Wednesday, May 8, 2024

Thế giới đại loạn, Olympic cũng loạn

 


Nếu tôi không nhầm thì thế vận hội Olympic mùa hè đã được tổ chức 28 lần, trong đó kể từ khi tôi theo dõi được, đã có 4 thế vận bị một số nước tẩy chay, mà thường là hai bên Đông(cộng sản) hoặc Tây(Không cộng sản) khơi mào tẩy chay.

Nhẹ nhàng nhất là cuộc tẩy chay thế vận hội Montréal 1976. Nhiều nước Châu Phi tẩy chay để phản đối sự tham gia vào thế vận này của đội New Zealan(Một nước bé tý vài triệu dân gần Châu Úc). New Zealand trước đó có quan hệ với Nam Phi, cho đội bóng bầu dục (rugby) sang thi đấu tại Nam Phi, trong khi mà Nam phi đang bị cấm vận, bị phản đối vì chính sách phân biệt chủng tộc- Apartheid. Các nước tẩy chay gồm có: Tanzanie, Tchad, Zambie, Ouganda, Nigeria.

Vụ khổng lồ nhất là tẩy chay thế vận olympic MAT XCƠ VA 1980 vì Liên Xô(đứng đầu là Nga) xâm lược Afghanistan năm 1979. Khi Nga xâm lược Ukraina(2022), đám não ngắn bò đỏ và đám DLV trẻ trâu ngu lâu, luôn mồm la ó là Nga không bao giờ đi xâm lược nước khác. Đúng là chuyện tiếu lâm. Nga xâm lược Afghanistan là chuyện quá hiển nhiên, đã gây một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới. Do vậy, toàn bộ các nước phương tây và rất nhiều nước khác, không thân phương tây đã tẩy chay thế vận hội Matxcova, kể cả Trung Quốc. Danh sách các nước tẩy chay quá dài nên tôi không mất công cho vào đây(44 nước).
Ăn miếng trả miếng, ngay sau khi bị tẩy chay năm 1980 thì Liên Xô trả đũa bằng cách lôi kéo các nước XHCN tẩy chay thế vận hội LOS ANGELES 1984. Việc tẩy chay cũng là kết quả của quan hệ Nga-Mỹ căng thẳng vì nhiều lý do trong giai đoạn này. Nhưng vụ trả đũa này lại làm cho Liên Xô một vố đau vì chỉ lôi kéo được 15 nước, đa số là XHCN (Afghanistan, Angola, Bulgarie, Cuba, Tiệp Khắc, Đông Đức, Éthiopie, Hungarie, Lào, Mông Cổ, Bắc Hàn, Ba Lan, Nam Yemen, Viêt Nam). Ba nước XHCN, bất chấp Liên Xô, vẫn cứ chơi là Trung Quốc, Roumanie và Nam Tư. Nghịch lý thay, thế vận Los Angeles lại lập kỷ lục về số các nước và số vận động viên tham gia(140 nước với 7.800 vận động viên).

Cái dớp tẩy tay vẫn tiếp tục đến Thế vận hội SEOUL 1988(Nam Hàn). Nguyên nhân chính là gia đình nhà Ủn (Bắc Hàn) cay cú việc Nam Hàn được chọn làm nước chủ nhà. Bắc Hàn cũng đòi được chia phần, cùng tổ chức thế vận. Không ai dở hơi chấp nhận cùng tổ chức thế vận với mấy thằng cùn nên đòi hỏi của Bắc Hàn không được chấp nhận. Không xin được thì Bắc Hàn quay ra phá bằng cách kêu gọi tẩy chay. Tuy nhiên, lúc đó Bắc Hàn tuổi gì mà kêu gọi tẩy chay. Chỉ có mấy ông cũng gàn gàn dở dở tương tự mới hưởng ứng, cụ thể là: Cuba, Albanie, Ethiopie, Madagascar, Nicaragua, Seychelles(Toàn nước lớn). Cũng nghịch lý như vụ tẩy chay trước, Thế vận Seoul lại lập kỷ lục về số nước tham dự(159). Việc Nam Hàn được tổ chức Thế Vận cũng thể hiện tính hợp pháp chính đáng của nhà nước Nam Hàn, được quốc tế công nhận. Bắc hàn vì thế rất cay.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, thế giới trở nên hòa bình hơn, Thế vận hội càng vui hơn, rực rỡ hơn. Nó thực sự là một ngày hội của toàn thế giới. Người ta đến đây để đua tài, để làm một ngày hội cực lớn cho toàn thể nhân loại cùng hưởng ứng.
Nước Pháp đã từng tổ chức thế vận hội mùa hè 2 lần(1900 và 1924). Sau 100 năm, Paris mới lại được tổ chức Thế vận lần này từ 26/07 đến 11/08/2024.(Nói tắt là Paris 24)
Không như thời chiến tranh lạnh, đương nhiên lần này không có chuyện bên này hay bên kia tẩy chay thế vận. Tuy nhiên, cuộc vui sẽ không thể trọn vẹn vì Nga đã xâm lược Ukraina. Cái dở với Nga kỳ này là Nga không thể nào tẩy chay Paris 24 vì Nga làm gì còn đồng minh như thời Liên Xô, ngược lại Nga với cuộc xâm lược Ukraina đã tự tạo cho mình một hình ảnh vô cùng xấu xí nên cũng chẳng có uy tín và tư cách gì để kêu gọi tẩy chay. Ngược lại, Hai nước Nga và Bạch Nga bị cấm cửa các môn thể thao đồng đội. Đối với các môn thể thao cá nhân, họ có thể tham gia với tư cách cá nhân, không cờ quạt. Tất cả các cá nhân tham gia Paris 24 lần này bị soi rất kỹ. Nếu đã từng tuyên bố ủng hộ chiến tranh của Nga, có quan hệ mật thiết với chính quyền, có liên quan đến quân đội… sẽ bị loại ngay từ vòng « gửi xe ».

