Theo BBC
Cựu Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải và những vi phạm trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được nhắc tới trong một video trên kênh Truyền hình Nhân Dân. Tại sao?
Những vi phạm này của ông Hải đã xảy ra từ nhiều năm trước.
Với những vi phạm ấy, ông Hải đã bị Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật với hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM một nhiệm kỳ.
“Xóa bỏ lịch sử công tác” là một hình thức kỷ luật được áp dụng khá nhiều dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư.
Qua nhiều năm, vụ việc tưởng chừng đã trôi vào quên lãng, giờ đây ông Lê Thanh Hải đột nhiên bị nhắc tên trong video.
Một điều cần lưu ý là Truyền hình Nhân Dân là bộ phận báo hình của báo Nhân Dân - cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Việc ông Hải, một cựu quan chức cấp cao của TP HCM, bị nhắc tên do những sai phạm từ nhiều năm trước, trong bối cảnh chiến dịch “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang quyết liệt là điều đáng chú ý.
Các vi phạm, “khuyết điểm” của ông Lê Thanh Hải liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm dù đã bị xem xét và xử lý về mặt đảng, nhưng từ trước đến nay vẫn có nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm của ông Hải có thể còn lớn hơn nữa và kỷ luật trong nội bộ Đảng là chưa đủ.
‘Cần xử nghiêm’
Những sai phạm này của ông Hải xảy ra trong quá trình thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sau khi kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết luận: “Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc.”
Vào tháng 3/2020, Bộ Chính trị đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Lê Thanh Hải do sai phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
“Đối với ông Lê Thanh Hải, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm,” báo Thanh Niên viết vào tháng 3/2020, thời điểm ông Hải bị kỷ luật.
Theo báo Tiền phong, ông Hải được xem là người “khởi nguồn” cho những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai thực hiện dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đặc biệt, ông Hải là người đã chỉ đạo “xé nát” 160 ha đất tại định cư của người dân bị giải tỏa.
Vài ngày sau khi ông Hải bị cách chức, Đài Tiếng nói Việt Nam có bài viết về sự việc này, tác giả là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, cựu Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, đã viết rằng qua theo dõi lịch sử Đảng, ông chưa từng thấy có cán bộ cấp cao thuộc diện do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý nào mà bị xử lý kỷ luật như ông Lê Thanh Hải.
Ông Phúc cho rằng đây là cách Đảng thể hiện rằng cán bộ cấp cao mắc sai phạm dù đã nghỉ hưu cũng sẽ bị xử lý chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn”.
Cũng cần lưu ý, khi bị cách chức thì ông Hải đã về hưu, nghĩa là ông bị xóa bỏ tư cách trong quá khứ, không phải chức vụ đang nắm giữ.
Cụ thể, tháng 3/2020, khoảng bốn năm sau khi nghỉ hưu, ông Hải bị Bộ Chính trị kỷ luật với hình thức “cách chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2010 - 2015".
Do từng giữ chức vụ này hai nhiệm kỳ (2005-2010 và 2010-2015) và chỉ bị cách chức một nhiệm kỳ, ông Hải vẫn là cựu Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2005-2010.
Tháng 5/2020, trong cuộc gặp với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Trần Lưu Quang, một số cử tri TP HCM đã đề nghị xử lý ông Lê Thanh Hải không chỉ về mặt đảng.
Nói về sai phạm của ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Hữu Châu, cử tri quận 3, TP HCM, đánh giá rằng “sai phạm này rất nghiêm trọng nên nhân dân đề nghị xử lý cả về mặt chính quyền”.
Vào tháng 3/2021, cử tri tỉnh Long An cũng cho rằng một số vụ án tham nhũng có liên quan đến cán bộ cấp cao chưa được xử lý nghiêm minh, quyết liệt, đơn cử như vụ ông Lê Thanh Hải.
Trong bài viết Ông Lê Thanh Hải chỉ bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy là chưa 'nghiêm minh, quyết liệt', báo Thanh Niên dẫn kiến nghị của một số cử tri tại tỉnh Long An: “Đề nghị Trung ương Đảng xử lý quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, đáp ứng được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.”
Hàng trăm dân Thủ Thiêm không được vào buổi gặp lãnh đạo TP HCM vào ngày 18/10/2018
Nhiều năm trôi qua, đến nay, ông Lê Thanh Hải lại trở thành đề tài được quan tâm sau video mới đây của Truyền hình Nhân Dân. Ở phần bình luận dưới video trên YouTube, nhiều người cho rằng ông Hải cần phải bị xử lý và trừng trị hơn nữa.
Một khán giả viết: "Tôi sống tại Sài Gòn và TP HCM đã 60 năm, qua bao nhiêu năm theo dõi, tôi thấy nếu không xử lý ông LTH [Lê Thanh Hải] thì không tồn tại pháp luật.”
