Diễm Thi, RFA-2018-11-19
Hình ảnh sạt lở đất tại Nha Trang hôm 18/11/2018.AP
Cơn mưa lớn kéo dài từ ngày 17/11 đến sáng 18/11 gây ngập lụt và sạt lở nhiều nơi ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khiến ít nhất 17 người chết và mất tích tính đến chiều tối ngày 19/11, theo số liệu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa. Đây được coi là trận sạt lở đất lịch sử với nhiều thiệt hại về người và của đáng nói nhất từ trước đến nay ở thành phố Nha Trang.
Nạn nhân là ai?
Những hình ảnh được lan truyền trên mạng trong những ngày qua cho thấy dòng nước cuồn cuộn chảy ở ngay trong phố của thành phố biển Nha Trang. Một hình ảnh có lẽ là chưa từng có từ trước tới nay với nhiều người dân ở đây.
Nhà báo Võ Văn Tạo, một người sống ở Nha Trang gần 40 năm qua cho RFA biết:
“Năm 2010 Nha Trang cũng đã có những trận lượng mưa 300mm nhưng nó kéo dài khoảng 12 tiếng. Trận hôm qua chỉ có 6 tiếng mà lên tới 320mm rồi. Rất hy hữu, hiếm có.”
Anh Thứ, một người dân sinh trưởng và lớn lên ở Nha Trang nói với RFA rằng mấy năm trước cũng xảy thiên tai nhưng số người chết chỉ khoảng một hoặc hai người. Đợt này không ai nghĩ rằng số người chết lại nhiều như vậy.
Anh cho biết dọc triền núi có những người dân dựng nhà dựa vào vách núi ở, khi đất chuồi xuống thì chắc chắn là không chạy kịp. Họ cũng biết là nguy hiểm nhưng vì đất đai ở thành phố quá mắc nên họ không thể mua nổi:
Lượng mưa lớn nên gây ngập lụt những đường phố khu trung tâm. Trường hợp những người chết là do họ sống ở trên núi, mưa lâu thì đất bị sạt lở, sập nhà. - Anh Thứ
“Lượng mưa lớn nên gây ngập lụt những đường phố khu trung tâm. Trường hợp những người chết là do họ sống ở trên núi, mưa lâu thì đất bị sạt lở, sập nhà. Dân số Nha Trang ngày càng đông nên lượng dân cư mới không mua được nhà đất ở khu trung tâm nên họ di chuyển ra bên ngoài hay những nơi vùng núi để ở mà người dân nơi đây gọi là xóm Núi.”
Chiều 18/11, ngay sau trận mưa lũ gây hậu quả nặng nề với hàng chục người chết và bị thương, Ủy ban Nhân dân thành phố Nha Trang đã tổ chức họp khẩn. Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch TP Nha Trang nói rằng toàn bộ hộ dân ở xóm Núi đã được cấp đất tại khu tái định cư Hòn Rớ, xã Phước Đồng, nhưng những hộ dân trên không chịu xây nhà, mà bán đất được tái định cư rồi lên khu vực xóm Núi cất nhà trái phép.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết phần đông nạn nhân là những người rất nghèo từ nơi khác đến cũng có, là nạn nhân bị giải tỏa nhà cũng có:
Hầu hết những nạn nhân là người nghèo di cư vào Nha Trang những năm trước đây ở ở những vùng hẻo lánh. Nhưng cũng có những trường hợp ở khu tái định cư như ngư dân ở ven sông Cái ở trung tâm thành phố Nha Trang, ngay cầu Trần Phú. Khi nhà nước lấy làm dự án thì di dân đi đến những khu tái định cư bên ngoài thành phố, phía trên khu tái định cư đó có một cái đập nước nhân tạo để chứa nước mưa cho dân sử dụng sinh hoạt. Vì mưa lớn nên vỡ đập và nước tràn xuống như thác lũ.
Theo truyền thông trong nước, trong những nạn nhân tử vong vào chiều 18/11 có gia đình của một giáo viên sống tại khu tái định cư ngay dưới chân núi Hòn Xện thuộc phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang.
Sau cơn mưa lớn, hồ nước trên núi bị vỡ kéo theo đất, đá vùi lấp 10 ngôi nhà dưới chân núi chỉ trong vài phút.
Truyền thông trong nước trích lời ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch phường Vĩnh Hòa, cho biết hồ bị vỡ là hồ bơi thuộc dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú Nha Trang. Liên tục 10 ngày qua, chủ đầu tư cho máy đào núi để làm hồ chứa nước. Hơn nữa, hồ nằm ngay trên nhà dân nhưng không có biện pháp an toàn, khi vỡ dân chạy không kịp. Nếu hồ vỡ ban đêm thì số người chết còn cao hơn rất nhiều.
Nhân tai
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tổn thất lớn tại Nha Trang vừa qua được cho là do tốc độ đô thị hóa nhanh ở thành phố.
Tuổi Trẻ online dẫn lời ông Đặng Văn Dũng - giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố này như tốc độ đô thị hóa nhanh, khả năng thoát nước hạn chế.
Trao đổi về vấn đề này với RFA, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường - nói rằng trên truyền hình quốc gia (VTV) cũng đưa ra một nguyên nhân gây ra ngập lụt ở Nha Trang là do một dự án xây dựng nhà ở chung cư đã gây ra một tác động nào đó. Ông cho rằng điều này là khả tín:
“Truyền hình Việt Nam đưa ra như vậy thì tôi cũng cứ tin rằng nguyên nhân chủ yếu là do dự án đó, và chắc chắn cái dự án đó có thể có tác động tới nguồn có thể gây ngập lụt, hoặc nó che chắn cái nguồn thoát lũ, thoát nước mưa khi có mưa nhiều từ áp thấp nhiệt đới vừa qua.”
Ông cho biết để khảo sát chi tiết thì ông cũng có thể làm, nhưng cho đến hiện nay thì ông cũng không có một nguồn dữ liệu nào khác ngoài nguồn từ VTV đưa ra. Ông nói thêm:
“Tôi tư duy thì tôi cho rằng nguồn tin này hợp lý bởi vì tình trạng gây ngập lụt tại một số xóm nghèo ở các đô thị thì thường là do các dự án được phê duyệt, nhưng tính toán của việc quy hoạch thì chưa tính được một cách triệt để các tác động khi mà có thiên tai xảy ra.”
Theo tôi đánh giá đó là nhân tai chứ không phải thiên tai. - Nhà báo Võ Văn Tạo
Trước Nha Trang, nhiều vụ lũ lụt, sạt lở đất đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên…. Đã có những bài viết của các chuyên gia cảnh báo về thảm họa này do việc san nền bừa bãi, lấp sông hồ, để phát triển đô thị.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính từ đầu năm đến nay, thiên tai ở Việt Nam đã làm 198 người chết và mất tích, 141 người khác bị thương.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo, hậu quả ở Nha Trang vừa rồi không chỉ do thiên tai:
“Nhà nước lấy lại khu cửa sông cái, ngay cầu Trần Phú là trung tâm Nha Trang để làm dự án rồi di dân tới tái định cư nguy hiểm là không nên. Theo tôi đánh giá đó là nhân tai chứ không phải thiên tai.”
No comments:
Post a Comment