Có rất nhiều người kêu ca phàn nàn là không được « dính » thể thao vào chính trị. Đây là 1 câu chuyện vô cùng rắc rối. Người ta không thể dính chính trị vào thể thao đối với những chuyện chính trị đơn giản. Việc Nga xâm lược Ukraina gây ra biết bao nhiêu tội ác tầy trời, làm cho hơn nửa triệu người đã chết ở cả hai phía còn là vấn đề nhân phẩm, lương tâm (Chết bên nào cũng là thảm thương). Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraina, hàng loạt các sự kiện thể thao trên thế giới đã bị hủy bỏ hoặc chuyển sang nơi khác (không làm ở Nga)…

Nếu cứ để cho Nga tham gia thế vận, sẽ có rất nhiều vận động viên, thậm chí nhiều nước sẽ không tham gia thế vận, không phải vì tẩy chay thế vận mà để phản đối Nga. Vậy, vấn đề không chỉ còn là chính trị. Cấm đội Nga và Bạch Nga có lợi chung cho tất cả. Nga và Bạch Nga cũng không được tham gia diễu hành trong buổi khai mạc đại hội. Theo Ủy ban quốc tế Olympic (CIO) hiện tại mới chỉ có 12 cá nhân của 2 nước này được chấp thuận. Tối đa, Nga chỉ có 58 chỗ và Bạch Nga 28.

Việc các cá nhân Nga đi tham dự Paris 24 đang là một vấn đề lớn chia rẽ nước Nga.
Phái ủng hộ Paris 24 cho rằng Olympic là rất quan trọng cho đời người chơi thể thao. Nữ vận động viên bơi lội Ioulia Efimova, người đã từng giữ kỷ lục thế giới môn bơi sải 50 m, nằm trong phái ủng hộ. Cùng với cô, có chủ tịch liên đoàn bộ môn vật, người đã từng tuyên bố « Chúng ta cần phải tham gia, ngay cả khi không có quốc kỳ và quốc ca ». Chủ tịch liên đoàn xe đạp Viatcheslav Ekimov cũng tuyên bố rằng từ chối không tham dự Paris 24 là cũng đánh cược luôn cả các cơ hội tham gia các thế vân 2028 và 2032. Các vận động viên cần phải tham gia kỳ này trong các điều kiện khó khăn, ngay cả khi bị coi thường. Họ cần có sự ủng hộ của chúng ta.

Phái chống đối thì phản đối dữ dội hơn nhiều, không ngần ngại dùng những từ ngữ ghê gớm nhất. Cụ thể là bà chủ tịch liên đoàn thể dục nhịp điệu, Irina Viner đã tuyên bố: «Những kẻ tham gia Paris 24 là một đội quân ăn mày vô gia cư, chúng hoàn toàn mất nhân tính và nhân dân sẽ không tha thứ cho chúng ».

Nói thêm để các bạn biết là bà này là một nhân vật thân chính quyền Nga và đặc biệt là đã bị Liên đoàn thể dục nhịp điệu quốc tế treo giò 2 năm vì « tội » phản đối dữ dội ban trọng tài ở thế vận Tokyo. Chủ tịch liên đoàn trượt tuyết, Elena Valbe còn nói kinh dị hơn nhiều: «những kẻ phản bội, không nên giúp đỡ chúng bất cứ cái gì». Bà Lidia Ivanova, cựu vận động viên Liên Xô còn nói: «Một bọn thể thao đi bằng cách bò ». Còn chủ tịch liên đoàn bộ môn đấu kiếm thì nói:  “Nếu chúng mày yêu mình hơn tổ quốc thì đi mà tham gia ». Chủ tịch ủy ban Olympic quốc gia Nga, Stanislav Pozdniakov thì kết tội các cầu thủ quần vợt nổi tiếng của Nga là đội « nhân viên nước ngoài », từ ngữ mà chính quyền Nga dành cho kẻ thù của nước Nga.(Chắc ở đây ông ta nói đến Daniil Medvedev sống ở Pháp và Andrey Rublev. Hai ông này phản đối chiến tranh Nga).

