Friday, January 31, 2014

NGHỈ TẾT KÉO DÀI GÂY TỔN THƯƠNG CHO NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

SM- 31/1/2014      -Cửa hàng buông rèm đóng cửa, giao thông hỗn loạn và quất đào mai có thể thấy ở khắp nơi cho thấy: năm Ngựa đã thực sự đến với người dân Việt Nam. Nhưng không phải ai cũng có cảm giác Tết đến xuân về. Nhất là đối với những người đang bị cuốn theo nhịp sống công nghiệp ngày càng đông hơn và cả những người còn phải nghĩ… “chiến thuật lôi học trò ‘đi học’ sau Tết”.



Tết là ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Việt Nam, cũng tương tự như kỳ nghỉ lễ Giáng sinh của phương Tây khi được kỳ vọng sẽ mang lại một mùa mua sắm sôi động và những chuyến đi đầy rộn ràng.
 
Thế nhưng, nếu người Mỹ cũng điên cuồng mua sắm với Black Friday, 5 ngày còn lại họ vẫn làm việc nghiêm túc. Người phương Tây có hẳn 4 tuần Mùa Vọng chuẩn bị cho lễ Giáng sinh và Mùa Giáng sinh kéo dài 12 ngày sau ngày 25/12, nhưng nghỉ thực chất cũng chỉ trong đúng 3 ngày theo luật định cùng với các ngày nghỉ cuối tuần còn những ngày khác vẫn đi làm bình thường. Còn ở Việt Nam, quan niệm “tháng giêng là tháng ăn chơi…” vẫn còn tồn tại đến ngày nay, thậm chí ngày càng được cổ súy bằng hình thức nghỉ kéo dài.
 
Ngày mùng 1 Tết năm nay rơi vào thứ sáu. Ngay sau đó sẽ là thứ bảy, chủ nhật - hai ngày nghiễm nhiên được nghỉ của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là công chức, vì thế lại phát sinh thêm hai ngày nghỉ bù, rồi phải cho người lao động nghỉ sớm để tránh tắc đường, tàu xe đông. Thành ra, trung bình kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài 9 ngày, người làm nghề tự do có thể sau rằm mới từ quê lên, các trường học, đại học và nhiều cơ quan có thể kéo dài kỳ nghỉ đến 14-20 ngày. 
 
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng kỳ nghỉ Tết kéo dài này đã làm tổn thương nền kinh tế Việt nam vốn đã mong manh. Theo ý kiến của bà Phạm Chi Lan, nghỉ Tết kéo dài cùng theo năng suất thấp trong những tuần xung quanh Tết với tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển của nền kinh tế. “Tôi thường làm việc với các tổ chức nước ngoài và họ đều thấy ngại với kỳ nghỉ lễ không chính thức quá dài ở Việt Nam”, bà nói. 
 
Carl Thayer, giáo sư đã nghỉ hưu của Học viện Quốc phòng Úc, nhận định: “Việt Nam đang cố gắng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, song kỳ nghỉ Tết kéo dài hàng năm gây ra sự thiếu hiệu quả cho cả nền kinh tế và các quyết định của Chính phủ.” 
 
Tết âm lịch là một kỳ nghỉ lễ thiêng liêng của người dân châu Á, nhưng trong khi các nước đã điều chỉnh lại rất thành công để hòa chung nhịp với thế giới thì thói quen ăn Tết chơi Tết kéo dài vẫn còn tiếp diễn ở Việt Nam. Luật sư Trần Đình Thu đã có bài viết trên tờ Thanh Niên chỉ ra rằng: “Tết Việt đã không còn phù hợp với một nền kinh tế hiện đại như bây giờ. Hoặc là phải xóa bỏ nó, hoặc là phải cải tiến cho phù hợp với tình hình mới. Nếu không, nó sẽ là bước cản lớn cho sự phát triển của đất nước chúng ta.” 
 
Nhiều doanh nhân như ông Trần Mạnh Cường – Giám đốc Công ty Kỹ thuật BTES – đã phải chi một khoản đáng kể giữ nhân viên làm việc ngoài giờ và để cho công việc không bị đình hoãn qua kỳ nghỉ. Ông đã phải rất vất vả để giải thích với các khách hàng người Nhật - đất nước cũng dùng có Tết âm truyền thống song đã chuyển sang Dương lịch từ hơn một trăm năm trước. Theo ông, nghỉ Tết không nên kéo quá dài. 
 
