“Anh có phải BS Sơn không?”.
“Chào bác sĩ. Bác sĩ có nhớ tôi không? Hồi đó bác sĩ mổ cho tôi”…
Gần đây, khi đi ra đường, đi siêu thị, ra sân bay… tôi thường xuyên được nghe những câu hỏi như vậy. Ngoài ra, nhiều người nhìn tôi, gật đầu chào. Mặc dù không nhớ họ là ai, nhưng tôi cũng chào lại.
Người ta bảo “anh em bốn bể là nhà” mà.
Cho nên, mỗi lần, ở những nơi công cộng, tôi luôn phải chú ý đến cách hành xử của cá nhân, không muốn ai đó lợi dụng lúc tôi nóng giận hay “hớ hênh” mà “trích xuất” một khoảng thời gian, không gian cụ thể để công kích tôi.
Mỗi lần viết bài gì, có ý kiến về việc gì, tôi đều tự đặt câu hỏi: “Nếu bản thân mình rơi vô hoàn cảnh đó, mình sẽ hành xử như thế nào?”. Mỗi khi hành xử một điều gì, tôi lại nghĩ, mình đã viết những gì về những điều liên quan, mình hành xử như vậy có trái với những gì mình đã viết, đã “tuyên bố”?
Mỗi khi có sự thay đổi quan điểm, tôi vẫn thường phải có bài viết mang tính “cáo bạch”, công bố về sự thay đổi quan điểm, để khi mình có những hành xử khác với quan điểm ban đầu, mọi người biết rằng mình đã có thay đổi về quan điểm, chứ không phải nói một đằng làm một nẻo.
Tôi không biết tôi làm như vậy có quá đề cao mình hay không. Tôi chỉ là một công dân bình thường, không có trách nhiệm phải nêu gương cho ai. Tôi chỉ có trách nhiệm làm một công dân, cố gắng thực hiện những điều mà cha mẹ và thầy cô dạy dỗ về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Tôi không biết các ông quan lớn của đất nước này có được cha mẹ và thầy cô của họ dạy dỗ về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín hay không. Hoặc khi họ bước chân vô quan trường, có những lời dạy dỗ khác, mạnh mẽ hơn, lấn át đạo nghĩa về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
Nhiều người trong số họ luôn rao giảng đạo đức, nói toàn những điều tốt đẹp, cao siêu, trong khi hành xử thì như những kẻ vô đạo đức, vô lương tâm, những kẻ cướp tàn bạo, nhẫn tâm và độc ác nhất.
Những kẻ đó nhiều đến mức mà bây giờ, gần như chẳng còn ai bất ngờ khi những kẻ như vậy bị vạch mặt cả.
Mức độ vô nhân của những kẻ đó cũng ngày càng “dữ dội”, đến mức mà người dân đang dần quen với những khái niệm “ngàn tỉ”, “chục ngàn tỉ, “trăm ngàn tỉ”. Thậm chí, việc một số quan chức sẵn sàng kiếm tiền trên sinh mạng người dân trong vụ dịch, hoặc lợi dụng dịch bệnh để bóp nặn tiền của người dân, cũng trở thành chuyện bình thường.
Nhiều lúc tôi tự đặt câu hỏi: Không biết cha mẹ, thầy cô của các quan chức hành xử như kẻ cướp có dạy dỗ họ không? Hay có gì đó mạnh mẽ hơn những điều cha mẹ, thầy cô dạy cho họ, đã lấn át và thay đổi nền tảng đạo đức của họ.
Thực ra, tôi sẽ không đặt câu hỏi này, nếu việc hành xử như kẻ cướp của những quan chức ấy không ảnh hưởng đến người dân, đến đất nước.
* tựa do SGN đặt
No comments:
Post a Comment