Tuesday, November 20, 2018

Vì sao Việt Nam không đặc xá tội lật đổ chính quyền?

RFA-2018-11-19  
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài (đứng thứ hai bên trái) cùng 5 nhà đấu tranh dân chủ khác bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền tại phiên tòa 5/4/2018.
 Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài (đứng thứ hai bên trái) cùng 5 nhà đấu tranh dân chủ khác bị cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền tại phiên tòa 5/4/2018.AFP
Với kết quả biểu quyết hơn 92%, Quốc hội Việt Nam vừa thông qua  Luật đặc xá sửa đổi và có hiệu lực vào 1/7/2019.
Dư luận xôn xao cho rằng, họ đồng tình với việc không đặc xá cho các tội phản bội tổ quốc, gián điệp, khủng bố…
Tuy nhiên đối với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, giới hoạt động nhân quyền cho rằng quy định không đặc xá nhằm củng cố vị trí độc tôn của Đảng.
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang chia sẻ với chúng tôi: “Họ thiết chế lên một cái luật để chủ yếu họ muốn giữ vị trí độc tôn của họ trong cai trị, những điều mà họ cho rằng ảnh hưởng đến ngai vàng của họ thì họ đưa vào những điều luật rất là khắc nghiệt, tội phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền chống nhà nước. Bây giờ đưa thêm các tội đó vào luật đặc xá thì cho thấy việc hà khắc nó không có gì thay đổi cả.”
Nhà báo Trương Duy Nhất, người đã từng phải ngồi tù 2 năm với cáo buộc lợi dụng các quyền tự do dân chủ, chia sẻ với chúng tôi, luật đặc xá này hoàn toàn không phải mới mẻ bởi vì nó là những điều luật lâu nay trong chính sách nhà nước rồi.
 Từ xưa đến nay thì nhóm tội phạm trong các vụ án về an ninh quốc gia thì chưa bao giờ nhóm đó được nhà nước quy định trong nhóm được đặc xá cả. Đặc xá chỉ được áp dụng cho những thường phạm những án kinh tế, hình sự, còn án an ninh là chưa bao giờ có. 
- Trương Duy Nhất
“Từ xưa đến nay thì nhóm tội phạm trong các vụ án về an ninh quốc gia thì chưa bao giờ nhóm đó được nhà nước quy định trong nhóm được đặc xá cả. Đặc xá chỉ được áp dụng cho những thường phạm những án kinh tế, hình sự, còn án an ninh là chưa bao giờ có. Vào trong đó mà án an ninh anh nhận tội không thuộc diện các vụ án lớn, những vụ án nhỏ mà anh nhận tội thì quá trình đó người ta có xét giảm, nếu phấn đấu tốt thì hàng quý, hàng tháng, hàng năm người ta xét giảm thời gian thi hành án chứ còn đặc xá thì lâu nay không có trường hợp đặc xá cho án an ninh quốc gia. Vì vậy luật này thông qua để duy trì chứ không có gì mới mẻ cả.”
Anh Lã Việt Dũng thành viên của nhóm No-U từ Hà Nội – một nhóm hoạt động dân sự - cho chúng tôi biết, quy định này đối với các nhà nước độc tài thì chuyện này rất bình thường nhưng vấn đề quan trọng không phải là đặc xá mà là khi bị kết tội, cơ quan chức năng dựa trên cơ sở bằng chứng pháp lý nào để kết tội họ.
“Bởi vì tuyên truyền lật đổ thì những người bị xử đều rất là mơ hồ, họ không có bằng chứng rõ ràng và những người bị đưa ra xét xử họ cũng không có được tòa công bằng. Bằng chứng mà lưu trữ tài liệu phát tán chống phá chế độ thì ranh giới rất là mơ hồ giữa tự do ngôn luận hay chống phá chế độ. Thật ra đối với một người mà lên tiếng phản đối chế độ thì nó rất là bình thường. Ông Hồ Chí Minh cũng từng nói dân có quyền đuổi chính phủ nếu chính phủ yếu kém như vậy bây giờ khi người ta hoạt động, người ta lên tiếng nói ôn hòa người ta không có vũ trang không có bạo lực gì cả, người ta chỉ nói những ý kiến cho rằng đảng lãnh đạo không tốt họ cần phải thay thế nhưng ĐCS cho rằng đó là lật đổ thì là một chuyện rất là buồn cười.”
Việt Nam từ lâu nay vẫn bị quốc tế chỉ trích là sử dụng những điều luật an ninh mù mờ trong bộ luật hình sự để kết án tù những người bất đồng chính kiến. Những điều luật thường được Hà Nội sử dụng nhiều nhất là tội hoạt động lật đổ chính quyền và tội tuyên truyền chống phá nhà nước là những tội không được đặc xá trong Luật Đặc xá sửa đổi lần này.
Theo quy định của Luật Đặc xá sửa đổi, Chủ tịch nước có quyền quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của quốc gia. Tuy nhiên, luật sửa đổi có bổ sung quyền xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của nhà nước.
Các nhà quan sát chính trị cho rằng, quy định này là chuyện khôi hài và khẳng định rằng quy định này thật chất để hợp pháp hóa việc mặc cả buôn bán như lời của anh Lã Việt Dũng.
 Họ đã lường trước được là các tù nhân lương tâm được cộng đồng thế giới quan tâm và yêu cầu phóng thích, về bản chất họ không hề có tội thì họ sẽ dùng những điều luật như vậy để họ mặc cả với người ta.
- Lã Việt Dũng
“Họ đã lường trước được là các tù nhân lương tâm được cộng đồng thế giới quan tâm và yêu cầu phóng thích, về bản chất họ không hề có tội thì họ sẽ dùng những điều luật như vậy để họ mặc cả với người ta, họ đưa người ta ra nước ngoài, họ ân xá người ta. Thì họ dùng cái luật mà chủ tịch nước có quyền để họ hợp pháp hóa việc mặc cả buôn bán đó.”
Còn theo giải thích của nhà báo Trương Duy Nhất, trường hợp án an ninh quốc gia không phải là đặc xá mà sẽ làm tạm ngưng thi hành án để cho ra nước ngoài, người ta dùng từ vì chính sách nhân đạo nhưng thật ra đó là trục xuất ra nước ngoài để giải quyết các vấn đề ngoại giao.
“Không có trường hợp đặc xá cho án an ninh quốc gia nên người ta mới thòng thêm câu đó vào để giải quyết chính sách đối ngoại như trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức vừa rồi, theo những thông tin từ anh Thức và gia đình anh Thức thông báo, thì phía công an luôn luôn gợi ý là anh nhận tội đi để có thể được đặc xá nhưng theo cái nghĩa là tống khứ ra nước ngoài chứ không thể ở trong nước được. Đặc xá là anh phải trả người ta về với cuộc sống tự do bình thường ở bên ngoài chứ không phải trục xuất khỏi tổ quốc được.”
Hồi giữa tháng trước, Việt Nam đã trả tự do cho một blogger nổi tiếng là blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong một trao đổi với phía Hoa Kỳ. Trước đó, Hà Nội cũng đã đồng ý trả tự do cho một nhà hoạt động nhân quyền khác là luật sư Nguyễn Văn Đài trong một trao đổi khác với phía Đức. Những vụ trao đổi tù nhân lương tâm này thường bị quốc tế lên án và coi đây là những mặc cả mà Hà Nội thường làm với các nước phương Tây để đổi lấy những món lợi về thương mại, kinh tế.

No comments:

Post a Comment