Bà Phạm Chi Lan đã nhiều lần đưa ra đề xuất tại các cuộc hội thảo và cả trên báo chí nên gộp Tết ta – Tết tây, “có thể tăng số ngày nghỉ, tiến dần tới việc có nhiều ngày nghỉ thực như các nước”, “ủng hộ việc ban hành một lộ trình thay đổi lịch ăn Tết và khuyến cáo các nhà chức trách nên xem lại việc bố trí lịch nghỉ hiện nay”. Nhiều người không tán thành ý kiến này bởi các yếu tố liên quan đến văn hóa . Mà từ "văn hóá" ở nước ta vốn hay bị lạm dụng vì ...dễ nói mà không đòi hỏi phải tính toán các chi phí như kinh tế. Nhưng có một thực tế là nhiều nước châu Á khác đã  làm được điều này mà vẫn giữ được hồn cốt dân tộc. Chẳng hạn ở Singapore - quốc gia có thu nhập cao nhất khu vực Đông Nam Á - vẫn duy trì kỳ nghỉ Tết Nguyên đán song thường chỉ kéo dài 2-3 ngày. Hay Hong Kong, dù coi Tết dương là ngày tết chính, gia đình, người thân có thể quây quần bên nhau trong 4 ngày Tết âm được tổ chức rất đơn giản mà ấm áp và độc đáo.
 
Trong khi đó, vài năm trở lại đây, nghỉ Tết ở Trung Quốc và Việt Nam đặc biệt trở nên dài hơn trước, được coi như một biện pháp “tạo điều kiện du lịch và hưởng thụ kỳ nghỉ với gia đình” cho "cán bộ công nhân viên chức". Thế nhưng, nếu năng suất mất đi mà không có chi tiêu bù đắp lại thì tổng thể nền kinh tế sẽ chịu thiệt lớn. Trung Quốc có thể tiến hành kỳ nghỉ lễ kéo dài do duy trì được sức mua cao, ước tính CPI tháng 1 tăng mạnh lên vào khoảng 3% dù những tháng trước đó cũng khá èo uột. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra ở Việt Nam. 
 
Tháng giêng thì người dân vẫn gọi là "tháng ăn chơi" thôi. Thế nhưng, khi sát Tết mà các tour du lịch vẫn đìu hiu, người trồng hoa chỉ trông mong vào những ngày giáp Tết mà vẫn phải thanh lý hoa ế và một bó rau cần để nấu lẩu chỉ hai ngàn đồng thì sức "ăn chơi" của dân ta cũng đâu có phong lưu cho nổi. Phương, một bạn trẻ mới 20 tuổi ở Hà Nội, cho biết: “Tết cũng chẳng biết đi đâu cả. Thưởng thấp nên gia đình em cũng chẳng đi đâu, loanh quanh chúc Tết họ hàng. Nghỉ dài mà chẳng biết làm gì, ở Hà Nội chẳng có gì rồi. Cũng chỉ biết ngủ rồi ăn thôi.” Trong khi đó, sức mua những ngày giáp Tết năm nay cũng chỉ tăng khoảng 20% đến 25% so với ngày thường, khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp (chỉ gần 0,7%) ngay trong tháng cao điểm của năm (tháng 1), thậm chí mức tăng CPI của TP.HCM tăng thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Theo phản ánh của báo Sài Gòn Tiếp Thị, những mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu Tết như thực phẩm, đồ uống, bánh mứt kẹo… tiêu thụ khá èo uột. Doanh số của hệ thống siêu thị Hà Nội có thể giảm ít nhất 5 – 10% so với năm trước, trong đó sức mua tập trung chủ yếu và phân khúc hàng hóa trung bình, hoặc rẻ. Theo Chủ tịch hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, “Nhiều doanh nghiệp lương còn nợ chứ đừng nói tới thưởng, người lao động lấy đâu tiền mua sắm. Nhiều gia đình công nhân, ăn còn chả đủ, nói gì sắm Tết, đó là chưa kể còn phải lo dành dụm sau Tết, việc ít, còn có nhiều thứ cần phải lo cho bữa ăn hằng ngày”. 
 
   
Dân ta từ xưa đã có câu "nhà giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn". Đã chưa giỏi dang bằng người, lại mang tâm lý thong dong mùa vụ nhà nông từ ngàn xưa để lại ở sâu thẳm trong thói quen sinh hoạt toàn xã hội lẫn trong tâm lý cả cộng đồng mà mong đuổi kịp và vượt thiên hạ thì ....thật khó lắm thay!
 

No comments:

Post a Comment