Theo BBC-17 tháng 1 2018
Một luật sư nói với BBC rằng giới luật sư có những ý kiến "khác nhau" về phiên xử Đinh La Thăng vì một số người "khó nắm bắt vấn đề nếu không trực tiếp tham gia phiên tòa."
Hôm 17/1, ông Đinh La Thăng và các bị cáo "chủ chốt" trong vụ tham ô, cố ý làm trái xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nói lời cuối cùng về "gia cảnh" của họ trước khi tòa nghị án.
Ông Đinh La Thăng đang đối mặt với bản án 14-15 năm tù về tội "Cố ý làm trái...", ông Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị tù chung thân về hai tội "Tham ô" và "Cố ý làm trái…"
'Quan điểm chủ quan'
Hôm 17/1, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, trưởng Văn phòng luật mang tên ông, nói: "Một phiên tòa lớn thế này thì chắc chắc luôn có những ý kiến khác nhau của giới làm nghề luật xoay quanh khía cạnh pháp lý."
"Tuy vậy, tôi cho rằng giới luật sư không chia rẽ gì lắm đâu. Vì những người không trực tiếp tham gia phiên tòa thì khó nắm bắt vấn đề và những luận cứ được đưa ra."
"Thông tin bên ngoài tòa đôi lúc không được chuẩn xác như người bên trong biết."
"Ở Việt Nam chưa có nhiều án lệ, nhất là án lệ về tội "Cố ý làm trái..." nên tùy theo đánh giá của mỗi luật sư sẽ nêu quan điểm của họ về phiên tòa."
Đề cập về yếu tố chính trị có chi phối phiên tòa xử ông Thăng, Luật sư Khả Thành nói: "Người ta nói rằng, ở quốc gia nào cũng vậy, trong những vụ xử thế này bao giờ cũng có quan điểm chủ quan, chứ không hoàn toàn tuân theo pháp luật."
"Tùy theo tình hình nên có thể đánh giá mức độ đó khác đi, chứ khó áp dụng pháp luật 100%"
"Tôi thấy rằng thường đưa những vị lãnh đạo cao cấp ra xử thì cũng là hình thức răn đe, vì hồi nào đến giờ chưa có."
"Ở góc độ luật sư, tôi nghĩ rằng các luật sư bào chữa cho ông Thăng, ông Thanh thì họ cũng cố gắng đem hết khả năng lý luận, trình bày luận cứ giúp cho thân chủ."
"Nhưng rồi quyết định thế nào thì tùy vào Hội đồng Xét xử, họ có nghe hay không còn tùy vào chủ quan của họ."
Bình luận về những lời cuối của ông Thăng và ông Thanh về gia cảnh và xin lỗi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước tòa hôm 17/1, luật sư Khả Thành nói: "Thông thường, các bị cáo chọn cách đó, xúc động rồi khóc luôn. Chỉ có một số người rất bản lĩnh thì mới không như thế thôi."
Bình luận trên Facebook
Trong lúc phiên xử diễn ra, nhiều luật sư đã lên Facebook nêu quan điểm của họ về vụ án.
Luật sư Lê Văn Thiệp, bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh, cập nhật tin tức và trực tiếp bình luận trên Facebook của ông.
Bênh vực thân chủ Trịnh Xuân Thanh, ông Thiệp viết: "Tôi hay ai tiếp xúc với anh Thanh cũng thấy anh là người hào sảng, quân tử, sòng phẳng, đàng hoàng..... và cũng chân thật...."
Một người khác, luật sư Trần Vũ Hải, cũng dùng Facebook để nói rằng ông Đinh La Thăng "không có tội".
Nhưng luật sư Trần Đình Triển lại viết ông Đinh La Thăng là "ăn tàn, phá hoại".
Còn một người Nhật sống ở Việt Nam và viết tiếng Việt, Hirota Fushihara, đăng một số bài phân tích luật pháp để biện hộ rằng ông Đinh La Thăng "vô tội".
Ông Fushihara nói: "Cơ quan điều tra và VKS, nếu họ biết pháp luật, không nên đưa những những chủ trương thiếu cơ sở pháp lý và không liên quan đến pháp luật vào lao lý."
No comments:
Post a Comment