Mâu thuẫn không chỉ trong giới thể thao mà có thể ngay cả trong 1 gia đình. Hai ông bà chuyên gia nổi tiếng về trượt băng nghệ thuật Liên Xô cũng mỗi người một ý. Cụ ông 93 tuổi, Anatoli Tchaikovski nói: «Thế giới sẽ biết đến các nhà thể thao của chúng ta. Không nên phán xét họ». Cụ bà Elena 84 tuổi lại nói: «Không vì bất cứ cái gì mà để người ta chà đạp chúng ta ». Các nhà lãnh đạo Nga đương nhiên không nói thẳng ra là cấm các vận động viên. Tuy nhiên, chắc các bạn cũng hiểu thế nào là cộng sản. Nga bây giờ không phải là cộng sản, nhưng thực chất vẫn là bóng ma cộng sản. Một số vận động viên đã được CIO duyệt, nhưng họ đã tự từ chối không đi Paris 24, như trường hợp của vận động viên bơi lội Ivan Girev. Nhiều vận động viên khác đã buộc phải bỏ qua Paris 24.

Bộ trưởng thể thao nga Oleg Matytsine nhấn mạnh rằng Olympic không quan trọng đối với Nga.

Nga hiện nay đang bận tổ chức đại hội thể thao thay thế, đại hội BRICS(Brasil, Nga, Ấn độ, Trung Quốc, Nam Phi) và đại hội thể thao Hữu Nghị ở Matxcova Iekaterinbourg…Và anh Pu văn Tin cũng đã lường trước rồi, anh ấy đã quyết « Giải thưởng ngang hàng với các giải thưởng của Paris 24 ».

Đối với Bạch Nga, có 2 chuyện đáng chú ý.

1. Nữ cầu thủ quần vợt Sabalenka gần đây đã cố gắng không muốn dính dáng đến tổng thống Lukachenko bằng tuyên bố «tôi không ủng hộ Lukachenko ». Nhưng tuyên bố này có vẻ muôn màng và không có tác dụng bởi vì ai cũng biết cô ta đã có quan hệ rất mật thiết với gia đình Lukachenko.

2. Bác chủ tịch Lukachenko vừa mới tuyên bố một câu xanh rờn hôm 30/04(chắc nhân ngày « giải phóng Miền Nam »): « Nếu như cháu đã quyết định đi sang đó với quy chế không mầu cờ, hãy đấm vỡ mồm các đối thủ. Hãy chứng tỏ cho chúng nó biết cháu là một người Bạch Nga thực sự ». Đây là một lời khuyến khích động viên của Bác Luka, thực sự đúng với tinh thần và giá trị Olympic?

Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh, nước Nga chưa bao giờ lại bị ở trong một tình thế thảm hại như ngày hôm nay.

Nước Nga rộng lớn bao la, tài nguyên thiên nhiên vô biên, con người cần cù, thông minh đã tạo nên 1 cường quốc hùng mạnh. Nhưng rất tiếc cho nước Nga đã bị tàn phá bởi một học thuyết không phải của họ, Chủ Nghĩa Cộng Sản. Hiện tại trên giấy tờ, Nga không còn là 1 nước cộng sản, nhưng CNCS vẫn tiếp tục tàn phá nước Nga bởi vì sau hàng trăm năm, những tàn dư, lối sống, tư duy, cách điều hành xã hội không thể biết mất một cách nhanh chóng. Nước Nga vẫn còn là bóng ma của CNCS. Nước Nga cũng là 1 bài học lớn cho các nước khác. Từ một chế độ độc tài tập thể trở thành 1 chế độ độc tài cá nhân. To lớn, vĩ đại, hùng cường như thế, mà bây giờ thảm hại. Thử hỏi một nước yếu đuối bé nhỏ như ta nếu cũng bị vào vòng xoáy như vậy thì chúng ta sẽ trở thành cái gì?

Từ độc tài tập thể đến độc tài cá nhân là con đường gần như có tính quy luật và độc tài cá nhân dẫn dắt cả tập thể xuống hố cũng là quy luật. Những lộn xộn gần đây ở nước ta có vẻ như đang làm lộ diện một Putin Việt Nam.

Liệu có thể có một ngày nào đó không xa, đồng chí Tía Văn Tin hạ lệnh tiến quân từ Đông Lào qua Lào? Ai mà biết được. Sự điên khùng không có giới hạn.

Hoàng Quốc Dũng (từ Paris)

No comments:

Post a Comment