Wednesday, May 8, 2024

Thuốc lá điện tử: trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

 Đông Đô

VNTB – Thuốc lá điện tử: trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
(VNTB) – Bộ Công Thương đề nghị thí điểm quản lý thuốc lá điện tử, Bộ Y tế cho rằng cần cấm nhập khẩu, mua bán mặt hàng này. 

Lợi ích nhóm?

“Lý do gì, căn cứ đâu Bộ Công Thương đề xuất thí điểm này? Bộ đã nghiên cứu kỹ tác động đề xuất này mang lại chưa? Nhà nước và người dân được hưởng lợi gì từ đề xuất này?”, đại biểu nêu hàng loạt câu hỏi tại phiên giải trình trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong bày tỏ băn khoăn khi hành lang pháp lý về thuốc lá điện tử chưa có nhưng tác động rất lớn đến xã hội. “Việc buông bỏ quản lý này trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp quản lý thế nào? Bộ Y tế muốn cấm, Bộ Công Thương muốn hợp pháp hóa cho kinh doanh thuốc lá điện tử như thuốc lá truyền thống?”, đại biểu Đặng Thuần Phong đặt vấn đề.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (điều hành Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội), cho rằng thuốc lá điện tử đang xâm nhập và được sử dụng ngày càng nhiều và gia tăng ở Việt Nam, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, lứa tuổi học sinh. Thậm chí, có những lo ngại đối với thanh niên, thiếu niên khi thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng đang dần thay thế cho thuốc lá truyền thống.

Bên cạnh đó, tình hình nhập lậu thuốc lá, buôn bán, vận chuyển, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên thị trường, qua không gian mạng ngày càng tăng về quy mô và mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, pha trộn ma túy (cần sa, ma tuý tổng hợp) đang diễn biến phức tạp và gia tăng rất nhanh. Ông Mẫn đề nghị cần nhận diện đúng về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đánh giá tác hại, và có thông điệp rõ ràng, cụ thể đến người dân.

 

Bộ Y tế đã cảnh báo từ ghi nhận thực tế

Từ cuối năm ngoái, phía Bộ Y tế đã lên tiếng cảnh báo tác hại về mặt sức khỏe của thuốc lá điện tử. Theo bác sĩ làm chuyên môn, hàng ngày trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân bị ngộ độc do thuốc lá điện tử, TS. BS. Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ngày nào Trung tâm Chống độc cũng có bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị tại đơn vị, trong đó rất nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn thuốc lá điện tử. Các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đều vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe.

Theo BS Nguyên, phần lớn người dân quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản, không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Thuốc lá điện tử thực chất là các thiết bị điện để nung nóng các hỗn hợp nguyên liệu chứa nhiều hóa chất nhân tạo bên trong, bốc hơi lên để người dùng giải trí. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.

Trong thuốc lá điện tử có hàng ngàn hương liệu, cho tới nay có ít nhất khoảng 20 ngàn hóa chất hương liệu, rồi các chất phụ gia khác, đây là các chất nguyên bản, đồng thời khi được nung nóng ở các nhiệt độ khác nhau mỗi chất sẽ tạo ra các sản phẩm cháy là các hóa chất khác nhau mà ngành y không thể biết trước được. Rất nhiều hóa chất trong hơi thuốc lá điện tử được chứng minh gây hại cho sức khỏe, gây ra các bệnh ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ho, hen, nhồi máu cơ tim, tổn thương mạch máu, giảm miễn dịch, gây tổn thương ADN là các phân tử di truyền, tăng nguy cơ đái đường, bệnh tim mạch… Các hóa chất này gây nên các bệnh còn phức tạp hơn nhiều so với thuốc lá thông thường và hầu hết là các căn bệnh mới.

Ngoài ra hiện nay thuốc lá điện tử là môi trường thuận lợi để ma túy, cần sa thế hệ mới trà trộn vào. Đến nay, đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ, và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Các nước xung quanh Việt Nam đã cấm lưu hành thuốc lá điện tử là Trung Quốc (cấm tất cả các loại thuốc lá điện tử có hương thơm), các nước cấm hoàn toàn là Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore.

 

Vì sao “loại giết người mà thí điểm”?

Cựu Viện trưởng của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (2003-2017) Nguyễn Anh Trí đăng đàn tư cách đại biểu Quốc hội tự ứng cử và trúng cử hai khóa XIV và XV, đặt vấn đề gay gắt của lợi ích nhóm ở đây: “Tôi thấy kỳ lạ, tại sao lại thí điểm với chất gây nghiện, loại giết người mà thí điểm. Không thí điểm gì cả! Bởi thuốc lá điện tử tràn lan trên thế giới và ở Việt Nam, rất có hại, hại toàn diện và rõ ràng… Với tư cách người thầy thuốc, tôi đố ai tìm ra một chút ưu điểm về loại thuốc lá điện tử này!”.

Theo kết quả điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế với học sinh tại 11 tỉnh, thành phố, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Nhóm 13-15 tuổi tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023. Ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4.3%.

Theo WHO và CDC Hoa Kỳ, sản phẩm thuốc lá mới gây nghiện do có chứa nicotine; các bệnh ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, và ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Thuốc lá điện tử còn có nguy cơ gây ra nhiều ảnh hưởng cấp tính như tổn thương phổi cấp (EVALI), ngộ độc, thương tích do nổ pin, tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tăng nguy cơ sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.

No comments:

Post a Comment