Wednesday, November 29, 2023

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ – việc xong, thong dong giũ áo qua cầu

 Song Chi-11/28/2023 


HÒA THƯỢNG TUỆ SỸ NẰM XUỐNG, ĐỂ LẠI BAO NHIÊU THƯƠNG TIẾC

Những ngày qua kể từ khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trong lúc truyền thông nhà nước gồm khoảng trên dưới 800 tờ báo và tạp chí, hơn 70 cơ quan đài phát thanh và truyền hình (chỉ trử hai trang tin Phật Giáo và Giác Ngộ, hai tờ báo Tuổi Trẻ và Một Thế Giới) đều im lặng, thì các báo đài tiếng Việt bên ngoài và trên mạng xã hội tràn ngập thông tin về sự ra đi của Hòa thượng, nhân thân, tiểu sử, những đóng góp lớn lao của Thầy trong lĩnh vực Phật học, triết học và thi ca. Điều an ủi là từ sự mất mát to lớn này, có những người chưa từng nghe đến tên Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chưa từng đọc cuốn sách nào của Hòa thượng (hay chỉ đọc được vài bài thơ), chưa từng biết đến sự tồn tại của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất – hoàn toàn độc lập, bên cạnh Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam…bỗng tò mò, ngạc nhiên tìm hiểu rồi hoàn toàn bị chinh phục bởi cuộc đời và trí tuệ, nhân cách, phẩm hạnh của con người được ca ngợi là đại bi–đại trí–đại dũng, và cùng với Thiền sư Lê Mạnh Thát-Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư-thiền sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam này.

Một điều thứ hai cũng dễ nhận thấy, so với vài nhân vật cũng nổi tiếng lẫy lừng khác của Phật giáo Việt Nam từ dưới chế độ VNCH như Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quang mà sự ra đi của họ để lại bao nhiêu dư luận, tranh cãi trái chiều, đối với Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chỉ có một sự kính trọng, ngưỡng mộ và tiếc thương. Toàn bộ cuộc đời của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ toàn tâm toàn ý trọn vẹn dâng hiến cho đạo pháp và dân tộc, để lại cho Phật giáo Việt Nam rất nhiều công trình nghiên cứu, khảo luận triết học, thơ ca, dịch thuật Phật giáo, đặc biệt là công trình dịch thuật cuối đời: 29 cuốn Kinh, Luật và Luận thuộc Thanh Văn Tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thực hiện và Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam thực hiện dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời. Cuộc đời đó hoàn toàn vô cùng thanh bạch, hoàn toàn xa lạ với danh lợi, với những lời chúc tụng của đám đông hay võng lọng phủ dụ của chế độ độc tài. Cuộc đời đó là một hình mẫu xứng đáng với những chữ như trí thức, chân tu, thiền sư…theo ý nghĩa đúng đắn nhất, cao đẹp nhất. Và cuối cũng, cuộc đời đó gắn liền với vận mệnh của Phật giáo Việt Nam trong những giai đoạn hưng thịnh phát triển sáng chói cũng như những bi kịch và giai đoạn mạt pháp hiên nay dưới chế độ độc tài toàn trị.

Cũng như rất nhiều bậc đại đức cao tăng của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, một Giáo hội không được nhà nước cộng sản Việt Nam thừa nhận và bị gạt ra ngoài lề, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ từng trải qua 2 lần tù đày: lần thứ nhất 3 năm từ 1978-1981, lần thứ hai vào tháng 9 năm 1988, ông và Lê Mạnh Thát-Thích Trí Siêu bị tuyên án tử hình vì tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. “Do sự tranh đấu tích cực của các nhân sĩ trong và ngoài nước, cùng sự can thiệp của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải vội vã giảm án hai Thầy xuống còn 20 năm khổ sai, đem giam Hòa thượng tại Xuân Lộc, Đồng Nai, sau đó chuyển riêng Hòa thượng ra trại A-20 tỉnh Phú Yên… Năm 1998, Hà Nội trả tự do cho Hòa thượng, cùng với một số người khác. Trước đó, Hòa thượng đã tuyệt thực trong tù. Vì trước khi thả, nhà cầm quyền áp lực buộc Hòa thượng ký vào lá đơn gửi ông Chủ tịch nước “xin khoan hồng”, Hòa thượng đã trả lời nội dung: “Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi.” Công an thuyết phục: không viết đơn thì không có lý do để thả được. Hòa thượng đã khẳng khái đáp: “Đó là việc của các ông; nhưng nếu các ông cứ áp lực buộc chúng tôi ký đơn, tôi sẽ tuyệt thực phản đối.” Và Hà Nội đã phải trả tự do cho Hòa thượng vào ngày 01/9/1998, sau 10 ngày” (trích tiểu sử chính thức của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ từ Hoằng Pháp, trang nhà của Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN). Sau khi ra khỏi tù, cũng như Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ còn nhiều lẩn bị quản thúc tại gia.

