Phú Nhuận
(VNTB) – Tham nhũng và sự dốt nát luôn coi báo chí như kẻ thù
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc, ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.
Thế nhưng, “giám sát” như thế nào khi mà quyền tự do báo chí ở Việt Nam không những vẫn chưa có, mà còn bị siết chặt bằng những “rào cản kỹ thuật”, như buộc phải tuân thủ “tôn chỉ, mục đích” được ghi trong giấy phép về hoạt động đưa tin, bài.
Khi “báo chí của Đảng” buộc phải tự suy yếu
“Quy hoạch báo chí” được soạn thảo từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để rồi do người kế nhiệm là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt ban hành là một dẫn chứng cho ‘bóp chết’ quyền tự do báo chí còn sót lại sau những mệnh lệnh hành chính về “tôn chỉ – mục đích”, về “chủ quản”.
“Quy hoạch báo chí” được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trương và Nguyễn Bắc Son được coi là tác giả. Trưởng Ban Tuyên giáo lúc ấy là Đinh Thế Huynh. Cho dù trong “chế độ ta”, báo chí chưa bao giờ là “quyền lực thứ tư”, song chưa có thời nào, chưa có chính sách nào làm suy yếu “báo chí của Đảng” như “Quy hoạch báo chí” này.
Một nhà báo tên tuổi và có sức ảnh hưởng đã nhận xét rằng, “tham nhũng và sự dốt nát luôn coi báo chí như kẻ thù. Những kẻ dốt nát và tham nhũng vừa sợ hãi, lại vừa muốn cầm nắm báo chí để tự ru ngủ hoặc tự tô vẽ mình. Không phải tự nhiên mà mấy đời Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông gần đây, đều trở nên lố bịch ngay khi chưa bị hạ bệ. Thay vì cảnh tỉnh, các nhà báo cấp dưới, phần nhiều lọc lõi hơn, cứ tạo điều kiện cho anh “nổ”, cứ “khen cho anh chết”…”.
Hôm 03-05-2024, nhân Ngày tự do báo chí thế giới, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) của Pháp đã công bố bảng xếp hạng năm 2024 về điều kiện hành nghề của giới phóng viên ở các nước. Chỉ số tự do báo chí của Việt Nam tăng 4 hạng so với năm ngoái, nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 10 quốc gia cuối bảng.
Trong năm tiêu chí đánh giá của RSF, Việt Nam có ba tiêu chí đi xuống so với năm trước. Chỉ số chính trị giảm từ 23,75 xuống 13,22, chỉ số xã hội giảm từ 32,95 xuống 23,51, và chỉ số an ninh giảm từ 30,66 xuống 25,86. Trong khi đó, Việt Nam có hai tiêu chí tăng là chỉ số kinh tế (từ 17,16 lên 20,57) và chỉ số lập pháp (18,40 lên 28,37).
Tổng biên tập giờ không còn dũng khí nữa
Ở Việt Nam, mỗi tổng biên tập là một kiểm duyệt viên trung thành, luôn răm rắp tuân thủ chủ kiến của Đảng.
Xa lắm rồi như câu chuyện quá vãng hay được cánh nhà báo lâu năm ở Sài Gòn kể như một giai thoại, là có một thời khi Phó trưởng ban Tuyên giáo Hồng Vinh vào Nam lớn tiếng với các tổng biên tập, nhà báo Võ Như Lanh (1948 – 2014) đã đứng lên nói thẳng, “Anh đừng vào đây mà dạy dân Sài Gòn làm báo”.
Ông Trần Minh Ðức (Ba Lãng), một trụ cột của báo Tuổi Trẻ, kể câu chuyện làm ngạc nhiên những người đi sau: “Tháng 7-1977, tôi về Tuổi Trẻ theo đề nghị của anh Lanh với tâm trạng ít nhiều trống rỗng, yếu đuối cả thể xác lẫn tinh thần, cứ để mình bị trì kéo bởi những hình ảnh, kỷ niệm cũ. Tôi là một anh phóng viên suốt hơn năm trời chỉ viết được ba, bốn bài, không có máu mê làm báo. Tôi xoay sang nhận nhiệm vụ xây dựng Tuổi Trẻ thành cơ quan hoàn chỉnh. Tôi theo sau anh Võ Như Lanh, góp nhặt các chất liệu, tư tưởng để nhào nắn lại thành nguyên tắc, phương châm, cơ sở để xây dựng đội ngũ”.
Theo ông Ba Lãng. Khi làm tổng biên tập, ông Võ Như Lanh luôn bức bối và yêu cầu tất cả những người xung quanh cũng phải cùng bức bối. Ông không bao giờ tỏ ra hài lòng với số báo hôm qua, kế hoạch, đề tài số báo sắp tới. Vừa dẫn dắt, gợi mở, vừa thúc đẩy, phản biện, ông Võ Như Lanh đã cùng đội ngũ xác lập nên những giá trị cốt lõi của báo Tuổi Trẻ một thời, như làm báo phải đáp ứng nhu cầu được biết của mọi tầng lớp nhân dân; Thông tin một cách nghiêm cẩn, nhanh chóng, đầy đủ, khách quan tình hình mọi mặt đời sống, chính trị, xã hội, kinh tế trong nước và quốc tế đến người đọc; Một tờ báo vì người đọc phải sống được bằng người đọc; Làm báo vì một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, dân chủ, người dân sống tự do, hạnh phúc, chứ không phải là “tiếng nói định hướng của tuyên giáo Đảng”.
Hãy trả lại quyền tự do báo chí cho người dân
Trở lại với yêu cầu nêu ở đầu bài viết này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là “tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu triển khai công việc, ngay từ sớm, từ xa, từ cơ sở, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn” mà ông nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 hôm 4-5-2024, cho thấy cần thiết trả lại cho người dân quyền tự do báo chí, bãi bỏ chính sách ‘bóp nghẹt’ báo chí nhà nước bằng “Quy hoạch báo chí”, bằng ràng buộc tin tức chỉ được phép ‘gói’ trong tờ giấy phép “tôn chỉ – mục đích”…
Nhiều tờ báo đã vận hành như các doanh nghiệp tư (VNExpress, Kinh Tế Việt Nam, Dân Trí…) cần phải cất được gánh nặng của tìm kiếm chủ quản nhà nước thích hợp; bởi hơn ai hết, họ hiểu về sự cẩn trọng chính trị do làm báo bằng chính cơm gạo áo tiền của riêng mình…
No comments:
Post a Comment