11/28/2023 — nguyenhuuvinh
Những ngày gần đây, giáo dân Giáo phận Vinh hết sức bất bình và đầy cảnh giác với hiện tượng lạ: Từ Tòa Giám mục Xã Đoài, cho đến Linh địa Trại Gáo và một số nơi, những hoạt động “đầu tư” của quân đội với nhãn hiệu “tình nghĩa quân dân”. Quân đội vào làm sân bóng, làm khu vui chơi giải trí của Tòa Giám mục và Linh địa Trại Gáo trong sự hân hoan của Giáo quyền và sự cảnh giác, xa lánh của giáo dân.
Người ta xôn xao bàn tán: Sao bỗng dưng có chuyện quân đội nhân dân không còn việc gì làm hay sao mà quan tâm đến Giáo hội Công giáo một cách thái quá, lộ liễu như vậy?
Hay dạo này biển đảo đã giao bạn vàng quản lý, Giáo dân Vinh không còn biểu tình chống Formosa xả thải, giết hại môi trường nên Quân Khu 4 không cần điều động thiết giáp, xe tăng đến tận Cổng Tòa Giám mục Xã Đoài nữa, nên đưa dần binh lính vào “Gìn giữ hòa bình tại đây”?
Mà sao quân đội chỉ thích đầu tư vào chỗ đất đai của Giáo hội mà không làm mới một khu nào đó tặng cho Giáo dân và Quân đội cùng thể hiện “Tình quân dân” có hơn không?
Và người dân kháo nhau: Vậy ra, chỉ vì mấy chục nhân công lấy từ bộ đội mà Tòa Giám mục cần họ giúp đỡ, hay vì Tòa Giám mục thiếu tiền, nên muốn quân đội đầu tư? Hay vì lý do nào khác tế nhị không tiện nói ra?
Thậm chí có người còn độc miệng rằng: Hình như Tòa Giám mục lo xa, sợ những vấn đề mà dân quan tâm cần được làm rõ như vụ Hồ Hữu Hòa, vụ đất đai, vụ tiền bạc hoặc vấn đề nọ kia không được xử lý đến nơi đến chốn, nên Tòa hữu hảo dần với chính quyền, với quân đội, chính quyền, công an. Để rồi nếu chẳng may có ngày giáo dân kéo đến Tòa Giám mục như năm nào đó thì còn có chỗ mà nhờ cậy chăng?
Tất cả những điều đó, chỉ là những lời đồn đãi, dị nghị.
Nhưng, xưa nay vẫn vậy, cái gì không rõ ràng, không minh bạch thì người dân dị nghị rồi đồn đãi cũng là chuyện bình thường thôi.
Có điều, hình như các chức sắc của TGM GP Vinh hoặc mắc mớ điều gì đó không muốn làm sáng tỏ, hoặc coi thường giáo dân đến mức chẳng thèm chấp thì không biết.
Cho sói gửi chân từ trong ngụ ngôn đến Giáo hội Việt Nam.
Truyện ngụ ngôn cho sói gửi chân, luôn được nhắc nhở cho mọi người nhiều khi có thể mất cảnh giác, nhất là trong những hoàn cảnh mà sói và dê cừu cứ lẫn lộn dễ mất cảnh giác.
Đại ý của câu chuyện, là có con sói muốn tấn công một con người, nó chỉ nhờ gửi một chiếc chân vào nhà, vì ở ngoài trời lạnh và rất khổ sở, và đứa bé động lòng trắc ẩn cho nó gửi một chân thôi, mặc dù đã được dạy nhiều lần rằng phải cảnh giác với con sói, vì nó có thể tấn công người bất cứ lúc nào và âm mưu của nó thì luôn sẵn có. Thế rồi từ một chân được gửi vào, chó lại kêu ca, nằn nì gửi được chân thứ hai, và con người thấy nó có bộ mặt không đến nỗi gớm guốc lắm, thậm chí là thân thiện nữa, nên cho nó gửi tiếp chân thứ 3 cho đến khi nó nhảy được vào nhà thì nó ăn thịt luôn con người.
Câu chuyện ngụ ngôn ấy được lan truyền khắp thế giới để lại bài học cho con người hãy cảnh giác với ma quỷ, với những hạng người lang sói.
Giáo hội Công giáo được hình thành đã 500 năm tại mảnh đất Việt Nam, là một tôn giáo có tổ chức, liên tục và phục vụ người dân, xây dựng đất nước, xây đắp nên nền văn hóa Kito giáo tại vùng đất này từ thuở hoang sơ. Công giáo đã đưa vào mảnh đất này ánh sáng văn minh, những tư duy mới lạ tiến bộ, khoa học khai hóa mảnh đất này.