Cần lưu ý, báo chí Việt Nam kiểm duyệt rất chặt chẽ, kể cả đối với phần bình luận trên mạng xã hội. Việc kênh YouTube của Truyền hình Nhân Dân để các bình luận gay gắt nhằm vào ông Lê Thanh Hải không phải là điều ngẫu nhiên. Tuy nhiên, vào ngày 8/5/2024, video này đã khóa chức năng bình luận và xóa hết các bình luận cũ.
Ngoài ông Hải, nhiều lãnh đạo từng là cấp dưới của ông Hải ở TP HCM cũng đã bị xử lý với nhiều hình thức khác nhau do vi phạm trong quá trình thực hiện dự án Thủ Thiêm.
Ông Lê Hoàng Quân, cựu Phó Bí thư Thành ủy, cựu Chủ tịch UBND TP HCM, bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; và ông Vũ Hùng Việt, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, được xác định là vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Tuy nhiên, hai ông này đã không bị kỷ luật do đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
Bà Nguyễn Thị Hồng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, bị kỷ luật khiển trách.
Vụ việc tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã gây ra nhiều tranh chấp giữa người dân có đất đai bị giải tỏa với chính quyền. Đây là một vụ việc có tác động lớn đến chính trị, ảnh hưởng sâu sắc đến uy tín của chính quyền địa phương và trung ương.
Vụ án Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình ngày 11/4Bên cạnh vụ dự án Thủ Thiêm, có những ý kiến cho rằng ông Lê Thanh Hải có thể phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã có những vi phạm trong nhiều năm ở TP HCM, trong thời gian ông Lê Thanh Hải giữ chức Bí thư Thành ủy.
Sự phát triển thăng hoa của tập đoàn này cũng trùng với thời gian ông Hải nắm quyền ở thành phố.
Trả lời BBC News Tiếng Việt, ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), có ý kiến:
“Lê Thanh Hải và mạng lưới của ông ta rất có thể đã tạo điều kiện cho bà Lan thăng tiến. Tại sao ông Hải không bị kỷ luật vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Có lẽ đó là trường hợp ‘im lặng là vàng’.”
Ông David Brown, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam, nhận định với BBC rằng bà Lan có lẽ được những nhân vật quyền lực bảo trợ, những người chi phối kinh tế và chính trị ở TP HCM trong nhiều thập kỷ.
Ông nhìn nhận những gì đang xảy ra là một nỗ lực tái khẳng định quyền lực của Đảng Cộng sản đối với văn hóa kinh doanh tự do tại miền Nam.
“Điều mà ông Nguyễn Phú Trọng và các đồng minh trong đảng của ông ta đang cố gắng làm là giành lại quyền kiểm soát Sài Gòn, hoặc ít nhất là ngăn chặn nó tuột khỏi tầm tay.”
Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị tuyên án tử hình vào ngày 11/4, vụ án Vạn Thịnh Phát đã được báo chí quốc tế chú ý.
Viết về vụ việc, tạp chí Time cho rằng bà Lan ắt phải có móc nối hoặc nhận sự bảo trợ từ những nhân vật có quyền lực để có thể xây dựng một đế chế bất động sản ở Việt Nam, nơi mà đất đai đều thuộc quyền sở hữu của nhà nước.
Time sau đó đã nhắc lại việc ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch UBND TP HCM, bị kỷ luật do những cáo buộc vi phạm nghiêm trọng liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sự nghiệp của ông Lê Thanh Hải
Ông Lê Thanh Hải sinh ngày 20/2/1950 tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, thành phố Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang.
Ông có biệt danh là Hai Nhựt.
Từ năm 1966 đến năm 2006, ông Hải kinh qua nhiều chức vụ trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông từng là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM, ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP HCM.
Năm 2006, ông Lê Thanh Hải trở thành ủy viên Bộ Chính trị khóa 10.
Ông tiếp tục là ủy viên Bộ Chính trị khóa 11.
Ông giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2005 – 2010 và nhiệm kỳ 2010-2015.
Sau Đại hội Đảng 12 năm 2016, ông Lê Thanh Hải nghỉ hưu.
Tới ngày 20/3/2020, ông bị Bộ Chính Trị kỷ luật với hình thức “cách chức bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015" do những vi phạm liên quan tới dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
Do chỉ bị cách chức nhiệm kỳ 2010 – 2015, có thể hiểu là ông Hải vẫn là nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM khóa 2005-2010.
Tương tự, chức vụ ủy viên Bộ Chính trị khóa 10 và khóa 11 của ông coi như vẫn còn nguyên.
No comments:
Post a Comment