Kami/Theo RFA- 2018-01-15
Ông Đinh La Thăng trong phiên tòa ngày ở Hà Nội. Ảnh chụp ngày 8 tháng 1 năm 2018. AP
Chúng ta thường nghe ước muốn được làm người tự do của kẻ đang sống, chứ ít nghe thấy ai mong ước bi đát "được làm ma tự do" như cựu Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh la Thăng. Bày tỏ nguyện vọng trước tòa ngày 13/1/2018, ông Đinh La Thăng đã nói rằng ông “chỉ có mong muốn cuối cùng là làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra ngoài, được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân, gia đình, bạn bè”. Đã có nhiều tờ báo nhà nước trích lời nói rằng ông Thăng “cũng mong muốn, nếu có chết thì được làm ma tự do chứ không phải ma tù”.
Có lẽ phát biểu thể hiện sự bất lực này của ông Đinh La Thăng hôm 9/1/2018, không chỉ liên quan đến việc ông Thăng đã khai trước tòa: "Chỉ định thầu là chủ trương của Bộ Chính trị và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người chỉ đạo”. Song việc hàng loạt các báo của nhà nước đồng loạt giật tít như vậy, nhưng đến chiều hôm 10/1/2018, thì tất cả các báo đều đồng loạt hạ các tít bài này xuống.
Không chỉ thế, đêm 10 Tháng Giêng, Luật Sư Nguyễn Văn Quynh, người bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh, công khai về chi tiết này trên trang Facebook cá nhân: “Chiều nay tôi xin phép Hội Đồng Xét Xử hỏi giám định viên Bộ Tài Chính đúng một câu nhưng bị đại diện Viện Kiểm Sát “nháy” giám định viên không trả lời câu hỏi. Tôi hỏi: “Giám định viên cho Hội Đồng Xét Xử biết, ngoài bản giám định kết luận hậu quả thiệt hại 119 tỷ đồng là hậu quả được tính bằng lãi suất từ “cơ hội đầu tư” ra, thì giám định viên trong quá trình giám định của mình đã kết luận doanh nghiệp nào bị thiệt hại giống như phương pháp tính thiệt hại “cơ hội đầu tư” giống như của PVN chưa? Rất tiếc, vị kiểm sát viên ngồi trước mặt nhắc giám định viên đã không trả lời tôi và giữ quyền im lặng.”
Cũng như việc Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội trong bản luận tội đã cố ý cho rằng các bị cáo phải có trách nhiệm trong việc để xảy ra chậm tiến độ của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 và làm đội vốn dự án. Theo Luật sư Nguyễn Chiến - ĐBQH khóa XIV: “Nếu suy luận như vậy, đối với nhiều dự án khác đang chậm tiến độ, đội vốn, như dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, thì liệu những người thực hiện có chịu kết cục thế này hay không?" là một những ví dụ về những bản án đã được định trước.
Những điều kể trên là hệ quả của một nền tư pháp thiếu tính độc lập, chịu sự chi phối của nhà nước độc đảng. Hơn thế nữa, trong một xã hội mà nền tư pháp bị "kim ngân phá luật lệ", khi chuyện "thằng kia nó đúng - (đút tiền nhiều) hơn mày" là phổ biến. Thì sự "oan ức" của Đinh La Thăng cũng là chuyện dễ hiểu.
Chỉ có trong các nền chính trị độc đoán mới có những chuyện bi hài như chúng ta thấy đang xảy ra ở Việt Nam trong những tháng gần đây. Nguyên nhân không có gì khác, trước hết là sự tê liệt của hệ thống kiểm soát và điều chỉnh quyền lực nhà nước ở mọi cấp độ.
Cách đây chưa lâu, những Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm không thể nghĩ rằng họ có một kết cục bi thảm như ngày hôm nay. Trước khi chưa bị lộ, các đồng chí Đinh La Thăng Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM, đồng chí Nguyễn Xuân Anh Ủy viên TW đảng - Bí thư TP Đà Nẵng, đồng chí Trịnh Xuân Thanh - phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đồng chí Phan Văn Anh Vũ - thượng tá Công an được báo chí của bộ máy này tung hô không tiếc lời và những người này đã không ngừng thăng tiến lên những vị trí đầy quyền lực.
Vậy mà đến hôm nay, những kẻ đó chỉ chớp mắt những người hùng ấy hôm qua nay đã trở thành những kẻ cắp với tội danh tham nhũng. Chỉ trong một vụ án Trịnh Xuân Thanh đã nhận bản án chung thân, còn Đinh La Thăng nghị án 14-15 năm tù cho dù đã đã thành khẩn nhận tội. Riêng Nguyễn Xuân Anh và nhiều các đồng chí chưa bị lộ thì bây giờ chuyện cũng chưa hết, chắc chắn đến nước này khi Vũ Nhôm đã bị bắt thì chẳng còn gì để mất. Chắc chắn Vũ sẽ khai sạch đã chi cho những ai, chi bao nhiêu, chi như thế nào chắc chắn Phan Văn Anh Vũ có thừa bằng chứng và tài liệu. Và không chỉ Nguyễn Xuân Anh thôi đâu, mà sẽ là hàng lô, hàng lốc những ông Trời con ở Bộ Công An và Thành phố Đà Nẵng cũng sẽ rơi mặt nạ trong vụ việc này.