Những cơ sở của Giáo hội Công giáo từ khi sơ khai được mua, được sắm, được xây dựng đã hàng trăm năm trước khi có Cộng sản xuất hiện.
Thế rồi bỗng dưng xuất hiện cái gọi là “Đảng cộng sản” rồi xúi giục người dân trong cơn cướp bóc mang tên Cách mang, mà ở đó: “Chúng ta không có gì để mất, nếu mất, chỉ mất xiềng xích đói nghèo, nếu được, sẽ được tất cả”.
Với cái lý thuyết ấy, đảng đã lôi kéo được đám tiện dân chạy theo lý thuyết của đám lục lâm thảo khấu mà cướp, mà làm cách mạng, rồi đến khi cướp chính quyền năm 1945 và cướp luôn ngôi vị cai trị đất nước, nhân dân đến nay với cái lý thuyết rằng: “Vật chất quyết định ý thức” – Nghĩa là cứ cướp được, có tiền, thì sẽ có ý thức tử tế.
Ở đó, với chính sách quyết tâm tiêu diệt mọi tôn giáo để “tiến hành cuộc Cách mạng về Tư tưởng và văn hóa” chỉ nuôi mỗi lý thuyết duy vật vô thần Cộng sản tại Việt Nam, các tôn giáo đã bị đàn áp, tiêu diệt tàn bạo.
Và Giáo hội Công giáo trở thành nạn nhân của hệ thống này.
Hàng loạt các biện pháp dai dẳng từ việc tiêu diệt sạch không thành công, thì bóp nghẹt không cho phát triển. Hàng loạt chủng viện, nơi đào tạo bị giải tán, bị cướp đoạt. Kìm kẹp hàng ngũ tu sĩ, linh mục và hệ thống giáo hội từ hàng giáo phẩm đến giáo dân.
Hàng ngàn cơ sở vật chất của Giáo hội bị mượn, bị cướp, bị lấy đi không cần bất cứ một cơ sở luật pháp nào.
Thế nhưng, những biện pháp đó, đã không thể nào tiêu diệt được Đức tin của người Công giáo vốn đã được hun đúc từ nhiều đời, với niềm tin vào Thiên Chúa, họ đã và sẵn sàng trả giá máu cho Đức tin của mình.
Thế rồi, đến khi biết không thể kìm hãm được lòng tin, đức tin của giáo dân, thì nhà cầm quyền CSVN giở bài khuynh loát.
Cho đến nay, nhà cầm quyền CSVN đã cướp trắng nhiều cơ sở, tu viện, nơi thờ tự, thánh thất của Giáo hội Công giáo. Hiện nay, theo thống kê của Giáo hội, vẫn còn 2.500 cơ sở tôn giáo bị nhà nước “mượn” nhưng đòi thì không trả. Có thể kể đến nhiều cơ sở như vậy tại Việt Nam. Hầu như giáo phận nào, Giáo xứ nào cũng đều là nạn nhân của hệ thống công quyền cộng sản kể từ khi cướp được chính quyền đến nay. Riêng Hà Nội, con số đó là 150 cơ sở.
Điển hình là những năm gần đây, những tiếng kêu liên tục vang lên ở ngay không xa, là hai phía Bắc và Nam của Giáo phận Vinh. Đó là tại Thái Hà và Đan viện Thiên An, Huế.
Tại Thái Hà, cách đây mấy hôm, nhà cầm quyền ngang nhiên đập phá sửa chữa phi tang cơ sở của Nhà dòng được xây dựng từ năm 1928-1931, nghĩa là trước khi xuất hiện cái nòi cộng sản ở Việt Nam cả chục năm.
Thế rồi lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, nhà cầm quyền vào gặp linh mục Nguyễn Ngọc Bích để “Mượn” nhà dòng cho học sinh, cho bộ đội… Khi được trả lời rằng: “Tôi là linh mục quản lý không có quyền cho mượn” tên quan chức Quận Đống Đa đã chỉ mặt Linh mục mà rằng: “Ông không có quyền, thì tôi có quyền”. Và nhà cầm quyền đã “mượn” nhà dòng với cả loạt nhà cao tầng, nhà thờ và mọi cơ sở của Giáo xứ làm Bệnh viện Đống Đa từ đó đến nay.
