Ngày 6/5, trang Bloomberg có bài bình luận về chiến dịch “đốt lò” ở Việt Nam, của tác giả Shuli Ren. Bài viết được dịch giả Trúc Lam chuyển ngữ, đăng trên báo Tiếng Dân với tựa đề “Chiến dịch “đốt lò” biến Việt Nam thành một tỉnh nữa của Trung Quốc”.
Tác giả nhận định, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng đang đưa sự phát triển kinh tế của Việt Nam đến gần biên giới Trung Quốc hơn, đồng thời khiến Sài Gòn chìm trong cát bụi.
Tác giả phân tích, khi các nhà sản xuất toàn cầu đến đầu tư, họ cần cơ sở hạ tầng thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hoá của họ. Mà Việt Nam, với địa hình dài và cong hình chữ S, vẫn dựa vào những con đường hẹp, gập gềnh và thường bị tắc nghẽn giao thông. Do đó, dòng tiền đầu tư đã đổ về khu vực phía Bắc, xung quanh Hà Nội và cảng Hải Phòng. Tỉnh ven biển Quảng Ninh là nơi nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong năm ngoái.
Tác giả cho biết, Việt Nam bị xếp thứ 43 về Chỉ số Hiệu quả Logistics mới nhất của Ngân hàng Thế giới, giảm từ vị trí thứ 39 hồi năm 2018. Bởi chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng gây ra một tác dụng phụ đáng tiếc, đó là, các dự án cơ sở hạ tầng bị đình trệ.
Tác giả nhận xét, các quan chức đã quá sợ hãi và không dám đưa ra bất kỳ quyết định nào, vì e ngại dính tới bê bối và bị trừng phạt. Trong 4 tháng đầu năm nay, Chính phủ chỉ giải ngân được 15% kế hoạch cho đầu tư công. Ví dụ, tuyến tàu điện ngầm ở Sài Gòn, dự kiến hoàn thành năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động.
Theo tác giả, trong khi đó, hạ tầng ở miền Bắc được ưu tiên hơn, với các dự án như: Cảng nước sâu mới ở Hải Phòng và Đường cao tốc 04 nối với Hà Nội, bắt đầu hoạt động năm 2018; đường cao tốc 06 hồi năm 2022 nối Hải Phòng với thành phố Móng Cái, gần biên giới Trung Quốc. Tất cả mang lại cho khu vực này một luồng gió đáng kể.
Tác giả đánh giá, điều này khiến Quảng Ninh càng trở nên hấp dẫn hơn, và cũng cho thấy sự thiên vị của ông Trọng đối với khu vực miền Bắc.
Các nhà sản xuất toàn cầu đang mở nhà máy gần Hà Nội, do việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và sự gần gũi với Trung Quốc đại lục.
Tác giả dẫn lưu ý của Công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Research, cho rằng, do các nhà sản xuất nước ngoài đổ xô vào, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhưng hầu như không có quyết định nào về cơ sở hạ tầng năng lượng được đưa ra, kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng bắt đầu.
Điều này càng khiến lợi thế về địa lý của tỉnh Quảng Ninh được thể hiện đầy đủ, với khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
Tác giả nhắc lại bối cảnh thiếu điện trầm trọng do nắng nóng vào năm ngoái, Việt Nam đã nhập khẩu điện từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Loại giải pháp khẩn cấp này sẽ không thể thực hiện ở khu vực phía Nam.
Việt Nam là nước nhập khẩu ròng năng lượng kể từ năm 2015.
Tác giả cho rằng, bản án tử hình đối với bà Lan đã gây ra một số bất bình trong giới doanh nhân, và cho thấy, Hà Nội sẵn sàng đưa chiến dịch “đốt lò” vượt ra ngoài tầm của nó.
Trong khi, sau khi trải qua các cuộc đàn áp ở Trung Quốc, các doanh nhân Trung Quốc muốn vào Việt Nam làm ăn, bởi phù hợp với lợi ích của giới tinh hoa chính trị. Nhưng điều này dường như không thuộc về miền Nam.
Tác giả bình luận, ở nhiều nước đang phát triển, một chút tham nhũng có thể bôi trơn bánh xe thương mại, và nếu không có tham nhũng sẽ cản trở sự tiến bộ. Hà Nội có thể muốn thực hiện chính sách “ngoại giao cây tre” và có nhiều bạn hơn kẻ thù, khi Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng hoạt động chính trị nội bộ của Việt Nam đang biến phần phía Bắc của đất nước thành một tỉnh trên thực tế của Trung Quốc.
Ý Nhi – thoibao.de
No comments:
Post a Comment