Phạm Trần
Đảng cộng sản Việt Nam đã hoàn tất bổ sung "4 ủy viên Bộ Chính trị", nhưng viễn ảnh xóa ảnh hưởng của Quân đội và Công an trong đường lối cai trị độc tài đã mờ nhạt.
Ngày 16/5/2024, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã bầu bổ sung bốn ủy viên Bộ Chính trị (ông Đỗ Văn Chiến, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng) và hai Chủ tịch nước (ông Tô Lâm) và Quốc hội (Trần Thanh Mẫn)
Trước hết, sự kiện Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước đã gợi lại hình ảnh Đại tướng Công an Trần Đại Quang giữ chức Chủ tịch nước năm 2016, sau khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng loại xong ảnh hưởng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tướng Tô Lâm là người có công giúp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thành công trong công tác chống tham nhũng, thường được gọi là "đốt lò" từ khóa đảng XII. Vì vậy, việc thăng cấp tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước được coi như sự "trả công" của ông Trọng, mặc dù chức vụ này "không có quyền hành thật sự".
Tướng Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957, quê quán tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Các vụ tham nhũng lớn
Khi giữ chức Bộ trưởng Công an, tướng Tô Lâm được ghi nhận có công trong các vụ án gồm :
- Vụ Trịnh Xuân Thanh :
Trịnh Xuân Thanh, nguyên Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang và Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Năm 2016, Trịnh Xuân Thanh bị điều tra và kết luận có nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong thời gian công tác tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam. Trịnh Xuân Thanh bị án chung thân.
- Vụ Đinh La Thăng:
Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị khởi tố, xét xử, kết án 30 năm tù do những sai phạm quản lý kinh tế khi giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
- Vụ Nguyễn Bắc Sonvà Trương Minh Tuấn :
Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, cả hai đều là nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông,bị xử về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ, lần lượt chịu chịu án tù chung thân và 14 năm tù.
- Vụ Nguyễn Đức Chung :
Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, bị bắt giữ, điều tra về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước. Năm 2022, ông Chung bị điều tra thêm trong vụ bê bối lớn liên quan đến các chuyến bay giải cứu và Kit test dởm của công ty Việt Á làm nhiều quan chức bị điều tra và bỏ tù.
Với thành tích này, liệu ông Tô Lâm có tiếp tục làm công tác "đốt lò" thành công hơn, hay ông đã thỏa mãn với chức "ngồi chơi xơi nước" ?
Điểm qua những gương mặt mới trong Bộ Chính trị
Tân Chủ tịch quốc hội Trần Thanh Mẫn sinh ngày 12/8/1962, quê quán ở xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, từng giữ chức Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phụ trách điều hành hoạt động của Quốc hội, và là Đại biểu quốc hội khóa XV nhiệm kì 2021 – 2026, thuộc đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Hậu Giang.
Ông Mẫn là người miền Nam duy nhất còn lại trong hàng ngũ "lãnh đạo chủ chốt", nhưng quyền hành của Quốc hội phải lệ thuộc vào quyết định của Bổ Chính trị. Do đó Quốc hội chỉ là thứ "bung xung" cho Bộ Chính trị.
Bộ Chính trị cũng đã phân công Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vào Ban Bí thư và giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư.
Ông Lương Cường sinh ngày 15/8/1957 tại xã Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Ông Cường thay bà Trương thị Mai bị cách chức, nhưng không kiêm nhiệm chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Nhiệm vụ Trưởng ban Tổ chức Trung ương được giao cho ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Sự có mặt của tướng Cường được coi là sự cân bằng quyền lực giữa Quân đội và Công an trong Bộ Chính trị.
Đáng chú ý nhất là sự tồn tại của Thủ tướng Phạm Minh Chính, 66 tuổi. Ông giữ chức Thủ tướng từ năm 2021, thay ông Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Phạm Minh Chính, sinh ngày 10/12/1958 tại xóm Hoa Trường, xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ông mang cấp bậc Trung tướng Công an và từng là Bí thư tỉnh Quảng Ninh năm 2011. Ông Chính cũng được nói đến là người có công trong chiến dịch chống Covid, và thân với Bắc Kinh.
Như vậy, ông Chính hiện nay là ứng viên sáng giá nhât để thay ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư. Ông Trọng, 80 tuổi, đã làm Tổng bí thư 3 nhiệm kỳ, từ năm 2011.
Nhìn chung, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vừa được bổ sung những gương mặt lãnh đạo mới, nhưng tư tưởng của những người này phần lớn xuất phát từ Ban bí thư dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông Nguyễn Phú Trọng, do đó rất nặng về phía Tuyên giáo, nghĩa là sẽ rất giáo điều và lạc hậu. Họ là lớp người tiêu biểu của đường lối cầm quyền độc tài chuyên chính của Đảng cộng sản Việt Nam.
Phạm Trần
(22/05/2024)