(Dân trí) - Năm 2014, các thị trường truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam tăng nhu cầu. Ngành xuất khẩu lao động đặt ra mục tiêu đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài, cao hơn năm ngoái. Nhiều biện pháp tiếp tục được thực hiện, nhằm phá băng thị trường Hàn Quốc.
Nhận định về tình hình xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2014, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Công Hải cho rằng,năm nay trên toàn thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên thị trường lao động đã bắt đầu ấm trở lại. Do đó ngành XKLĐ Việt Nam đặt ra chỉ tiêu đi năm 2014 sẽ đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài, tăng 5.000 chỉ tiêu so với năm 2013.
Theo dự báo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2014, một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… tiếp tục có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Đặc biệt, cánh cửa vào thị trường tiềm năng Hàn Quốc sẽ dần được mở lại, tạo thêm cơ hội cho lao động.
Năm 2014 ngành XKLĐ kỳ vọng đạt đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài
Không chỉ dừng lại ở các thị trường truyền thống, năm 2013 cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi. Tháng 6/2013, đã có 125 cơ sở y tế Nhật Bản đăng ký tham gia chương tiếp nhận điều dưỡng, hộ lý Việt Nam. Số lượng đề nghị tiếp nhận đợt đầu tiên là 245 ứng viên hộ lý và 59 điều dưỡng viên Việt Nam vào năm 2014- gấp đôi lượng ứng viên đã được tuyển chọn khóa 1 và đang đào tạo tiếng Nhật. Bên cạnh đó, ngành xuất khẩu lao động tiếp tục mở rộng các hoạt động để mở các thị trường mới như: Australia, Canada, Bahrain, Angola, Thái Lan… Năm 2013 ngành cũng đã tiến hành đưa lao động Việt Nam sang thị Trung Đông và châu Phi.
Dù vậy, trong năm 2013 cũng đánh dấu những thông tin buồn của ngành XKLĐ. Đó là tình trạng đóng băng thị trường Hàn Quốc - thị trường truyền thống của Việt Nam. Nguyên nhân do tình trạng tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không về nước đúng thời hạn sau khi hết hạn hợp đồng quá cao.Hệ lụy là hiện hàng nghìn hồ sơ của người lao động khác đã hoàn thiện sau khi đã thi tiếng, học nghề bị dừng lại; nhiều người lao động không khỏi hoang mang, lo lắng. Kết thúc năm 2013 cũng đồng nghĩa hơn 1,2 vạn chứng chỉ tiếng Hàn của người lao động (NLĐ) cả nước hết hiệu lực.
Để phá băng thị trường này, những ngày cuối năm 2013, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã cắt băng khai trương Văn phòng quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Văn phòn này có nhiệm vụ gặp gỡ, giao lưu với lao động ở các trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài tại các thành phố lớn của Hàn Quốc tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành pháp luật, quy định trong hợp đồng và về nước đúng thời hạn…Kết quả, với những biện pháp chế tài đã được ban hành từ tháng 8/2013, tỷ lệ lao động Việt Nam tại Hàn Quốc không về nước đúng thời hạn sau khi hết hạn hợp đồng đã giảm từ 49,9% xuống còn 38,2% trong tháng 10/2013.
Mới đây, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng LĐ-TB&XH đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH sang Hàn Quốc để đàm phán tiếp về vấn đề này.
Phạm Thanh
No comments:
Post a Comment