SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hôm 14 Tháng Giêng, báo Tuổi Trẻ cho hay Cục Thuế của thành phố Sài Gòn đang đặt mục tiêu thu 1,000 tỷ đồng ($44.3 triệu) mỗi ngày vì họ được giao chỉ tiêu năm 2018 phải thu 268,780 tỷ đồng ($11.9 tỷ), tăng 12.5% so với số thu thực tế của năm 2017.
Tờ báo nói trong năm 2017, Cục Thuế Sài Gòn “hoàn thành dự toán trong tình cảnh hết sức khó khăn”, thu được 238,888 tỷ đồng ($10.5 tỷ) và “chỉ vượt 6.7 tỷ đồng ($296,810) so với dự toán.”
Tuổi Trẻ viết: “Để đạt được kế hoạch trên, Cục Trưởng Cục Thuế Sài Gòn Trần Ngọc Tâm cho biết ngay từ đầu năm 2018, cơ quan thuế phải tập trung cao độ để thực hiện bên cạnh việc đẩy mạnh chống thất thu. Cụ thể, Cục Thuế sẽ phối hợp với Sở Y Tế Sài Gòn quản lý hoạt động kê khai thuế của các nhà thuốc, phối hợp với Sở Tư Pháp quản lý thuế văn phòng công chứng, phối hợp với cơ quan hải quan, quản lý thị trường thực hiện chống thất thu qua chuyển nhượng giá, giao dịch đáng ngờ… Ngoài ra việc quản lý các khoản thu từ đất và mua bán bất động sản cũng được ngành thuế đặc biệt coi trọng.”
Trong một diễn biến khác, hôm 4 Tháng Giêng, truyền thông Việt Nam đưa tin Tòa Án Nhân Dân thành phố Sài Gòn đã quyết định không thụ lý vụ kiện của Hãng Uber B.V của Hòa Lan nhắm vào Cục Thuế Sài Gòn. Theo báo điện tử Dân Trí, tòa giải thích nguyên do là đơn vị được ủy quyền (Uber Việt Nam) “chưa chứng minh đủ tư cách pháp lý.”
Trước đó, Cục Thuế Sài Gòn yêu cầu 5 ngân hàng thương mại cổ phần (VietcomBank, EximBank, SacomBank, ACB, Vietinbank) cưỡng chế tài khoản của hãng Uber từ ngày 1 Tháng Giêng, 2018 đến 10 Tháng Giêng, 2018. Trong thời gian này, tiền mà khách hàng trả cho Uber B.V chuyển vào tài khoản cơ quan thuế thay vì chuyển ra nước ngoài cho đến khi Cục Thuế Sài Gòn thu đủ khoản nợ 53.3 tỷ đồng ($2.35 triệu), theo báo Tuổi Trẻ.
Việc lãnh đạo Cục Thuế Sài Gòn công khai chuyện họ bị “khoán doanh thu” hàng trăm ngàn tỷ đồng mỗi năm và năm sau cao hơn năm trước, lý giải vì sao thời gian qua, cơ quan thuế ráo riết đẩy mạnh việc thu thuế của những người bán hàng qua mạng xã hội.
Hồi Tháng Mười Hai, 2017, các báo Việt Nam đưa tin Cục Thuế Sài Gòn “truy thu 9.1 tỷ đồng ($403,130)” của một cá nhân “kinh doanh mỹ phẩm thương hiệu T. (viết tắt) qua mạng” từ việc đối chiếu thu nhập kê khai và thu nhập thực tế của người này “chênh nhau đến hơn 400 tỷ đồng ($17.7 triệu).” Công luận và mạng xã hội dấy lên ngờ vực quanh những con số được cơ quan thuế công bố, vì không tin một cá nhân có khả năng kiếm được doanh thu bán hàng qua Facebook cả trăm tỷ đồng – điều mà các công ty, cửa hàng bán lẻ phải ao ước. Nhất là khi danh tính của cá nhân “kinh doanh mỹ phẩm qua mạng” không được nêu rõ.
Ông Huỳnh Thế Du, giám đốc đào tạo Chương Trình Giảng Dạy Kinh Tế Fulbright, bình luận về tin Cục Thuế Sài Gòn phải “chạy theo chỉ tiêu” trên trang Facebook cá nhân: “Địa phương và trung ương chơi chiêu với nhau. Trung ương hứa thưởng cho địa phương khi thu vượt kế hoạch, nhưng lại giao kế hoạch rất cao để khó có thể vượt. Địa phương thu không đạt kế hoạch để nói rằng tôi kiệt sức rồi và trung ương cũng khó đạt kế hoạch và ảnh hưởng đến các kế hoạch chi tiêu chung. Với cơ chế hiện tại, chưa kể các vấn đề tiêu cực hay ẩn đằng sau, nguồn lực (nhân sự và tiền bạc) đang tiêu tốn rất nhiều cho các công việc giữa trung ương và các địa phương. Muốn tinh giản và làm bộ máy trở nên hiệu quả hơn thì đây là một không gian rất lớn.” (T.K.)
No comments:
Post a Comment