Wednesday, January 17, 2018

Thời mạt nghệ

 
“…Còn nhà báo lớn ở Việt Nam, nghĩa là phải biết làm chính trị. Phải biết nuôi dưỡng quan hệ, chọn đúng phe, trở cờ đúng lúc. Nhưng nói chung việc ấy ngoài tầm của tất cả các phóng viên trẻ - kể cả đứa nuôi mộng làm nghề lẫn đứa nuôi mộng làm giàu…”
doantrang04
Năm xưa khi xa Việt Nam (ngày này 5 năm về trước), một trong những điều tôi nhớ nhất là… tòa soạn và những ngày tháng bên cạnh đồng nghiệp báo Pháp luật TP.HCM. Mà một trong những điều tôi nhớ nhất ở tòa soạn là những buổi chiều trên căn gác nhỏ đó và tiếng gõ bàn phím lách cách của mọi người.

Ít ai biết rằng tiếng bàn phím đã trở thành một thứ âm thanh ám ảnh tôi từ những ngày đầu đi làm báo. Có những chiều tôi trùm chăn nằm ngủ dưới gầm bàn, trên ghế, bạn đồng nghiệp vẫn lặng lẽ, lách cách gõ máy. Liên tục tiếng “chát, chát” của phím space bar, xen với tiếng rì rầm nhẩm lại bài. Đôi khi tôi như nhìn thấy đôi lông mày của bạn chau lại, nhíu nhíu khi tìm cách diễn đạt một ý nào đó. Đôi khi tôi cảm thấy cả tiếng thở dài của một bạn nào đó, khi mà “tin còi quá, bài chán quá, chẳng có gì viết”.
Ít ai biết rằng những khi ấy, dù nhắm mắt lơ mơ ngủ, trong đầu tôi vẫn thoáng có ý nghĩ: “Không lẽ chúng ta sẽ sống thế này mãi sao?”.
Thử hình dung bạn là một phóng viên trẻ mới tốt nghiệp ngành báo chí. Bạn đã “thoát ly” gia đình và quê nhà từ thời sinh viên thì bây giờ bạn lại càng phải cố để bám trụ lại Hà Nội và Sài Gòn, không về tỉnh. Bạn sẽ ở nơi thành phố lớn đó, thuê lấy căn phòng trọ con con mà để “ở được” cũng phải 2-3 triệu đồng/tháng. Bạn gom góp nhuận bút từng cái tin còi, bài còi, và không quên… gom phong bì mỗi lần hội thảo, hội nghị, công ty nọ tổ chức sự kiện kia.
Trưa, bạn vạ vật cơm hàng cháo chợ. Chập tối, nếu là đàn ông con trai, bạn thường đi nhậu. Nhậu lè phè suốt từ 5-6h chiều đến 11-12h đêm. Bạn ngậm hột thị, cắm mặt vào ly bia, hoặc nếu có mở miệng thì cũng toàn lè nhè những chuyện cũ rích ấy, những “ưu thời mẫn thế” mà người bình thường “không hiểu được đâu”.
Khuya, bạn ngà ngà về nhà, ngủ. Sáng lại dậy lên tòa soạn điểm danh, hop giao ban, rồi liên hệ phỏng vấn làm cái tin còi, bài còi, đi nhặt phong bì sự kiện. Trưa, lại cơm hàng cháo chợ…
toa_soan_bao_danang01
Bãi đất trước kia là toà soạn báo Đà Nẵng, hình chụp sáng 13/01/2018.
Ảnh: Trung Bảo
toa_soan_bao_danang02
Bạn sẽ sống như thế đến bao giờ? Khi nào thì bạn lấy vợ/chồng, đẻ con, nuôi con học trường quốc tế cho bằng bạn bằng bè? Khi nào thì bạn hết kiếp ở nhà thuê, có một căn hộ riêng để khỏi chịu cái cảnh cứ vài tuần là con mụ chủ nhà lại gườm gườm “thay đổi thái độ” (thật ra mụ ấy thay đổi suốt ấy mà, quân đồng bóng!).
* * *
Cuộc sống và sự nghiệp của một nhà báo Việt Nam điển hình là như thế đấy, nếu họ không năng động.
Không năng động, nghĩa là không biết cách tạo sự kiện; không biết xào nấu một vụ thành nhiều tin bài, bán cho nhiều báo; không biết cách chèo kéo quảng cáo của doanh nghiệp; không biết vặn cổ doanh nghiệp xin ủng hộ; không biết tận dụng quan hệ để mua lấy vài suất đất rẻ; không biết làm PR cho tổ chức, công ty, mà nhất là không biết làm PR cho cán bộ, quan chức.
Còn nhà báo lớn ở Việt Nam, nghĩa là phải biết làm chính trị. Phải biết nuôi dưỡng quan hệ, chọn đúng phe, trở cờ đúng lúc. Nhưng nói chung việc ấy ngoài tầm của tất cả các phóng viên trẻ - kể cả đứa nuôi mộng làm nghề lẫn đứa nuôi mộng làm giàu.
Đến cái thời mà nhuận bút trả cho những tin còi được tính theo đơn vị “nghìn đồng” (10.000-20.000 đồng/tin), và tiêu chí chấm nhuận bút là “lượng view trên trang điện tử”, thì tôi hiểu rằng nghề báo ở Việt Nam mạt thật rồi.
Bảo sao các phóng viên không điên cuồng giật tít “bố chồng dính con dâu trong nhà tắm”? Bảo sao họ không lên đồng cùng những “bí thư Thăng”, “Đoàn Ngọc Hải”, bởi mỗi “bước chân anh xuống phố”, “mỗi lời anh thốt ra”, là một lần hứa hẹn lượng view, lượng like tăng tới con số hàng nghìn? Đâu dễ kiếm ra những nhân vật báo chí hot đến từng sợi lông chân như thế?
Chính xác, trung thực, công bằng, tôn trọng quyền con người… tất cả những chuẩn mực ấy của nghề báo đều trở thành nhảm nhí trong cái gọi là nền “truyền thông” thời mạt ngày nay.
Còn tự do báo chí ư? Lố bịch. Nhà báo Việt Nam cần đ. gì cái của nợ ấy?
Tự nhiên tôi nhớ đến âm thanh lách cách của tiếng gõ bàn phím ngày nào.
Nhưng tôi cũng chẳng buồn khóc.
Đoan Trang

No comments:

Post a Comment