HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Dù vừa điền khuyết hai ghế trống trong tứ trụ, nhiều nhà phân tích cho rằng đấu đá còn tiếp diễn đến ngày đại hội đảng CSVN đầu năm 2026.
Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, năm nay đã 80 tuổi. Ông Trọng đã ngồi lại tới nhiệm kỳ thứ ba, chưa từng có trong tiền lệ. Đã vậy, tình trạng sức khỏe yếu kém của ông Trọng dẫn đến nhiều phân tích cho rằng ông sẽ về vườn khi hết nhiệm kỳ.
Theo quy định của chế độ, tổng bí thư đảng CSVN được đôn lên từ một trong bốn tay “tứ trụ” và phải có mặt đủ hai nhiệm kỳ trong Bộ Chính Trị bên cạnh quy định về tuổi tác. Tuy nhiên, giữa những kèn cựa không thỏa hiệp được, đã xảy ra những “ngoại lệ” về tuổi tác và “nhiệm kỳ” để những người như ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc còn được “tín nhiệm,” thay vì phải về vườn.
Trong một bài phân tích viết trên tạp chí Fulcrum do Viện Nghiên Cứu Chính Trị Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) phát hành ở Singapore, tác giả Lê Hồng Hiệp cho rằng cả ba người có nhiều triển vọng nhất, để thay thế ông Nguyễn Phú Trọng khi diễn ra đại hội đảng đầu năm 2026, đều có những nhược điểm tuy khác nhau.
Ông Trần Thanh Mẫn, mới được đôn lên ghế chủ tịch Quốc Hội, tuy trẻ tuổi nhất, 60 tuổi, quê quán Hậu Giang, đi lên từ các chức vụ ở Cần Thơ, trước đây không được nắm những chức vụ quan trọng hàng đầu ở trung ương cho đến khi được đặt vào vị trí phó chủ tịch Quốc Hội. Rồi khi ông Vương Đình Huệ bị đẩy xuống, người ta mới thấy ông Mẫn có cơ hội xuất hiện nhiều hơn.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, chưa có một người gốc “Nam Kỳ” nào ngồi được cái ghế tổng bí thư đảng mà phải là một “người Bắc có lý luận.”
Ông Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng, gốc gác Cà Mau, muốn tranh cái ghế tổng bí thư với ông Nguyễn Phú Trọng, năm 2016, đã bị thua cay sau những màn đấu đá kịch liệt. Ông Dũng bị bêu xấu nhiều tội lỗi, cả gia đình, con cái trên mạng Internet.
Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, cũng là một ứng viên đang cố tạo tên tuổi, vây cánh để hy vọng thay ông Trọng. Cái gốc công an và tai tiếng tham nhũng dính với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn qua những vụ “thông thầu” ở Quảng Ninh, nếu bị địch thủ dùng làm cái cớ để hại, thì khó lòng cho ông ta, trừ phi tạo được vây cánh thật mạnh.
Người mà lâu nay dư luận vẫn cho rằng có nhiều triển vọng nhất để thay ông Trọng là ông Tô Lâm, mới được làm chủ tịch nước từ ngày 22 Tháng Năm sau gần 10 năm làm bộ trưởng Công An. Ông Lâm bị tai tiếng quốc tế khi cầm đầu một đoàn tướng tá công an qua Đức bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017 và bữa ăn “thịt bò dát vàng” ở London, Anh, khi cả nước đang đối diện với đại dịch COVID-19.
Theo ông Lê Hồng Hiệp, nếu người kế nhiệm ông Lâm làm bộ trưởng Công An là cùng phe cánh như các thứ trưởng Lương Tam Quang hay Nguyễn Duy Ngọc và một trong những người này được đưa vào Bộ Chính Trị thì ông Tô Lâm có thêm vây cánh và khả năng cao hơn để ngoi lên được ghế tổng bí thư. Tuy nhiên, việc đó đã không xảy ra.
Thêm nữa theo nhận định của ông Lê Hồng Hiệp, các chóp bu đảng, có thể có cả ông Nguyễn Phú Trọng “ngần ngại” đưa ông Tô Lâm lên ghế tổng bí thư vì sợ ông ta dựa thế công an, biến Việt Nam thành một nước “công an trị.” Điều đó sẽ ảnh hưởng triển vọng kinh tế của Việt Nam và cũng đe dọa sự tồn tại của đảng Cộng Sản.
Vả lại, từ trước tới nay, chưa có một tay gốc công an nào được bầu làm tổng bí thư cả. Gốc quân đội thì có, như trường hợp ông Lê Khả Phiêu.
Mới tuần trước, tướng quân đội Lương Cường, quê quán Phú Thọ, 67 tuổi, được cất nhắc vào ghế thường trực Ban Bí Thư thay bà Trương Thị Mai bị ép “thôi chức” với tai tiếng tham nhũng nhiều năm trước. Ông này ít hy vọng chiếm ghế tổng bí thư nhưng không thể loại trừ những trường hợp “ngựa về ngược” dù mới được vào Bộ Chính Trị từ 2021, và vì các cuộc tranh giành vây cánh.
Vì các người chạy đua thay ông Nguyễn Phú Trọng ở ghế tổng bí thư đảng CSVN khi đại hội đảng diễn ra năm 2026, chưa ngựa nào có dấu hiệu nắm chắc phần thắng nên không thể loại trừ cả khả năng ông Trọng ngồi lỳ lại đến nhiệm kỳ thứ tư. (NTB) [qd]
No comments:
Post a Comment