HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo điện tử InfoNet của Bộ Thông Tin-Truyền Thông cho hay, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các Tổ Chức Tín Dụng được Quốc Hội thông qua đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15 Tháng Giêng, 2018.
Tờ báo viết: “Luật cho phép phá sản ‘tổ chức tín dụng’ [ngân hàng] thuộc diện ‘kiểm soát đặc biệt’ tại Điều 152. Ngân Hàng Nhà Nước trình chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày chính phủ quyết định chủ trương phá sản ngân hàng, ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với ngân hàng, cơ quan Bảo Hiểm Tiền Gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản trình Ngân Hàng Nhà Nước xem xét.”
Các ngân hàng thuộc diện “kiểm soát đặc biệt” được mô tả là rơi vào các trường hợp: “Mất/có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất/có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước; Số lỗ lũy kế của ngân hàng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; Hai năm liên tục bị xếp hạng yếu kém theo quy định của Ngân Hàng Nhà Nước; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại luật này trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục.”
Luật nêu trên cũng được ghi nhận “không có quy định về mua bắt buộc một ngân hàng với giá zero đồng” như trường hợp một số ngân hàng rơi vào tình cảnh này trong thời gian qua.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu được báo Zing dẫn lời: “Luật Các Tổ Chức Tín Dụng sẽ đưa ra nhiều cơ chế kiểm soát, hỗ trợ các ngân hàng trong diện bị kiểm soát sớm phục hồi và bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền. Trong quá khứ một số đơn vị ngừng hoạt động do lệnh của Ngân Hàng Nhà Nước do gặp những vấn đề trong điều hành, vốn chủ sở hữu không đảm bảo, hoạt động không hiệu quả nhưng chưa từng có ngân hàng nào bị tuyên bố phá sản cả. Tôi muốn trấn an mọi người rằng, việc phá sản ngân hàng sẽ không xảy ra ngày một ngày hai. Muốn thực hiện phương án phá sản, Ngân Hàng Nhà Nước trước hết sẽ phải đưa một ngân hàng vào diện ‘kiểm soát đặc biệt’ rồi từ đó áp dụng những phương án cơ cấu lại như đã trình bày ở trên trước khi yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản.”
Tuy vậy, không phải ai cũng “lạc quan và suy nghĩ tích cực” như vị chuyên gia này. Hồi Tháng Mười Một năm 2017, một bản tin trên báo Tuổi Trẻ gây lo ngại cho những người đang gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng ở Việt Nam.
Bản tin viết: “Luật Các Tổ Chức Tín Dụng sau khi sửa đổi đã được thông qua, nhưng việc nâng hạn mức bồi thường tiền gửi quá 75 triệu đồng [$3,307] vẫn phải tùy thuộc vào tình hình nguồn lực nhà nước theo từng thời kỳ và theo mức độ tác động của từng trường hợp phá sản cụ thể. Do vậy, nội dung này không quy định trong luật.”
Tờ báo cũng dẫn lời ông Trần Quang Chiểu, ủy viên thường trực Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách của quốc hội: “Khi phá sản ngân hàng, việc quy định mở là nhà nước sẽ chi trả cho người gửi tiền theo thực lực của nền kinh tế sau khi Bảo Hiểm Tiền Gửi đã bồi thường để bồi thường là phù hợp, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền. Lý do là việc ấn định mức bồi thường tối đa 75 triệu đồng như hiện nay thì người gửi 100 triệu đồng [$4,410] cũng [gặp rủi ro mất tiền] giống như người gửi 1 tỷ đồng [$44,100], như thế là không công bằng.”
Tuy vậy, đến nay, chưa thấy tờ báo “lề phải” nào dẫn ý kiến chuyên gia tài chính làm rõ khái niệm “tùy tình hình để bồi thường khi một ngân hàng bị phá sản” để những người gửi tiền tiết kiệm bớt thấp thỏm. (T.K.)
No comments:
Post a Comment