Nhưng cũng cần phải nói rõ thêm, thầy Thích Tuệ Sỹ không chủ ý muốn làm chính trị, như chính lời kể lại của những đệ tử thân cận, Thầy cảm thấy không thoải mái khi người ta nhắc nhiều quá đến giai đoạn khó khăn, tù đày, những lời nói bất khuất của Thầy trước cường quyền. Thầy cũng không thực sự muốn đứng ra nhận lãnh công việc lãnh đạo Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất khi Đức Đệ Ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ qua đời. Công việc mà Thầy thực sự muốn chuyên tâm thực hiện cả đời là nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy, bởi vì theo quan điểm của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, muốn cho Phật giáo Việt Nam tồn tại và phát triển dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc hoằng dương chánh pháp và truyền thừa cho thế hệ sau là những nhiệm vụ quan trọng nhất. Cuộc đời đó tự nó không hề và không cần là “huyền thoại”. Tài năng, trí tuệ, đạo đức cho đến những khổ nạn đã trải qua là thật. Và do đó hoàn toàn xa lạ với hai chữ “huyền thoại. Ngay cả những nhà sư “quốc doanh”, báo chí quốc doanh cũng không dám có một lời nào không đúng đắn về Thầy.

MỘT XÃ HỘI TỰ DO LÀ MÔI TRƯỜNG CHẤP CÁNH CHO MỌI TÀI NĂNG

Sau khi đất nước chia đôi, Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung ở miền Bắc giai đoạn 1954-1975 trầm lắng hẳn vì bị kiểm soát, khống chế, đàn áp. Ông Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ giữ vai trò trọng yếu trong Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam tham gia vào việc thống nhất Phật giáo Việt Nam, năm 1990 ông ra khỏi đảng do bất đồng chính kiến, từng viết trong thiên hồi ký “Hồ sơ thống nhất phật giáo” : “Hầu hết chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt, một báo cáo cụ, hai báo cáo cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc, Phật tử gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực, hằn sâu trong mắt họ những nét u uất thâm nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy lớn, chứ không phải thành công của tôn giáo vận.

Cán-bộ tôn giáo vận ở trung ương và các tỉnh miền Bắc văn hóa thấp kém, chính trị non nớt, nghiệp vụ chuyên môn giáo điều cũ kỹ và tổ chức bộ máy tôn giáo vận xộc xệch quê mùa. Như vậy làm sao đói ứng nổi với bộ máy hiện đại của các tôn giáo ở miền Nam. Cho nên rốt cuộc chỉ áp-dụng "chuyên-chính vô-sản". (hết trích)

Trong khi đó, nhìn lại giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam, không thể phủ nhận những thành tựu rực rỡ của báo chí, văn học nghệ thuật, triết học và Phật học. Riêng trong lĩnh vực triết học và Phật học, ở miền Nam thời bấy giờ có bao nhiêu tờ báo, tạp chí, tập san nghiên cứu Phật học. Các tuần san Hải Triều Âm, Thiện Mỹ, Đuốc Tuệ, Đại Từ Bi, các nguyện san Vạn Hạnh, Giữ Thơm, Quê Mẹ, Liên Hoa, Từ Quang, tập san nghiên cứu Tư Tường, nhật báo Chánh Đạo, Đất Tổ…Giai đoạn này, chính triết lý sâu sắc của giáo pháp nhà Phật đã thu hút hàng loạt học giả, nhà nghiên cứu, giáo sư, văn nghệ sĩ… đến với báo chí Phật giáo. Nhiều vị Hòa thượng, Đại đức, cư sĩ, học giả có trình độ học vấn uyên thâm như Hòa thượng Thích Tâm Châu, hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Trí Siêu, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, hòa thượng Thích Thiện Minh, Thích Mãn Giác, Thích Minh Châu, thiền sư Nhất Hạnh, nhà thơ, triết gia, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện, học giả Nguyễn Đăng Thục, Dương Thiệu Tống, Lê Tôn Nghiêm v.v…Rồi trường đại học Vạn Hạnh--đây là viện đại học tư thục Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam--quy tụ nhiều tinh hoa trí tuệ thuộc hàng uyên bác nhất của miền Nam với một thư viện sách đồ sộ, trong đó có nhiều bộ sách bách khoa và tự điển của nhiều ngôn ngữ, sách thuộc các lĩnh vực triết học, lịch sử, văn hóa, văn học...,cập nhật những dòng/xu hướng tư tưởng mới nhất của thời đại…Tóm lại, vô cũng phong phú, hiện đại, tự do.

