HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Văn Bình, vụ trưởng Vụ Pháp Chế, Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội Việt Nam, được cho là đã bị bắt ít nhất từ hồi tháng trước nhưng Công An Thành Phố Hà Nội chưa xác nhận vụ bắt giữ.
Phúc trình của tổ chức nhân quyền Project 88 đóng tại Hoa Kỳ dẫn nhiều nguồn tin ẩn danh cho biết tin này hôm 6 Tháng Năm.
Theo đó, ông Bình bị cáo buộc “tiết lộ bí mật nhà nước” theo Điều 337 Bộ Luật Hình Sự CSVN.
Trong khi đó, tên và chức danh của ông Bình hiện đã bị gỡ khỏi trang web của Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội Việt Nam và ban lãnh đạo Vụ Pháp Chế chỉ còn ba người phó của ông này.
Theo trang Project88, vụ bắt giữ ông Bình diễn ra trong bối cảnh một làn sóng đàn áp mới ở Việt Nam nhắm vào những người hoạt động nhân quyền và công đoàn độc lập.
Đây cũng là vụ bắt giữ một quan chức có ý định cải cách đầu tiên trong những năm gần đây, phúc trình của Project88 viết thêm.
Trước thời điểm bị bắt, ông Bình đang dẫn đầu nỗ lực phê chuẩn Công Ước 87 của tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO) mà nếu được thông qua, sẽ bảo đảm cho người lao động được quyền thành lập công đoàn độc lập, bên cạnh công đoàn do nhà nước toàn quyền kiểm soát và chi phối.
Liên quan vụ bắt giữ, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 7 Tháng Năm dẫn một nguồn tin ẩn danh nói: “Có thể ông [Nguyễn Văn] Bình bị bắt từ giữa Tháng Tư. Ông Bình là một người cải cách muốn thúc đẩy Việt Nam công nhận Công Ứớc 87 của ILO về quyền thành lập nghiệp đoàn của người lao động.”
Ông Nguyễn Văn Bình được ghi nhận từng công tác tại Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, tiếp đó làm tại văn phòng Hà Nội của ILO trong thời gian năm năm, trước khi trở thành nhà hoạch định chính sách tại Vụ Pháp Chế.
Project 88 đánh giá rằng ông Bình là “nhân tố chủ chốt” đằng sau Bộ Luật Lao Động 2019, tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam phê chuẩn các công ước của ILO nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Theo Hiệp Định Thương Mại Tự Do EU-Việt Nam (EVFTA), Việt Nam đã đồng ý trên nguyên tắc về việc phê chuẩn Công Ước 87 vào năm ngoái.
Tuy vậy, nhà cầm quyền Việt Nam liên tục trì hoãn quá trình này trong lúc Liên Minh Châu Âu (EU) chưa áp đặt bất kỳ biện pháp nào trước sự chậm trễ của Hà Nội. (N.H.K)
No comments:
Post a Comment