và tránh được sự bao vây sau này của Nga".
Bản chất của sự kiện Hoàng Sa năm 1974 nằm trong chiến lược cân bằng quyền lực giữa các cường quốc trên thế giới, cụ thể là kìm hãm ảnh hưởng của Nga tại Châu Á - Thái Bình Dương. Điều này nằm trong nhận định của Báo Tia Sáng: “Vụ Hoàng Sa không chỉ đóng khung trong eo biển Đông Dương mà còn có một tầm vóc tranh chấp quốc tế về quyền lợi trên mặt và dưới đáy sâu biển cả".
Từ những nhận định trên, cho thấy sự kiện Hoàng Sa ngày 19-01-1974 trên bình diện quốc tế có hai vấn đề: Một là, bản chất của vụ Hoàng Sa là sự tranh chấp chiến lược trên biển giữa Nga và Trung Cộng, cụ thể là Trung Cộng quyết phá vỡ sự ưu thế đường biển của Nga nhằm khống chế Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, cho nên trong vụ này, Nga phản đối rất gay gắt.
Hai là, sự kiện Hoàng Sa năm 1974 về bản chất là sự đụng độ kinh tế về tranh giành tài nguyên dưới đáy biển giữa Trung Cộng và nhóm tư bản quốc tế. Tất cả đều là những vấn đề lớn có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược mà Trung Cộng phải đương đầu. Bởi vậy, vấn đề mâu thuẫn sẽ trở nên dễ hiểu khi đặt trong thế chiến lược mà cả báo chí trong nước và quốc tế lúc bấy giờ nhận định, phân tích một cách khách quan.
Thái độ của Mỹ
Thái độ của Mỹ trong vụ Hoàng Sa năm 1974, đó là một thái độ “không phản ứng rõ rệt, im lặng, không can thiệp”. Quan điểm này mới đầu nghe có vẻ lạ bởi VNCH là một “đồng minh thân cận” của Mỹ trên quan hệ quốc tế. Thái độ này gây một sự bất bình đối với chính quyền VNCH trong quá trình kêu gọi sự ủng hộ của các nước có quan hệ để giải quyết mâu thuẩn tại quần đảo Hoàng Sa. Báo chí VNCH và nước ngoài đều có nhiều bài phân tích thái độ của Mỹ nhân sự kiện hải chiến Hoàng Sa 1974 đã làm rõ vấn đề này, đặc biệt là những bài phân tích sau khi sự kiện này đã xảy ra.
Ngày 27/01/1974, sau khi Bộ Ngoại giao VNCH tố cáo những hành động vũ lực, xâm phạm chủ quyền của Trung Cộng, khẳng định ý chí chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời gửi văn thư tới các Quốc trưởng hoặc nguyên thủ các quốc gia “thân hữu” nhằm trình bày các tiến trình của vụ Hoàng Sa, cùng chứng tỏ tính chính nghĩa của mình. Trước thái độ thờ ơ của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH nói thanh minh và trách móc trên Tia Sáng rằng: “việc yêu cầu Hoa Kỳ dồn hạm đội thứ 7 can thiệp là hoàn toàn vô căn cứ".
Điều này phản ánh hai vấn đề: trên thực tế Mỹ đã không hỗ trợ VNCH và can thiệp trong vụ hải chiến Hoàng Sa dù có cả một Hạm đội kề bên; hai là đã là một “đồng minh thân cận” thì việc hỗ trợ đồng minh khi có chiến sự là một điều đương nhiên. Thái độ này chứng tỏ Mỹ có thể sẵn sàng bỏ rơi một đồng minh “nào đó” để theo đuổi quyền lợi riêng của mình để thực hiện chiến lược quốc gia.
Việc Trung Cộng dùng vũ lực xâm chiến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên thực tế cũng ảnh hưởng đến vai trò chiến lược của Mỹ ở khu vực này, chứ không riêng gì Liên Xô. Đài BBC nhận định rằng, Trung Cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa “để đảm bảo rằng các quần đảo nhỏ ấy rải rác ở vùng phía Tây Thái Bình Dương không rơi vào tay các siêu cường Hoa Kỳ hay Liên Xô hoặc rơi vào tay các đồng minh của hai siêu cường này".
Quần đảo Hoàng Sa rơi vào tay Trung Cộng tất nhiên có ảnh hưởng xấu đến Mỹ, tuy nhiên đằng sau đó Mỹ được cái lợi lớn hơn là “nhờ tay” Trung Cộng kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô, Mỹ không phải ra tay và có “tiếng xấu” trên cộng đồng quốc tế. Đó chính là một lý do để Mỹ chọn thái độ “không có phản ứng rõ rệt, im lặng”. Chính thái độ này của Mỹ đã bị các Nghị sĩ VNCH lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ. Họ cho rằng “đúng lý ra Việt Nam phải được sự hỗ trợ tối đa của các quốc gia trong thế giới tự do” và “12 quốc gia tham dự việc hình thành Hiệp định Paris 27-1-1973, nhất là Hoa Kỳ, phải có thái độ và nghĩa vụ rõ rệt trong vụ này". Đồng thời bài báo cũng đưa ra thêm một lý do là “vì trong giai đoạn hòa dịu, các quốc gia này không muốn làm mất lòng Trung Cộng vì sợ mất một thị trường tiêu thụ béo bở".
Một lý do quan trọng khác để dẫn tới thái độ của Mỹ trong vụ này, bởi tính chất của vụ Hoàng Sa chỉ là một “thắt nút” trong việc tranh chấp các đảo và quần đảo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giữa nhiều nước với nhau, không riêng gì giữa Trung Cộng và VNCH. Tờ Điện Tín, ngày 06/02/1974 có bài bình luận, đưa ra nhận định: “Nếu vì dầu lửa mà các nước đồng minh của Mỹ lộn xộn với nhau thì Mỹ sẽ khó bênh ai, bỏ ai. Cho nên trong vụ này, người ta có thể đoán tư bản tài phiệt Mỹ sẽ cố gắng sắp xếp sao cho nội vụ sớm ổn thỏa… đồng thời đã có một nguyên tắc chung đã được Mỹ và Trung Hoa đồng ý là không ai được chiếm ưu thế ở vùng Đông Nam Á".
Chính vì lẽ đó, trong vụ Hoàng Sa, VNCH đã không hy vọng gì vào Mỹ mà đã đưa ra quyết tâm “cần kích động lòng tự ái dân tộc mà còn phải có hậu thuẫn của nhân dân, được sự yểm trợ của các nước bạn và không lệ thuộc vào ai" dù là đồng minh của Mỹ hay không vì Mỹ không thể ủng hộ tất cả đồng minh của mình trong tình thế mâu thuẫn trên biển ở khu vực biển Đông nói riêng và Châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Trước sự lên tiếng của VNCH, điều mà Mỹ chỉ muốn làm trong lúc này là lặng lẽ quan sát diễn biến tình hình từ xa như: “Hoa Kỳ đang giúp Việt Nam theo dõi trên quần đảo Hoàng Sa và đảo Hải Nam nhưng ở vào một khoảng cách an toàn. Hoa Kỳ đã thiết lập một đài ra đa bằng phi cơ hay bằng khu trục hạm của Hạm đội 7 ở Nam Hải nằm về phía Đông bắc Hoàng Sa độ 160 cây số. Đài ra đa này liên lạc với một đài ra đa của Nam Việt ở Đà Nẵng, việc này giúp cho Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn mọi điều nghe thấy trên các đảo". Trong vụ Hoàng Sa, Mỹ lặng lẽ quan sát và chỉ can thiệp một khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Võ Hà (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment