Wednesday, November 29, 2023

Vương Đình Huệ nói chưa thông qua Luật Đất Đai do ‘thận trọng’

 HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc Hội Việt Nam, ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, lên tiếng biện hộ rằng việc chưa thông qua Luật Đất Đai (sửa đổi) là do các đại biểu “cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua luật này tại kỳ họp gần nhất để bảo đảm phẩm chất và tính khả thi.”

Báo VietNamNet hôm 29 Tháng Mười Một đưa tin nêu trên trong bối cảnh mạng xã hội dấy lên câu hỏi về chuyện Luật Đất Đai (sửa đổi) liên tục bị trì hoãn thông qua tại các phiên họp ở nghị trường.

Ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam. (Hình: VietNamNet)

Liên quan Luật Đất Đai (sửa đổi), ông Huệ nói thêm rằng tuy các đại biểu Quốc Hội “đã đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng” nhưng “cần có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.”

Trong khi đó, tờ Thanh Niên đưa tin, ông Bùi Văn Cường, tổng thư ký Quốc Hội, “đang báo cáo cấp có thẩm quyền để tổ chức kỳ họp bất thường vào Tháng Giêng, 2024, xem xét các Dự Luật Đất Đai (sửa đổi) và Luật Các Tổ Chức Tín Dụng (sửa đổi).

Cụ thể, bản tin cho rằng Luật Đất Đai (sửa đổi) còn một số vướng mắc về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận quyền sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; vấn đề quản lý, khai thác quỹ đất; các trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất; sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế; trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư ngoại quốc nhận chuyển nhượng dự án bất động sản…

Theo Hiến Pháp Việt Nam, Luật Đất Đai phải được sửa đổi theo chu kỳ cứ 10 năm một lần.

Tuy vậy, đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn lời ông Đặng Hùng Võ, cựu thứ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường, Luật Đất Đai 2003 và 2013 đã định hướng việc xác định giá đất phải theo thị trường nhưng trên thực tế thi hành luật thì lại khác.

Hiện tại, nhà cầm quyền đã dừng các cuộc “đối thoại” với dân oan Thủ Thiêm, Sài Gòn, sau khi bị mạng xã hội chỉ trích sự kiện này mang tính “dàn dựng” và “nửa vời.” (Hình: Tiền Phong)

Ông Hùng Võ nói: “Luật Đất Đai năm 2003 và năm 2013 cũng đã khẳng định là giá trị bồi thường phải phù hợp với giá trị thị trường, nhưng trên thực tế thì vẫn tính theo bảng giá của nhà nước mà không tính theo giá thị trường, thế thì người dân khiếu nại, kêu oan.”

“Luật Đất Đai hiện nay có một yêu cầu là để phát triển kinh tế, nhưng phát triển dưới góc độ nào, vì lợi ích của ai, của toàn dân, của nhà nước hay của các doanh nghiệp đại gia bất động sản hay là của toàn bộ nền kinh tế?,” ông Hùng Võ đặt câu hỏi. (N.H.K) [qd]

No comments:

Post a Comment