Thế rồi quá trình giáo dân, giáo xứ, nhà dòng đòi lại liên tục, dai dẳng từ năm 1996, mỗi khi Bệnh viện muốn làm gì, thì đều phải sang xin phép Nhà Dòng. Bỗng nhiê, năm 2004, nhà cầm quyền CSVN tự ý đầu tư vào đó vài hạng mục, nghĩa là thực hiện kế sách chó sói gửi chân.
Và từ đó trở đi, nhà cầm quyền CSVN coi rằng Nhà Dòng đó đã được công sản hóa.
Đó là chính sách cuớp đoạt, dựa trên sự tử tế của tôn giáo để thể hiện bản tính rừng rú của mình.
Còn Đan viện Thiên An, Huế, từ những năm 1940, hai linh mục cũng là hai đan sĩ người Pháp đã sang đây mua mảnh đất tại đồi Thiên An, Huế để trồng thông và lập Đan viện Thiên An tại đây. Theo bản đồ của Ty Điền địa Thừa Thiên – Huế cấp cho Đan viện Thiên An, tổng diện tích của Đan Viện là 107 ha.
Tại đây, Đan viện Thiên An đã xây dựng một trường tiểu học, trại cô nhi, trại cá và xây dựng Đồi Đức Mẹ, Đồi Thánh Giá và một đập nước cung cấp nước cho cả khu vực. Kể từ đó, Đan viện Thiên An tồn tại và sử dụng nơi này liên tục, kể cả sau biến cố 1975.
Năm 1976, nhà nước đến “mượn” nhà trường Tiểu học, sau đó xin cho Ty Lâm nghiệp được “quản lý đồi thông”. Việc mượn này có giấy tờ mượn cái nhà hẳn hoi. Thế nhưng, câu chuyện chó sói gửi chân đã bắt đầu từ đây. Văn bản “mượn” nhà Trường của Đan viện Thiên An được đưa đến và cứ vậy họ chiếm dụng từ đó đến nay, tròn 40 năm không trả lại.
Năm 1998, nhà nước có văn bản “thu hồi” 49 ha “đất hoang”, thế nhưng, thực tế họ đã chiếm đất của Đan viện, nơi đã trồng cây và chăm bón suốt nửa thế kỷ trước cho đến lúc đó. Trước khi “thu hồi” không hề có một buổi làm việc, hoặc bất cứ một sự bồi thường tài sản cho Đan Viện.
Và đến nay, Đan Viện vẫn cứ là nạn nhân của trò cướp đoạt nhân danh “Mượn” của nhà cầm quyền CSVN.
Trở lại với Giáo phận Vinh hôm nay
Giáo phận Vinh nổi tiếng là Giáo phận kiên cường và anh dũng với đức tin sáng ngời của giáo dân trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của Giáo hội Công giáo tại đây.
Sự kiên vững đó, được thể hiện trong lịch sử của Giáo phận đã phải viết nên bằng chính máu, chính mạng sống của các linh mục, tu sĩ, giáo dân, đặc biệt là trong thời kỳ Văn Thân đến nay dưới thời Cộng sản sắt máu.
Thế nhưng, giáo dân Vinh dù phải trả bằng giá máu, bằng mạng sống của mình, vẫn kiên trung với Đức tin và trung thành, vâng lời các linh mục và hàng giáo phẩm.
Đã có những thời, người dân gửi gắm tất cả niềm tin yêu, tính mạng và cuộc sống của họ vào tay các linh mục mà không hề phân vân, đắn đo hoặc nghi ngờ. Đã có một thời, Linh mục, Giám mục, hàng giáo phẩm như là chính hiện thân của Chúa với giáo dân Vinh. Họ vâng lời tuyệt đối, họ tin tưởng tuyệt đối và họ sẵn sàng xả thân bảo vệ Giáo hội, bảo vệ chủ chăn.
Nhiều sự kiện đã chứng minh điều này cách hùng hồn nhất.
Gần đây, sự kiện giáo dân GP Vinh bị đàn áp dữ dội khi đòi quyền lợi của mình do biển bị Formosa đầu độc, cũng như nhiều vụ việc khác, đã làm cho Giáo dân GP Vinh càng hiểu hơn về thái độ của nhà cầm quyền CSVN đối với Giáo hội công giáo Việt Nam nói chung và Giáo phận Vinh nói riêng.
