04/06/2018 - 19:23 — VietTuSaiGon
Sởi dĩ tôi phải nhắc đến hai từ “công cộng” để rồi bàn về “công cuộc” bởi vì ở hầu hết các quốc gia dân chủ cũng như phi dân chủ trên thế giới này, có những thứ, những tiêu chí không thể bỏ qua khi xét về công cuộc chung của quốc gia đó. Trong đó, đáng nói nhất vẫn là công cuộc xây dựng đất nước thông qua ý thức hệ, giáo dục, giao thông, y tế, kinh tế, cơ sở hạ tầng… Và, cả cái chợ! Nghĩa là tất cả các đối tượng có tính công cộng sẽ phát biểu cho công cuộc xây dựng quốc gia.
Bước vào cái chợ, cho dù cái chợ nhỏ ở ngã ba đầu làng, nhìn qua các mặt hàng và sức mua, chủng loại bán ở cái chợ đó, người ta sẽ dễ dàng đoán khả năng kinh tế của khu làng phía sau cái chợ. Bước vào chợ thị trấn, chợ huyện, người ta cũng thông qua sức mua và chủng loại hàng hóa của cái chợ đó để đoán ra sức mạnh kinh tế của thị trấn, huyện đó.
Bước vào bệnh viện, mà phải là bệnh viện công kia mới thấy hết, người ta sẽ đoán ra được mức độ chăm sóc y tế của chính phủ, nhà nước dành cho quốc dân. Một chính phủ tốt không thể kéo theo một bộ y tế tầm thường, nhặng xị và không bao giờ chấp nhận tình trạng bệnh nhân nằm la liệt, nạn buôn thuốc giả, buôn lậu thuốc và tham nhũng y cụ, tham nhũng thuốc men, tham nhũng xây dựng cơ sở y tế…
Bước vào trường học, người ta không thể nói rằng quốc gia này có một môi trường giáo dục lành mạnh nếu như học sinh không biết tôn trọng thầy cô giáo, nói năng bổ bả, thậm chí gây bạo lực, vô lễ với thầy cô và ngược lại, thầy cô không có đủ liêm khiết và mẫu mực của nhà giáo… Thậm chí, ông bộ trưởng giáo dục giống kẻ hoạn lợn hơn là người đứng đầu ngành quan trọng, ngành trồng người.
Bước ra đường, tham gia giao thông, người ta không thể tin hoặc cố ma mị mình rằng đang đi trong một quốc gia tốt nếu như hình ảnh cảnh sát giao thông xấu xí bởi nạn mãi lộ, xe cộ bang ngang bang dọc, nhất là những chiếc xe buýt, phương tiện giao thông công cộng cứ ỷ vào cái “quyền công cộng” của mình mà nhấn ga, thích dừng, đỗ đâu cũng được…
Còn hàng trăm thứ tiêu chí và tín hiệu khác để nhận biết một quốc gia có tầm văn hóa hay không và chiến lược phát triển quốc gia đó ra sao. Hay nói cách khác là nhìn vào cái công cộng để nhận biết công cuộc kiến thiết, xây dựng quốc gia. Rất tiếc là tại Việt Nam hiện nay, nhìn vào mọi thứ công cộng đều cho thấy đất nước vẫn còn thấp kém, lạc hậu đến độ không thể tưởng tượng được.
Các ông, các bà lãnh đạo, đầu ngành thì cũng giữ quan điểm vật chất, nghĩa là nhìn vào cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trại… để nhận biết đất nước phát triển hay không và khẳng định mình “chưa có bao giờ được như hôm nay”, “chưa có bao giờ rực rỡ như ngày nay…”. Nhưng rất tiếc, vấn đề phát triển khác xa với trương nở và các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hay Cộng sản Trung Quốc đã trượt dài trong ý nghĩa trương nở mà cứ nhầm mình phát triển.
Tiêu chuẩn phát triển luôn là tiêu chuẩn tỉ lệ thuận, bất kì yếu tố tỉ lệ nghịch nào xuất hiện đều làm giảm thang số phát triển và một khi chỉ số tỉ lệ nghịch quá cao thì không thể gọi là phát triển được, có khi xếp vào nhóm lạc hậu.
Tiêu chuẩn phát triển ở đây được hiểu theo hai nghĩa: Tính công bằng xã hội và; Tính cân bằng văn hóa – kinh tế. Nghĩa là một đất nước, nếu tính GDP hằng năm cho dù có cao cỡ nào mà chỉ đổ dồn cho một nhóm lợi ích, còn đại bộ phận nhân dân khác lầm than, khó khăn thì đất nước đó vẫn cứ là quốc gia lạc hậu, man di mọi rợ. Hoặc là kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng tốt nhưng tinh thần, văn hóa xuống cấp, phân rã thì đất nước đó đang tụt hậu trầm trọng.
Thường thì các quốc gia có GDP cao đổ dồn cho lợi ích nhóm và đại bộ phận nhân dân chịu thiệt, chịu khổ, chịu lạc hậu thì kéo theo tình trạng văn hóa xuống cấp, đạo đức băng hoại, các yếu tố công cộng bị vằm nát như tương. Việt Nam cũng là trường hợp điển hình trong vấn đề này.
Nợ công cao chất ngất, tiềm lực kinh tế gần như khủng hoảng và bế tắc, xã hội loạn lạc, tình cảm con người bị giảm thiểu đến mức tối đa, xã hội ngày càng trở nên đen đúa và trầm cảm văn hóa… Tất cả các dấu hiệu này đều cho thấy đất nước đang đứng trước tình trạng mục ruỗng và mọi thứ rất khó níu kéo. Tôi xin nhấn mạnh, vấn đề cần níu kéo ở đây là sự phát triển đích thực chứ không phải thứ ảo giác vay mượn và hàm chứa sự mập mờ.
Nếu đứng trên góc độ đạo đức học, xã hội học hay mỹ học để so sánh, tìm ra giềng mối cân bằng với kinh tế thì có vẻ như Việt Nam hiện nay hoàn toàn bế tắc, không có đường lui.
Cái đường lui mà tôi muốn nhắc tới ở đây chính là vượt qua các cơn ốp đồng tập thể về “rực rỡ”, “bay bổng”, “sống mãi trong sự nghiệp”, “vĩ đại”, “quang vinh muôn năm”… Tất cả những kiểu hành động của trạng thái vĩ cuồng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và có vẻ như nó đang bước thêm một bậc mới manh động hơn trong hành xử của nhà nước và đảng cầm quyền. Điều này cho thấy đạo đức đã bị đánh tráo bởi các xảo ngôn chế độ cũng như những hoang tưởng còn sót lại đang trương nở ở xứ sở châu Á nhiệt đới gió mùa này.
Và một khi mọi thứ giá trị (gồm cả ảo và thật) chỉ xoay quanh trục vật chất, vật dục mà các yếu tố về tinh thần ngày càng nặng nề, băng hoại thì đây chỉ là trạng thái trương nở về vật dục chứ không phải là trạng thái phát triển.
Sự trương nở này biểu hiện thông qua sự lộn xộn, rối rắm xã hội nhưng lại mang màu sắc và ảo giác về giá trị vật chất tăng đột biến. Như giá đất tăng đột biến tại Việt Nam cũng là một biểu hiện. Nó chỉ mang lại hệ lụy phân rã tình cảm gia đình bởi yếu tố tinh thần đã bị đánh cắp quá lâu trong cái nôi vật dục Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Và cái giá phải trả cho vấn đề này là không hề nhỏ, nếu không muốn nói là trầm trọng, thậm chí có thể dẫn tới nạn diệt vọng. Tình trạng diệt vong trong tương lai của một dân tộc trương nở mà không có phát triển cũng giống như cái chết sau một bữa no. Bởi nó đi từ chết đói sang chết no nhưng lại không có khả năng ớn và cũng không có khả năng ngừng nhồi nhét thức ăn vào bụng. Thật là đáng sợ nếu như thực thể tử vong tiên phong theo kiểu này là đảng Cộng sản! Bởi nguy cơ lây nhiễm của nó không hề nhỏ chút nào!
No comments:
Post a Comment