Friday, January 31, 2014

Nhìn lại những giá hàng hóa tăng “phi mã” trong năm 2013

Nhìn lại những giá hàng hóa tăng “phi mã” trong năm 2013

Giá xăng và gas đua nhau lập kỷ lục, giá cước 3G tăng hơn 70%, giá sữa liên tục đi lên, giá điện và than cũng không “thua chị kém em”. Chưa hết, các hàng hóa này còn "dọa" tăng tiếp trong năm 2014.

Giá xăng cao nhất từ trước tới nay

Trong năm 2013 giá xăng điều chỉnh 11 lần với 5 lần tăng và 6 lần giảm. Trong đó, đợt điều chỉnh tăng giá ngày 17/7 đẩy giá xăng lên cao nhất trong lịch sử, với xăng Ron92 là 24.570 đồng/lít và xăng Ron95 hơn 25.000 đồng/lít.
Tại thời điểm cuối năm, giá xăng Ron92 đứng ở 24.210 đồng/lít, cao hơn 1.060 đồng so với đầu năm.
Giá gas cao kỷ lục
Năm 2013, giá gas điều chỉnh 12 lần, trong đó có 6 lần tăng và 6 lần giảm. Đến cuối năm 2013, giá gas đứng ở mức 485.000 đồng/bình 12kg, cao hơn 53.000 đồng so với đầu năm, cũng là mức cao kỷ lục.
Trong 6 lần điều chỉnh tăng, giá gas ghi nhận mức tăng cao nhất trong vòng 20 năm đó là đợt tăng đầu tháng 12 với gần 80.000 đồng/bình.
Tuy nhiên, đầu tháng 1/2014, giá gas đã hạ nhiệt với mức giảm 43.000 đồng/bình, xuống còn 442.000 đồng/bình.
Giá sữa tăng liên tục
Giá sữa tăng khoảng 4 – 6 lần trong năm 2013, tùy các đại lý và nhãn hiệu khác nhau song chủ yếu là sữa nhập ngoại, mức tăng tổng cộng từ 10 – 15%, có loại tăng giá trên 20%. Trong vòng 3 năm trở lại đây, giá sữa tăng khoảng 30 lần.
Lý do được các hãng sữa đưa ra bao gồm do tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí chỉnh sửa nhãn mác, nguyên liệu bao bì, lương nhân công...Tuy nhiên chất lượng sữa có tăng theo mức tăng của giá hay không thì vẫn là câu hỏi lớn đặt ra cho người tiêu dùng.
Giá than, điện cùng tăng
Năm 2013, giá than bán cho điện tăng 2 đợt, đợt 1 tăng 37 – 41% vào ngày 20/4 và đợt 2 tăng khoảng 14% từ 1/8.
Giá than tăng khiến cho giá điện cũng điều chỉnh tăng theo. Từ ngày 1/8, giá điện bình quân tăng 71,85 đồng/kWh, tương đương tăng 5% so với trước đó. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2013- 2015 với giá sàn điện sẽ là 1.437 đồng và giá trần 1.835 đồng một kWh, tức trong tương lai giá điện bình quân có thể tăng tối đa gần 22%, trong khi biên độ giảm giá chỉ khoảng 5%.
Giá cước 3G tăng tới 75%
Trong năm qua, giá cước 3G được các nhà mạng điều chỉnh tăng 2 lần. Đợt 1 tăng khoảng 25% vào đầu tháng 4 và đợt 2 tăng 40% vào giữa tháng 10. Tổng cộng 2 đợt tăng, giá cước đã từ 40.000 đồng/tháng lên 70.000 đồng/tháng, mức tăng tới 75%.
Các nhà mạng cho rằng, việc tăng giá hoàn toàn phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế thì nhiều người tiêu dùng đã đặt câu hỏi hoài nghi rằng liệu đây có phải là hành vi bắt tay nhau để khống chế thị trường. 

Theo kết quả xác minh của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) về các dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh của 3 DN viễn thông trong đợt điều chỉnh cước dịch vụ dữ liệu 3G là Mobifone, Vinaphone và Viettel thì cả 3 đơn vị này đều tăng giá theo chủ trương, định hướng điều chỉnh giá cước viễn thông tại Quyết định 32/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 và theo yêu cầu tuân thủ pháp luật về giá cước dịch vụ viễn thông của cơ quan quản lý Nhà nước về viễn thông.
"Dọa" tăng tiếp trong năm 2014
Các hàng hóa thiết yếu tăng mạnh trong năm 2013 và dự báo còn tiếp tục đi lên trong năm 2014. 
Về giá điện, theo khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) do được Thủ tướng phê duyệt và có hiệu lực từ 11/11/2013 thì giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2013- 2015 sẽ ở mức tối thiểu 1.437 đồng và tối đa 1.835 đồng một kWh, cao hơn 326,15 đồng hay 22% so với giá bình quân hiện nay. Điều này có nghĩa trong năm 2014 và 2015 giá điện có thể tăng thêm 22%.
Về giá cước 3G, các nhà mạng cho biết, giá cước cung cấp dịch vụ vẫn thấp hơn nhiều so với giá thành thì khả năng điều chỉnh cước 3G một lần nữa trong năm 2014 là hoàn toàn có thể tính đến. Đại diện Bộ Thông tin Truyền thông trong khi đó khẳng định để các nhà mạng hòa vốn và có lời thì giá cước 3G phải tăng ít nhất...43%.
Với giá sữa, dù Thông tư 30/TT- BYT về việc quản lý giá sữa và các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi đã chính thức có hiệu lực từ 20/11/2013 nhưng ngay sau đó, giá mặt hàng này vẫn tăng như chưa hề có việc quản lý giá. Theo các chuyên gia, giá sữa sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới và các hãng sữa có muôn vàn lý do đưa ra để lý giải cho việc tăng giá bán như giá nguyên liệu, tỷ lệ thành phần dưỡng chất bổ sung nhiều hơn, thay đổi mẫu mã mới, thậm chí là chi phí vận chuyển… 
Giá than, xăng, gas cũng được dự báo sẽ khó tránh khỏi xu hướng tăng giá trong năm nay khi mà kinh tế toàn cầu khởi sắc trở lại sẽ làm cho giá năng lượng thế giới trở nên đắt đỏ hơn và chắc chắn kéo theo giá năng lượng trong nước tăng theo. 

Phương Thảo

No comments:

Post a Comment