Friday, January 31, 2014

Những cái nhất "khó đỡ" ở Việt Nam

(Kienthuc.net.vn) - Tại Việt Nam, giá nhà đất, xe cộ, giá sữa, giá thịt, phí bệnh viện... được xếp vào hàng cao nhất thế giới.

Thịt lợn, thịt bò đắt nhất
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thịt bò, thịt lợn, thịt gà sản xuất trong nước đều đang có giá thành cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.
 
Hiện giá thịt bò hơi mua tại Úc là 2 USD/kg, gánh thêm 5% thuế nhập khẩu, phí vận chuyển và các chi phí khác, khi về đến Việt Nam giá 1 kg thịt bò hơi Úc chưa đến 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bò hơi Việt Nam lại ở mức trên 70.000 đồng/kg. Tại các siêu thị, thịt bò Úc được ưa chuộng vì mềm, ngon, chất lượng và không chênh lệch hơn giá thịt bò trong nước là bao nhiêu. Tại thị trường TP HCM, các hệ thống bán hàng của nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất thành phố như Vissan đã không còn thấy thịt bò Việt Nam.
Không chỉ thịt bò mà thịt lợn, thịt gà sản xuất trong nước đều có giá thành sản xuất cao hơn hẳn các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay giá lợn hơi nước ta đang ở mức 50.000 đồng/kg, trong khi đó lợn hơi Trung Quốc luôn ở mức thấp hơn. So với Thái Lan, Mỹ, Canada, giá thành nuôi lợn ở Việt Nam đều cao hơn.
Giá sữa cao nhất
Theo thông tin từ cuộc hội thảo Người tiêu dùng chọn sữa thông minh, giá sữa Việt Nam được cho là đắt nhất thế giới. Bên cạnh các yếu tố cấu thành giá sản phẩm như: giá sữa nguyên liệu, chi phí sản xuất, đóng gói, lợi nhuận của nhà chế biến, phân phối bán lẻ, các chính sách thuế... thì thị hiếu, xu hướng chọn mua loại đắt tiền của người tiêu dùng Việt Nam cũng có phần đẩy giá sữa tăng chóng mặt.
 
Với tâm lý "sính" sữa ngoại, người tiêu dùng khi nghe thông tin giá sữa tăng, sẵn sàng mua về dự trữ và càng đẩy giá sữa lên cao. Lý do mà các doanh nghiệpnhập khẩu sữa đưa ra mức giá cao "ngất ngưởng" là phải "cõng" hàng loạt chi phí gồm: thuế nhập khẩu, chi phí hậu vận (kho bãi nhập khẩu, chi phí quảng cáo)...
Trên thực tế, vấn đề tồn tại lớn nhất của ngành sữa Việt Nam là thiếu nguyên liệu sữa tươi. Theo số liệu mới nhất, Việt Nam là một trong 20 nước nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới. Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại, chủ yếu là sữa và kem cô đặc, pha chế. Trong dòng sữa nước có tới 70% là sữa hoàn nguyên (sữa pha lại). Đây là nguyên nhân khiến giá cả sữa hoàn nguyên còn đắt đỏ hơn cả sữa tươi sạch.
Giá đất đắt nhất
Thống kê mới nhất của Numbeo (một trang web chuyên thống kê về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới) cho thấy chỉ số giá nhà trên thu nhập tại Hà Nội lên đến 34,59 lần, đứng thứ 4 trong số gần 400 thành phố trang web này khảo sát. Giá nhà Hà Nội chỉ thấp hơn Phnom Penh của Campuchia (45,45), Tbilisi của Georgia (45,33) và Thẩm Quyến của Trung Quốc (35,14).
 
Theo thống kê này thì giá nhà đất tại Hà Nội hiện tại cao hơn nhiều tại Hong Kong, Bắc Kinh, Thượng Hải, Bangkok khi so với thu nhập trung bình. Giá nhà đất tại Hà Nội vượt xa giá nhà tại TP HCM trung bình 11,02 lần.
Cũng theo khảo sát của Numbeo, mức thu nhập ròng trung bình của hộ gia đình tại Hà Nội vào khoảng 9 triệu đồng/tháng. Giá nhà tại trung tâm thành phố vào khoảng 45 triệu đồng/m2, ngoại ô là 18 triệu đồng/m2.
Nếu ước tính một gia đình tại Hà Nội vay ngân hàng với lãi suất 12%/năm và trong vòng 20 năm thì hàng tháng họ phải trả tới gần 5 lần thu nhập của họ.
Tờ Business Insider cũng đánh giá về sự đắt đỏ của 214 thành phố trên thế giới, trong đó, TP HCM của Việt Nam đứng thứ 174 trong danh sách này.
Giá xe cao nhất
Giá ô tô ở Việt Nam từ trước đến nay luôn rất cao và nếu cộng thuế thì Việt Nam là một trong những nước có giá xe bán ra đắt đỏ nhất thế giới, đồng thời cũng là một trong những nước kém nhất về sức mua tính theo đầu người.
 
Theo cam kết tại Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), ô tô nguyên chiếc chở người dưới 9 chỗ trong khu vực này nhập khẩu vào Việt Nam sẽ chỉ có mức thuế suất là 0% vào năm 2018, còn theo cam kết WTO thì tất cả các loại ô tô chở người đều quy về một mức thuế suất nhập khẩu là 47%. Thế nhưng, các loại thuế và lệ phí liên quan lại đang tăng lên. Hệ quả là người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe đắt gấp 2-3, thậm chí 4 lần so với thế giới, dù mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/50 của Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi chính sách mua bán xe hơi tại Cuba được thông qua, "danh hiệu" không mong muốn này của Việt Nam có lẽ nên nhường lại cho Cu Ba.
Phí bệnh viện cao nhất
Người dân Việt Nam đang phải chịu mức viện phí cao ngất ngưởng nhưng nhiều dịch vụ không được như ý muốn. Theo lộ trình tăng viện phí vừa được Phó thủ tướng Võ Văn Ninh chấp thuận thì năm 2014 sẽ tiếp tục tăng phí tại khu vực điều trị. Điều này khiến dư luận nghi ngại bởi sau gần 1 năm thực hiện việc tăng viện phí, chất lượng ngành y vẫn chưa được cải thiện.
 
Viện phí mới được tính theo hướng đủ 7/7 yếu tố cấu thành, trong đó có tiền lương, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật... Trong khi viện phí hiện hành (có 407 dịch vụ mới tăng giá giữa năm 2012) mới tính 3/7 yếu tố.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính xây dựng định mức nhân lực từng ca phẫu thuật, thủ thuật, làm căn cứ để liên Bộ Y tế - Tài chính có hướng dẫn mức chi trả. Bộ Lao động - thương binh và xã hội xây dựng định mức tiền lương cho thầy thuốc theo hạng bệnh viện.
Hồi cuối năm 2012, khi thực hiện khi tăng viện phí, Bộ Y tế đã hứa người bệnh sẽ được thụ hưởng dịch vụ y tế với chất lượng tốt hơn, nhất là đối tượng có bảo hiểm xã hội. Thế nhưng, sau nửa năm tăng viện phí, tại một số bệnh viện Trung ương chất lượng khám chữa bệnh vẫn chưa có gì thay đổi.
Minh Phương (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment