Monday, April 9, 2018

Toà ơi là toà! Xử ơi là xử!

Nguyễn Xuân Nghĩa (Danlambao) - Phiên tòa tại Hà Nội ngày 5/4/2018 xử 6 thành viên Hội AEDC là sự báng bổ vào tận mặt các dự khán người Việt và các quan chức ngoại giao quốc tế, trong đó có các quốc gia lớn và quan trọng đối với VN như Mỹ, Úc và liên minh châu Âu.

1. Không gian, hình thức tổ chức phiên tòa.

Phiên tòa, phải gọi là đại hình (khung hình phạt lên đến chung thân, tử hình) được tiến hành trong căn phòng chỉ rộng 30 m2, lèo tèo vài dãy ghế băng không tựa, chứa những khoảng 60 người, gồm công tố viên, bồi thẩm đoàn, thư ký, 5 luật sư, 6 bị cáo, khoảng 15 cảnh sát và vài chục người dự khán. Tất cả phải ngồi sít sịt kế nhau như cá ép đông. Nếu trên mặt mấy cái bàn ngắn, hẹp cũn cỡn không có bảng chữ; "Thẩm phán", "luật sư", "thư ký", "bị cáo" thì không ai phân định được đâu là thẩm phán, luật sư, bị cáo... Cách bày biện hổ lốn sơ sài trong phiên tòa thiếu hẳn sự tôn nghiêm pháp quốc và không hề nhắc nhở thượng tôn pháp luật cho người dự khán. Phiên tòa chẳng khác cái chợ phố huyện về chiều, cá đã ươn, rau đã héo, không phân biệt nổi ai bán, ai mua, ai là kẻ cắp.

2. Nội dung của phiên tòa.

Phiên tòa là đại hình với 6 bị cáo, 5 luật sư của bị cáo, một bị cáo tự bào chữa, dự kiến xử trong 2 ngày (2 ngày cũng không đủ cho các thủ tục mở tòa, đọc cáo trạng, xét hỏi bị cáo, xét hỏi người làm chứng, trưng bày và phân tích vật chứng, tranh tụng giữa luật sư và VKS, tự bào chữa và nói lời cuối cùng của bị cáo, hội thẩm án và tuyên án) nhưng đã diễn ra tính theo thời gian chỉ là 10 giờ (trong đó có 3 h đã vào chiều tối, điện đóm lờ mờ, là thời gian làm việc ngoài ngoài quy định của pháp luật) phiên tòa giống như một hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thời bao cấp, các công chức của hành pháp bị biến thành thợ thủ công, ông chủ nhiệm bắt làm thêm giờ để hoàn thành chỉ tiêu sản phẩm. 

Phiên tòa không có vật chứng. Các file âm thanh bị bên truy tố ghi lén đã không phải là vật chứng đúng nghĩa, lại không được mở để hai bên cùng nghe, phân tích, tranh tụng, giám định lại tại tòa. Cơ quan giám định là một cơ quan nằm bên ngoài hệ thống tư pháp. Thêm nữa 5 thành viên của nó có những 3 thành viên nghiệp dư và cả 5 đều không có mặt tại tòa để khỏi phải lập cứ, chứng minh nó thật sự là vật chứng.

Phiên tòa không có đơn thư tố cáo, người tố cáo; người làm chứng, công dân hoặc tổ chức bị hại, giám định thương tật (mức độ bị hại)... Tất cả các chứng cứ đều trên không gian ảo internet; đã không nhìn thấy, lại không nghe thấy vì các file âm thanh không được mở để các bên tranh tụng cùng nghe. Tất cả các căn cứ để tuyên án đều dựa vào các lời khai của bị cáo, mà các lời khai đều phủ nhận tội danh của cáo trạng; luật sư cũng phủ nhận tội danh của cáo trạng. Vậy mà tòa vẫn tuyên được án; mà là án đại hình.

Quan trọng bậc nhất của một phiên tòa là phần tranh tụng giữa một bên là người đại diện cho quyền lợi của bị cáo và bên kia là bên buộc tội bị cáo.

Phiên tòa ngày 5/4 tại tòa án Hà Nội hầu như không có tranh tụng đúng nghĩa. Nó vừa không có không gian trang trọng để kích thích tranh tụng, vừa không có thời gian đủ cho tranh tụng giữa hai bên; Nhiều chi tiết, nhiều câu hỏi của bên đại diện cho bị cáo nhằm mục đích làm rõ bản chất vụ án không được bên buộc tội trả lời, trốn tránh trả lời. Và rồi luật sư của bên bị cáo cũng phải bỏ qua (vì nhiều nguyên nhân ?), chỉ đưa ra câu chất vấn một lần, không nhắc được lại lần 2, không 'truy cùng giệt tận" bên buộc tội. 

Phiên tòa không bố trí thiết bị âm thanh để hỗ trợ dự khán. Hình như tòa không muốn cho "chúng mày" nghe, chỉ "chúng tao" nghe là đủ.

Còn ở bên ngoài thì dư luận đều biết- những người quan tâm đến phiên tòa đều bị công an gác cửa ngăn chặn dự tòa, những người thoát được khỏi tư gia đều bị công an đón bắt giữa đường, đem về giam giữ tại nhiều đồn công an trong thành phố, mãi đến khi phiên tòa kết thúc mới được trả tự do. 
Rất nhiều dữ liệu cho thấy phiên tòa xử 6 nhà dân chủ ngày 5/4/2018 tại tòa án thành phố Hà Nội là sự bỉ mặt nền tư pháp Việt Nam, cũng là sự bỉ mặt người dự khán Việt Nam, bỉ mặt quan sát viên quốc tế và nền tư pháp quốc tế mà Việt Nam (nói) đang hòa nhập.

Cảnh trong tòa.

Bữa trưa vỉa hè của vợ con các bị cáo


No comments:

Post a Comment