Đó là hệ quả của vũng lầy chính trị ở Việt Nam, nơi mà hầu hết các quan chức ngày hôm nay vẫn cao giọng đạo đức để răn dạy công chúng, nhưng thực chất tất cả bọn họ cũng chẳng sạch sẽ gì hơn Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh...
Khi mà ở đó ý chí của người đứng đầu bộ máy đảng đứng trên cả luật pháp, một khi những người này họ muốn thì tay chân của họ trong bộ máy nhà nước sẽ thực hiện bằng mọi giá. Việc giới chức Việt Nam sau khi đề nghị Chính phủ CHLB Đức không được, đã bất chấp luật pháp cho lật tung nước Đức để bắt cóc bằng được nghi can Trịnh Xuân Thanh về nước là một ví dụ. Song nó chưa bi hài bằng chuyện hành vi của Trịnh Xuân Thanh đã "tự nguyện" bỏ vợ bỏ con về nước đầu thú nhưng không được xem xét để giảm nhẹ tội. Mà lại (bit.ly/2COADKw) bị đề nghị tình tiết tăng nặng vì... không thành khẩn khai báo (!?).
Sau nữa cũng bởi cái thứ pháp quyền Xã hội Chủ Nghĩa mà đảng CSVN đang sử dụng để cai trị ở Việt Nam, khi mà Tổng BT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, ngày 28/09/2013 từng lớn tiếng khẳng định "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng". Nghĩa là ý đảng là trên hết, đảng đã muốn là đảng phải được.
Song nguy hiểm nhất là họ đã quên cái chất lượng của đảng CSVN, một đảng chính trị duy nhất có vai trò lãnh đạo đất nước, được Tiến sỹ Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã từng cảnh báo rằng, “Các tổ chức của đảng là tập hợp những củ khoai tây trong cái bao tải. Cắt cái dây một cái là nó bung ra mỗi củ khoai tây lăn một góc... Lợi ích phường hội, bè cánh trong Đảng là những u bướu ác tính, hay nói cách khác, là những cục nghẽn mạch, nếu không kịp thời chữa trị thì Đảng sẽ bị đột quỵ”. (bit.ly/2AkmSAj). Và điều dự báo của ông Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cách đây chưa lâu, hôm nay đã trở thành hiện thực.
Nói thế để thấy, nêu như hệ thống kiểm soát và điều chỉnh quyền lực nhà nước ở mọi cấp được coi trọng. Đảng CSVN và nhà nước biết tôn trọng luật pháp vốn là nền tảng của việc cai trị thì chắc chắn không có chuyện những cán bộ lãnh đạo mới hôm qua được tung hô như một vị anh hùng, một điểm sáng hay một nhân tố mới thì chỉ qua một đêm đã bị xộ khám với tội danh ăn cắp.
Một khi vấn đề đạo đức xã hội không dựa trên một chuẩn mực cụ thể của luật pháp, mà tùy hứng dựa theo ý chí của lãnh đạo cao nhất thì việc "sáng đúng, chiều sai và ngày mai lại đúng" để phong anh hùng cho những tên kẻ cắp là điều dễ hiểu. Chuyện cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng được ca ngợi là tấm gương chống tham nhũng, người từng được Tổng Bí thư điều ra trung ương chịu trách nhiệm về việc chống tham nhũng là một ví dụ. Khi những lùm xùm ở Đà Nẵng được bạch hóa thì người ta mới biết Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh là kẻ cầm đầu và tạo dựng ra đế chế tham nhũng tại thành phố lớn nhất miền Trung. Vậy mà trước đây ông Nguyễn Bá Thanh từng lớn tiếng rao giảng về chuyện chống tham nhũng, thậm chí là chuyện đạo đức
Ông Đinh La Thăng và đồng bọn có tội là chuyện không phải bàn cãi, nhưng các tội danh bị truy tố phải được xem xét đầy đủ trên cơ sở của luật pháp, chứ không thể xét xử theo lối những bản án đã được định sẵn theo chỉ đạo như chúng ta đang thấy. Điều đáng ngạc nhiên là, dẫu như vậy song ông Đinh La Thăng vẫn nói với luật sư của mình là vẫn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự công tâm, xem xét của cơ quan điều tra, viện kiểm sát luận tội.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment