VOA Tiếng Việt/09/04/2018
Ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương ĐCSVN, tại một hội nghị
Đảng viên nghỉ hưu, đang ốm nặng hoặc thậm chí đã qua đời vẫn có thể bị kiểm tra, kỷ luật, tùy mức độ vi phạm, theo bản hướng dẫn mới đây về việc thi hành một quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam về xử lý, kỷ luật đảng viên.
Bản hướng dẫn do ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, ký ngày 22/3 và được báo chí trong nước công bố hồi cuối tuần đầu tiên của tháng Tư.
Văn bản mới này cụ thể hóa một số điều nêu trong quy định số 102 được Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 11/2017.
Điều 1 của Quy định 102 xác định rằng nếu sau khi đảng viên chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, họ mới bị phát hiện từng có vi phạm, việc xem xét kỷ luật vẫn được tiến hành. “Nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật”, điều này nêu rõ.
Bản hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra nay viết cụ thể hơn rằng “tổ chức đảng cấp trên trực tiếp” của tổ chức đảng tại nơi người vi phạm từng làm việc sẽ xem xét, xử lý kỷ luật.
Đối với đảng viên vi phạm bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức, bản hướng dẫn viết tổ chức đảng có thẩm quyền có thể quyết định cảnh cáo hoặc cách chức “một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong đảng đối với đảng viên đó”.
Ở mức độ thấp hơn, theo bản hướng dẫn, nếu đảng viên bị khiển trách hoặc cảnh cáo, và tổ chức đảng có thẩm quyền xét thấy người đó “không còn đủ uy tín”, tổ chức đảng có quyền quyết định cho miễn nhiệm hoặc đề nghị cho thôi giữ chức vụ đối với người đó.
Cụ thể hóa điều 2 của Quy định 102 về không "xử lý nội bộ” đảng viên vi phạm, bản hướng dẫn viết rõ rằng trong trường hợp đảng viên đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật, tổ chức đảng “không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra cụ thể hóa hơn, khẳng định hơn là không có vùng cấm, hoặc là nghỉ rồi là hạ cánh an toàn. Rõ ràng đó là răn đe đối với những kẻ sai phạm, có những việc làm sai trái, tham ôÔng Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm VPQH
Bản hướng dẫn đưa ra yêu cầu chi tiết rằng “cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ”.
Cách đây khoảng một năm, khi chưa có bản hướng dẫn về kỷ luật đảng viên, đã có một loạt trường hợp cựu quan chức bị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật theo hình thức xóa tư cách nguyên bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh. Đó là các ông Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự, Nguyễn Thái Lai, Bùi Cách Tuyến, do họ có những vi phạm lớn khi còn giữ chức ở các bộ Công thương, Tài nguyên-Môi trường, và tỉnh Hà Tĩnh.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đánh giá với VOA rằng bản hướng dẫn là một bước tích cực trong việc chống sai phạm, tham nhũng ở Việt Nam.
Ông nói thêm:
“Hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra cụ thể hóa hơn, khẳng định hơn là không có vùng cấm, hoặc là nghỉ rồi là hạ cánh an toàn. Rõ ràng đó là răn đe đối với những kẻ sai phạm, có những việc làm sai trái, tham ô, hủ hóa, người ta gọi là những người tay đã nhúng chàm”.
Bản hướng dẫn cũng có phần làm rõ về các trường hợp chưa xem xét kỷ luật hoặc không áp dụng việc kỷ luật.
Sau khi một đảng viên qua đời mới bị phát hiện người đó từng có vi phạm, cơ quan đảng sẽ không tiến hành kiểm tra nữa. Nếu việc kiểm tra hoặc xem xét biện pháp kỷ luật đang diễn ra mà đảng viên vi phạm qua đời, cơ quan đảng chỉ đưa ra kết luận và không thi hành kỷ luật, theo bản hướng dẫn.
Tôi cho rằng cái đó cũng hơi đáng suy nghĩ một chút. Theo Bộ luật Hình sự, những người đã chết rồi, luật quy định là người ta đình chỉ vụ án, người ta không xét xử.Luật sư Trần Quốc Thuận
Tuy nhiên, nếu là “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”, kể cả khi đảng viên đã qua đời, đảng vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật, bản hướng dẫn nêu rõ. Luật sư Thuận có ý kiến về điều này:
“Tôi cho rằng cái đó cũng hơi đáng suy nghĩ một chút. Theo Bộ luật Hình sự, những người đã chết rồi, luật quy định là người ta đình chỉ vụ án, người ta không xét xử. Ví dụ như có những vụ án tham ô thế này thế kia nhưng mà [đối với] những người đã chết rồi thì trong luật quy định là đình chỉ chứ không tiếp tục điều tra”.
Đánh giá chung về cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo hiện nay, ông Thuận nói cuộc chiến “đang có những kết quả đáng kể” và “không thể dừng được”.
Vụ bắt và truy tố gây chấn động nhất từ trước đến nay trong cuộc chiến này là trường hợp ông Đinh La Thăng, một cựu ủy viên Bộ Chính trị nhiều quyền lực, vì ông này đã có sai phạm từ thời còn đứng đầu một tập đoàn nhà nước lớn.
Mới đây, tin tức thu hút sự chú ý không kém là hai tướng công an, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh, đã bị bắt vì có nghi ngờ các ông này liên quan đến một đường dây đánh bạc. Ngành công an từ trước đến nay vẫn được xem là “một thành trì khó bị đụng tới”.
Với kiến thức về hệ thống chính quyền Việt Nam, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nhận định với VOA rằng cùng với việc chống tham nhũng, lạm quyền, cần có sự “sắp xếp lại bộ máy, tổ chức lại nhân sự”, nhất là ở những khâu chủ chốt. Việc làm này sẽ còn mang đến những kết quả tốt hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng, theo ông Thuận.
No comments:
Post a Comment