Không có bầu không khí tự do đó, sẽ không có một nền Phật học sáng chói với những học giả, những bậc chân tu có trí tuệ, kiến thức, phẩm hạnh hơn người mà thầy Thích Tuệ Sỹ là một ví dụ nổi bật.

PHẬT GIÁO SAU NGÀY 30/4/1975 VÀ TƯƠNG LAI

Dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo, kiểm soát và đàn áp tôn giáo là một chính sách xuyên suốt. Nhà nước Việt Nam có muôn ngàn thủ đoạn, biện pháp để trấn áp, cô lập, chia rẽ, lũng đoạn các tôn giáo. Đối với Phật giáo, hậu quả của gần thế kỷ đàn áp đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất bị gạt ra ngoài lề, những bậc chân tu, học giả chân chính không có cơ hội để truyền thừa kiến thức chánh đạo, Phật giáo vừa bị chính trị hóa, vừa bị thương mại hóa, trở nên biến tướng, tha hóa rất nhiều. Thậm chí “kinh doanh chùa” còn là một thứ “nghề” ăn nên làm ra. Chùa được xây nhiều, có những ngôi chùa to “khủng”, tọa lạc trên những địa thế đẹp, nổi bật, kiến trúc hoành tráng mà để xây dựng cần quỹ đất rất lớn, kể cả san rừng bạt núi, người dân đi chùa đông như trẩy hội nhưng Phật giáo suy tàn, đủ thứ trò mê tín dị đoan, sư nhiều mà bậc chân tu thì vô cũng hiếm…

Chính vì vậy mà sự ra đi của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ càng để lại một khoảng trống khó bù đắp và nỗi lo âu cho vận mệnh, tương lai của Phật giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam đã tồn tại hàng ngàn năm qua bao nhiều giai đoạn khó khăn chông gai, bao nhiều trang sử đen tối, nhưng vẫn tồn tại, phát triển và gắn chặt với vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Lịch sử đảng cộng sản dù có dài trăm năm và so với hàng ngàn năm ấy thì chỉ là một quãng ngắn, rồi cũng phải kết thúc, không một chế độ độc tài nào có thể tồn tại mãi mãi.

Nhìn vào niềm thương tiếc của bao nhiều người Việt dành cho thầy, mới thấy sự thất bại của nhà nước Việt Nam trong việc tìm cách tha hóa, lũng đoạn Phật giáo, tiêu diệt những tài năng.

Thầy Tuệ Sỹ ra đi, tiếp bước bao nhiều vị cao tăng đại đức đã trọn đời tận tụy với đạo pháp, với đất nước, dân tộc, nhưng Thầy đã để lại cả một di sản lớn lao: ngoài những công trình nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật đồ sộ, Thầy đã để lại một tinh thần vô úy không sợ hãi, một hình mẫu của một bậc trí thức, bậc chân tu, thiền sư đúng nghĩa. 

Nhà thơ, dịch giả, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện từng nói về Thầy Tuệ Sỹ: "Vị Thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất của Việt Nam hiện nay. Tôi xin gọi hai vị này [Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát] là thiền sư với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí".

Còn nhà văn, nhà bình luận chính trị Trần Trung Đạo, pháp danh Thị Nghĩa thì cho rằng: "Không một bậc cao tăng thạc đức nào thật sự ra đi. Hành trạng của quý ngài vẫn in dấu sâu đậm trong lòng Dân Tộc và Đạo Pháp. Tác phẩm của các ngài viết, những lời dặn dò của các ngài sẽ còn mãi mãi….”

No comments:

Post a Comment