Thursday, January 2, 2014

VIDEO : Ớn nhợn với sương sâm giẫm dưới chân, phơi ngoài đường


02/01/2014 20:30 (GMT + 7)
TTO - Thưởng thức ly sương sâm ngọt mát hằng ngày, ít người có thể hình dung nổi sương sâm được chế biến ở những nơi dơ bẩn, được làm bằng chân, tẩm hóa chất và phơi giữa đường bên cạnh xe cộ qua lại.






Trưa 16-12, chúng tôi men theo các con hẻm trên đường An Dương Vương, Trần Phú (P.4, Q.5, TP.HCM) - nơi được xem “thủ phủ” chuyên sản xuất sương sâm, sương sáo.

Phơi giữa đường, đạp bằng chân

“Nhiều người bảo ăn sương sâm rất mát cho cơ thể. Người bán luôn khẳng định họ sản xuất sương sâm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên có lúc đang ăn tôi phát hiện trong ly sương sâm có một số loại vật lạ”.
Chị VÕ TÚ MI
(ngụ tại P.Tân Quy, Q.7)

Dọc theo ngõ ngách trong con hẻm 338 An Dương Vương, hàng loạt cơ sở sản xuất lấy đường làm nơi phơi nguyên liệu. Thỉnh thoảng xe cộ qua con hẻm lại thản nhiên cán lên nguyên liệu làm sương sâm.
Ngày 17-12, chúng tôi tiếp cận căn nhà 71/32 Trần Phú, P.4, Q.5 nằm trong con hẻm đường Trần Phú. Lúc này, một phụ nữ tên Linh liên tục dùng chân giẫm đạp lên sương sâm trước khi múc từng thau nước lã đổ vào máy xay.
Một lúc sau, bà Linh đi chân đất vào nhà lấy dụng cụ rồi lại thản nhiên bước chân vào thau nguyên liệu giẫm đạp tiếp. Gần đó, trong phía góc trái căn nhà hàng loạt dụng cụ vò, đựng sương sâm đã ngả màu vàng ố, thau nước để chế biến cũng đầy cát bụi và chất thải.
Cùng ngày, chúng tôi tiếp cận cơ sở sương sâm của bà Mỹ tại số nhà 71/40 Trần Phú. Lúc này, cơ sở đang tấp nập chế biến sương sâm với số lượng lớn. Bà Mỹ kéo vòi nước lã từ trong nhà ra ngoài đường rồi xả tràn vào các thau lớn để chuẩn bị chế biến.
Sau khi giẫm xong, bà Mỹ rửa chân ở một thau nhựa nhỏ bên cạnh. Ngay sau đó, bà lại đổ thau nước vừa rửa chân vào nguyên liêu chế biến sương sâm rồi cho số nguyên liệu này vào máy xay.
Xay khoảng 10 phút, bà Mỹ xả vòi cho dung dịch gồm nước và lá sương sâm xanh đen, nhơn nhớt chảy ra thau nhựa. Tiếp đó, bà Mỹ cho hóa chất vào các thau nhựa rồi dùng tay trộn đều. Để khoảng 5 phút, toàn bộ loại nước sương sâm được cho vào các lon bia cũ, hộp nhựa, bao nilông… rồi mang ra phơi tràn lan ngoài lề đường.
Khi sương sâm đông đặc sẽ được cơ sở này chở đi bỏ mối tại các các chợ nhỏ lẻ trên địa bàn TP.HCM.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại hóa chất dùng để trộn vào nước sương sâm được bà Linh mua ở chợ Kim Biên. Đây là loại hóa chất của Trung Quốc, không nhãn mác, dùng để làm cho sương sâm nhanh đông.
Từ chỗ bẩn ra chợ
Rạng sáng 18-12, các tiểu thương tấp nập đến lấy hàng. Bà Linh cho hay số lượng bao nhiêu cũng có thể cung ứng được. Khi khách hàng hỏi về giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Linh lắc đầu: “Chỗ tôi vậy mà trước giờ có ai bị gì đâu”.
Trong quá tìm hiểu của chúng tôi, chỉ những điểm bán nhỏ lẻ mới trực tiếp đến tận cơ sở bà Linh lấy hàng. Đối với những điểm bán với số lượng lớn được bà Linh giao tận nơi.
Hầu hết các nguyên liêu làm sương sâm ở đây được bà Linh, bà Mỹ thu mua ở khu vực Tây Ninh, Long An, Củ Chi… với giá 170.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi pha trộn với nước lã bà Linh có thể cho ra hàng trăm hộp sương sâm thành phẩm với giá 2.000 - 5.000 đồng/hộp.
5g sáng 19-12, chúng tôi theo chân người làm của cơ sở bà Linh đi giao hàng với số lượng lớn. Hàng sau khi được tập kết trước nhà 71/32 Trần Phú được người phụ nữ này chở qua các tuyến đường An Dương Vương, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Trãi chạy thẳng lên cầu Chữ Y qua đến quận 8, cuối cùng chạy vào chợ Rạch Ông (P.2, Q.8) bỏ mối sương sâm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các cơ sở chế biến thường vận chuyển sương sâm đến các chợ như Rạch Ông, Thái Bình (Q.1), Hòa Bình (Q.5), Vườn Chuối (Q.3)… Đặc biệt một số lượng lớn từ các cơ sở này được bỏ mối tại chợ An Đông (Q.5).
Và cứ thế, hằng ngày hàng trăm ký sương sâm được bán khắp các con phố Sài Gòn. Ít ai hình dung ra được thực tế quy trình sản xuất của một món ăn được cho là ngon, bổ này.
A.TH. - LÊ PHONG - CHẾ THÂN

No comments:

Post a Comment