HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau 10 ngày miệt mài làm việc, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được ông Bùi Hiền chuyển sang “Tiếw Việt” cải tiến của mình và đã được Cục Bản Quyền Tác Giả thuộc Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch CSVN cấp bản quyền.
Theo báo Thanh Niên, ngay sau khi làn sóng tranh cãi về công trình cải tiến chữ quốc ngữ từ “Tiếq Việt” hoàn thiện thành “Tiếw Việt” thì Phó Giáo Sư – Tiến Sĩ Bùi Hiền, cựu phó hiệu trưởng Trường Đại Học Sư Phạm Ngoại Ngữ Hà Nội, cựu phó viện trưởng Viện Nội Dung & Phương Pháp Dạy Học Phổ Thông, tiếp tục thông báo về việc toàn bộ công trình “chuyển thể” tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du gồm 3,254 câu thơ lục bát của ông đã được cấp bản quyền tác giả.
Ông Bùi Hiền cho biết: “Truyện Kiều là một tác phẩm kinh điển của Việt Nam, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật. Vì vậy, tôi quyết định chọn tác phẩm này để chuyển thể với hy vọng khả năng đón nhận của bạn đọc sẽ cao hơn, đồng thời, nhằm giúp cho những người muốn nghiên cứu chữ quốc ngữ và quan tâm tới chữ cải tiến của tôi có thể tham khảo một cách dễ dàng hơn.”
Nói với báo này, ông Hiền cho biết ông bỏ ra mỗi ngày khoảng 9-10 tiếng để làm công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và chính xác này, và tự tay ông gõ ra văn bản word trên máy tính vì nếu nhờ người người khác sẽ mất nhiều thời gian hơn do không có ai thuộc chữ cải tiến cả.
Do sợ người đọc bỡ ngỡ với cách viết mới nên ông Hiền còn cẩn thận để cả phần chữ quốc ngữ đang được sử dụng và chữ “Tiếw Việt” cải tiến trong cùng một trang giấy. Sau khoảng 10 ngày, toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều đã được chuyển thành “Cuyện Kiều” với tên tác giả cũng được “dịch” thành “Wuyễn Zu,” đã được ông in ra rồi photo tặng bạn bè.
Báo này cho hay, nếu không có phần chữ quốc ngữ bên cạnh phần chuyển thể “Tiếw Việt” cải tiến của ông Hiền, thì có thể với ngay cả những người đã thuộc Truyện Kiều, vẫn không thể đọc được “Cuyện Kiều” dị dạng này.
Tuy nhiên, ông Hiền khẳng định: “Chỉ cần 10-15 phút học thuộc các chữ cái mới của 10 âm vị sau là đọc được Truyện Kiều mới: ch, tr = Cc /chờ/ ; đ = Dd /đờ/; ph = Ff /phờ/ ; c,k,q = Kk /cờ/ ; nh = NH nh /nhờ/(tạm thời); th = Qq /thờ/ ; s, x = Ss /sờ/ ; ng, ngh = Ww /ngờ/ ; kh =Xx /khờ/ ; d, gi, r = Zz /dờ/. Khi thuộc rồi, các bạn sẽ thấy đọc rất bình thường và chữ mới chỉ là quy ước mới, hoàn toàn không làm mất đi giá trị nghệ thuật của tác phẩm này.” (Tr.N)
No comments:
Post a Comment