Nhà báo Mạc Việt Hồng Gửi bài từ Warsaw, Ba Lan
Theo BBC-16 tháng 1 2018
Sự kiện nổi bật nhất đầu năm Việt Nam có lẽ là phiên xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm thuộc Tập đoàn Dầu Khí và...phần họ khóc.
Vụ án gây chú ý không chỉ bởi con số hàng ngàn tỉ thất thoát, mà còn vì đây là lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam bị đem ra xét xử.
Về phía Trịnh Xuân Thanh, những lùm xùm xung quanh nghi vấn 'bắt cóc' khiến không chỉ dư luận trong nước mà quốc tế, nhất là nước Đức cũng để tâm theo dõi.
Hai 'nhân vật chính' hiện được Viện Kiểm sát đề nghị mức án 14-15 năm tù và chung thân.
Khác với các vụ án xử những người bất đồng chính kiến, phiên tòa được báo chí trong nước tường thuật khá chi tiết, đầy đủ.
Bên cạnh dàn luật sư hùng hậu, các bị cáo cũng có thời gian tương đối dài rộng để tự bào chữa.
Ông Thăng nhiều lần khóc
Theo tờ Tuổi Trẻ, trong phần tự bào chữa dài hơn một tiếng rưỡi, ông Đinh La Thăng đã nhiều lần khóc.
Ông kể phải dậy từ 5 giờ sáng để ra tòa trong tiết trời lạnh; rằng ông có hai con gái, một cháu phát triển không bình thường cần có sự chăm sóc của bố mẹ; về người cha già yếu gần 90 tuổi và bản thân ông cũng bệnh tật, phải uống thuốc từ nhiều năm nay.
Ông Thăng cũng trích lời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rồi ví ông Trọng với cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và qua đó mong muốn sẽ nhận được bản án nhân văn để có thể về chết bên người thân, được là 'ma tự do' không phải làm ma trong tù.
Bị cáo Thăng cũng xót xa vì chắc sẽ không có cơ hội về được về đưa tiễn cha mình, khi ông ấy qua đời.
Ngay sau đó, đến lượt Trịnh Xuân Thanh khóc than về thân phận sẽ làm 'con ma tù' của mình và xin lỗi các lãnh đạo tập đoàn Dầu Khí.
Hai người đàn ông nước mắt lã chã ở tòa khiến nhiều người so sánh với hình ảnh trái ngược của hai người phụ nữ kiên cường mặc dù bị tuyên án hết sức nặng nề.
Phiên tòa của hai chị diễn ra cách đó chỉ có vài tháng.
Hai người mẹ nuôi con nhỏ
Người thứ nhất là blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người mẹ đơn thân đang nuôi hai con nhỏ. Chị đã trải qua cả hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm với bản án 10 năm tù giam.
Người thứ hai là nhà hoạt động Trần Thị Nga - người mẹ của hai bé trai 7 tuổi và 4 tuổi - với bản án 9 năm tù giam.
Khác với hai ông Thăng và Thanh, hai người phụ nữ này hoàn toàn đơn độc trước tòa, người thân không được phép vào dự, luật sư bào chữa hầu như bị vô hiệu hóa.
Họ hầu toà trong vòng vây dầy đặc của những người mặc sắc phục, sau nhiều ngày bị biệt giam và không nhận được bất kỳ một tin tức gì từ gia đình.
Mặc dù hoàn cảnh riêng tư éo le và bị khủng bố tinh thần trong quá trình giam giữ cũng như xét xử, nhưng người ta không nhìn thấy dù chỉ một giọt nước, một giây yếu lòng hay một lời than vãn, xin xỏ nào từ hai người phụ nữ.
Báo chí và bộ máy truyền thông khổng lồ của nhà nước Việt Nam đã không có được bất kỳ một cơ hội nào, dù nhỏ nhất để hạ uy tín của các bị cáo, dù đó chính là điều mà những người làm tuyên truyền mong muốn.
Chính nghĩa đổi ngôi?
Nói cho công bằng, ông Thăng và Thanh không phải là những đấng nam nhi hy hữu đã khóc ở tòa án. Trước đó không lâu, cựu giám đốc công ty dược phẩm Pharma trong vụ 'thuốc chữa ung thư giả' cũng đã nức nở ngay sau khi nghe tuyên án.
Vụ OceanBank diễn ra hồi tháng 9/2017, những đại gia ngành Ngân Hàng một thời 'ngồi trên tiền' cũng mếu máo vì người có mẹ ung thư, người có con đang nằm viện...
Lịch sử Việt Nam từng ghi nhận nhiều người tù cộng sản bất khuất thời tiền cách mạng, hay ở xà lim Côn Đảo trong giai đoạn trước năm 1975. Nhiều người chết trong tù, có những tử tù ra pháp trường vẫn hiên ngang, dám làm dám chịu, sống chết vì lý tưởng.
Những hình ảnh như vậy ở người cộng sản không còn nữa, kể từ khi họ nắm quyền. Không ít ông 'quan cách mạng' ngày nay trở thành những nhà tư bản khệnh khạng, tận dụng mọi cơ hội để vơ vét, sa đà trong ăn chơi, hưởng lạc, phung phí tài nguyên quốc gia.
Nhiều người 'thét ra lửa' khi đương chức, nhưng lại 'nhũn như chi chi' trước vành móng ngựa.
Sự run rẩy của 'các đồng chí bị lộ' trước tòa đã xóa nhòa đi hình ảnh của cha ông họ trước kia, những người mà sự dũng cảm của họ đã góp phần làm nên thắng lợi.
Nhưng chính nghĩa trong một xã hội luôn tồn tại.
Như một định luật, nó dường như chỉ chuyển từ lực lượng này sang lực lượng khác, từ tay nhóm người này qua tay những người khác.
Nó nằm đâu đó, trong lời tuyên bố dõng dạc của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh rằng, nếu làm lại từ đầu, chị vẫn chọn con đường mà mình đã đi.
Nó ánh lên trên gương mặt sáng ngời của cô gái trẻ Phương Uyên khi cô khảng khái khẳng định, chỉ chống đảng cộng sản, không chống lại đất nước, dân tộc.
Nó nằm trong bản án dài 16 năm tù của doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức, khi ông chấp nhận không chịu lùi bất kỳ một phân nào để đổi lấy tự do.
Và còn rất nhiều những tù nhân lương tâm khác nữa.
Họ cũng có mẹ già, con dại; nhiều người đã không được nhìn mặt người thân của mình lần cuối vào phút lâm chung.
Hình ảnh kiên trung, bất khuất, sự hy sinh vì lý tưởng của họ chính là điều mà dân tộc Việt Nam đang thiếu hụt.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, chủ biên tạp chí Đàn Chim Việt Online tại Warsaw, Ba Lan.
No comments:
Post a Comment