Bỗng nhiên, gần đây, giáo dân Vinh chộn rộn, hoang mang trước việc Tòa Giám mục GP Vinh có những động thái lạ, có nhiều hoạt đông giao lưu đề huề với chính quyền Cộng sản. Và ngạc nhiên hơn nữa, là gần đây, quân đội rất quan tâm và có nhiều hoạt động ngay trên Tòa Giám mục và Trung tâm hành hương Trại Gáo cũng như một số hiện tượng tương tự ở một số nơi trong giáo phận.
Phải chăng, đến nay nhà cầm quyền Nghệ An đã thay đổi cách nhìn, thay đổi thái độ và đường lối đối với Tôn giáo nói chung và Giáo phận Vinh nói riêng?
Xin thưa là không.
Xưa nay, đường lối của đảng cộng sản luôn được tự kết luận là nhất quán: Tôn giáo, là một phạm trù lịch sử, sẽ tự tiêu vong khi Chủ nghĩa Cộng sản phát triển đến mức nào đó. Và khi không thể tiêu diệt được tôn giáo bằng hành động trực tiếp, thì phải đối chính sách thành “Liên minh tiêu diệt” – Nghĩa là cần phải liên minh với tôn giáo, để tiêu diệt tôn giáo. Mà trước hết là “Tận dụng những phần tử tiến bộ trong Tôn giáo để phục vụ sự nghiệp cách mạng của đảng”.
Nhìn những hành động này của nhà cầm quyền Nghệ An, người ta nhớ lại những ngày Đức Giám mục Phaolo Nguyễn Thái Hợp mới về Giáo phận Vinh.
Khi đó, cũng đầy những việc giao hảo, hữu nghị và đầy sự tương tác thân tình. Trước hết, những nơi nào lấn cấn đòi lại đất đai, xung khắc với chính quyền, hầu như ĐGM giải quyết bằng cách rút êm không gây căng thẳng… Những linh mục khó bảo, không chịu chính quyền trong việc đòi lại đất đai của Giáo xứ, Tỉnh có văn bản yêu cầu chuyển đổi đi nơi khác, thì được đáp ứng. Thậm chí, trong kỳ Tĩnh tâm các linh mục, thay vì cấm phòng và các việc đạo đức khác, ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp còn mời luật sư về để giảng dạy cho các linh mục nghe về Luật đất đai của nhà nước. Chương trình này đã bị các linh mục phản đối dữ dội và ngài phải bỏ giữa chừng.
Và chỉ cần như vậy, chính quyền Nghệ An tung hứng, ca ngợi và ưu ái ĐGM Nguyễn Thái Hợp lên mây xanh. Thậm chí, Báo Nghệ An, cơ quan của Tỉnh ủy Nghệ An lúc đó còn rất hăng hái ca ngợi một “Đức Giám mục uyên thâm, tài cao, học rộng” sẽ dẫn dắt đàn chiên đi đúng đường hướng “Tốt đời, đẹp đạo”.
Thế là ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp bị đặt vào thế kẹt giữa lòng dân và tình thương mến thương với chính quyền Cộng sản.
Ngài đã bước đi bằng chính sách đu dây giữa hai bên. Nhiều khi có những vấn đề thực tế ngài không thể xử lý khi mà Ý đảng luôn đi ngược, nhưng lại đã đi ngược trắng trợn với lòng dân. Chẳng hạn khi linh mục cùng với giáo dân đi cứu trợ ở Quảng Bình bị công an chặn lại ở Bến Thủy vô cớ, thì ĐGM Phaolo đã đành gọi linh mục trở lại trong nỗi bất bình của giáo dân.
Chính khi đó, chúng tôi đã thưa với ngài rằng: Thưa Đức cha, ngài sẽ phải sống với 500.000 giáo dân Giáo phận Vinh, với hàng linh mục, tu sĩ Vinh chứ không phải với chính quyền, công an cộng sản mà để mấy thằng an ninh muốn gọi, muốn nói gì với ngài vào khi nào cũng được. Tiếc rằng khi đó, ngài vẫn nghĩ rằng mình đúng và với tài cao học rộng của mình, những lời đó bị bỏ ngoài tai và thậm chí thành “thế lực không thân thiện”.
Thế rồi, đến khi vụ Mỹ Yên xảy ra, khi nhà cầm quyền Nghệ An trở mặt với giáo dân, giở những trò bẩn thỉu, bội ước, nuốt lời, bắt cóc giáo dân… thì khi đó, nhà cầm quyền Nghệ An trông đợi bước hóa giải của ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp như mọi khi.
Thế nhưng khi đó, ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp đang vướng lễ Phong chức Giám mục Phero Nguyễn Văn Viên không kịp thời giải quyết.
Chỉ cần có vậy, bài báo trên tờ Nghệ An tường thuật lễ Tấn phong Giám mục trên báo Nghệ An với những lời lẽ thân thiện chưa kịp ráo mực, thì Báo Nghệ An đã trở mặt ngay lập tức réo tên Nguyễn Thái Hợp lên mà xỉ vả, mà quy trách nhiệm, mà chửi rủa đủ mọi ngôn từ.
Dàn dư luận viên của Đảng, báo đài nhà nước ở cả trung ương lẫn địa phương đa quay ngoắt 180 độ như đã thay lưỡi để tuôn ra những lời thóa mạ và quy kết.
Và từ đó, đổ bể mối quan hệ “tốt đời, đẹp đạo” giữa hai bên.
Thế rồi, nhà cầm quyền CSVN phát động một phong trào hạ nhục và hạ bệ ĐGM Nguyễn Thái Hợp bằng mọi cách, kể cả cách bẩn thỉu nhất.
Nhưng, khi đó, lời nhắc nhở của chúng tôi khi xưa đã thành sự thật. Khi đó, ĐGM Nguyễn Thái Hợp cô đơn giữa ngay chính bạn bè mình, giữa những cây bút công giáo vốn bênh vực các ĐGM dám hy sinh. Và cơ đồ của ngài ngàn cân treo sợi tóc giữa bầy quỷ dữ.
Chính sự đoàn kết mạnh mẽ của Linh mục Đoàn GP Vinh, của giáo dân Vinh, kể cả những người giáo dân như Đông Yên, là nạn nhân của đường lối của ngài, thì ngài mới đứng vững được đến ngày hồi hưu.
Bài học đó chưa cũ.
Thế rồi, Giáo phận Vinh một lần nữa thay đổi từ khi ĐGM Phaolo Nguyễn Thái Hợp vào Hà Tĩnh để một ĐGM mới về làm Giám mục Chính tòa: ĐGM Alf. Nguyễn Hữu Long.
Và ĐGM Chính tòa mới đã rất nhanh chóng thể hiện rằng sẽ bước đi theo con đường mà đấng tiền nhiệm đã bước.
Sau những việc làm, những hành động của ĐGM Alf. Nguyễn Hữu Long vừa qua từ sau khi nhậm chức, đã bị nhiều người lên tiếng, chất vấn và kết luận.
Có thể kết luận mọi vấn đề thì còn hơi sớm trong đời một Giám mục. Bởi đường xa mới biết ngựa hay, con đường phía trước còn dài cho một Giám mục thể hiện trước đàn chiên mình là ai, đứng nơi nào trong việc coi sóc đoàn chiên của mình, thái độ của mình ra sao trước đoàn chiên đang giữa bầy lang sói để sau đó họ trả lời trước mặt Chúa về trách nhiệm của mình.
Đã nhiều ĐGM thể hiện điều này thành công và cũng không thiếu những sự thất bại để đời cho con cháu, giáo hội sau này ghi nhận. Thế nên thiết nghĩ, và hy vọng rằng ĐGM Alf. Nguyễn Hữu Long có đủ trí khôn được quan phòng, để suy nghĩ thấu đáo hơn những bước đi, những đường hướng của mình hầu để sau đây, con cháu Giáo phận Vinh còn nhắc đến ngài như một niềm tự hào trong lịch sử Giáo phận.
Hẳn nhiên, điều ai cũng biết là con cháu GP Vinh sẽ chẳng nhắc lại chuyện cái nhà to, cái sân lớn. Bởi nó sẽ bị đập đi không lâu sau đó khi xã hội tiến lên. Điều còn lại, với giáo dân, với Giáo hội, đó là tinh thần, ngọn lửa bất diệt của truyền thống Vinh trong giai đoạn này ra sao.
Nhưng, có một điều nhắc lại cũng không thừa rằng: Đừng bao giờ mất cảnh giác với bầy sói, nếu mình thật sự là một chủ chăn. Những bài học cho chó sói gửi chân vẫn còn rất mới, rất đau đớn của Giáo hội Việt Nam cho đến nay.
Riêng lịch sử Giáo phận Vinh gần đây đã chứng minh nhiều điều mà nếu đọc kỹ, mỗi người sẽ rút ra được kinh nghiệm cho mình trước khi hành động.
28.11.2023
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment