HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Công nhân đã viết tâm thư gửi chủ tịch thành phố Hà Nội kể về nỗi khổ từ năm 2016 đến nay do bị chậm lương, nhưng công việc phải làm nhiều hơn trước.
Bà Nguyễn Thị Kim Thành, công nhân Xí Nghiệp Đầu Tư Phát Triển Thủy Lợi Đan Hoài, thuộc Công Ty Đầu Tư Phát Triển Thủy Lợi Sông Đáy, cho biết do lương bị nợ, bà phải thức đến 11-12 giờ khuya để làm thêm nghề may vẫn không đủ tiền sinh hoạt cho gia đình.
Trung bình mỗi tháng, bà Thành phải đi vay khoảng 5 triệu đồng (khoảng $220) để chi trả các khoản sinh hoạt, lúc đầu vay của người thân, nay phải vay “tiền nóng” bên ngoài. Người nhà khuyên nghỉ việc, nhưng bà cho rằng “đã gắn bó với nghề gần 27 năm nên cứ lần lữa không đành.”
“Tôi mong được trả lương để bảo đảm cuộc sống. Cứ vay mãi thế này rồi không biết ra sao,” bà Thành vừa nói, vừa bặm môi để không bật ra tiếng khóc khi kể với báo VNExpress.
Cùng cảnh ngộ, ông Cao Văn Tân cho biết công việc của người làm thủy lợi “nắng chống hạn, mưa chống úng, không phụ thuộc vào ngày nghỉ hay đêm tối.” Cũng như bà Thành, để có thêm thu nhập, vào ngày nghỉ, ông Tân đi đào đường thuê cho các đơn vị thi công hạ ngầm cáp viễn thông.
Theo ông Tân, một số lao động trẻ sau những tháng ngày dài chờ lương đã bỏ việc. Ông và một số đồng nghiệp do yêu công việc nhiều năm gắn bó và “cũng không có chỗ để đi” nên vẫn bám trụ đợi chờ thay đổi.
“Đêm Giáng Sinh vừa rồi, tôi đăng trên trang cá nhân rằng trên truyền hình có chương trình Điều Ước Thứ Bảy. Người lao động chúng tôi chỉ ước được trả số tiền lương chính đáng đúng với công sức bỏ ra và mong những người lãnh đạo biết 3,700 lao động ngành thủy lợi Hà Nội đang bi đát,” ông Phạm Xuân Chinh, công nhân xí nghiệp Đan Hoài, người trực tiếp viết tâm thư gửi chủ tịch thành phố Hà Nội, kể về nỗi khổ của người lao động ngành thủy lợi khi từ năm 2016 đến nay, nói.
Ông Trần Anh Tuấn, trưởng Phòng Quản Lý Nước và Công Trình, Công Ty Đầu Tư Phát Triển Thủy Lợi Sông Đáy, cho biết tình trạng chậm lương diễn ra từ cuối năm 2015 đến nay với số lao động lên đến hàng ngàn. “Tết Dương Lịch người lao động không có đồng nào. Nếu tình hình tiếp tục như hiện nay, khả năng công ty phải đi vay ngân hàng để chi trước,” ông nói.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hội, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công Ty Đầu Tư Phát Triển Thủy Lợi Sông Nhuệ, cho hay số lao động của công ty trên 1,000 người. Do những vướng mắc về chính sách chưa được tháo gỡ nên hằng tháng công ty chỉ đủ kinh phí ứng lương cho mỗi người 2 triệu đồng (khoảng $88) để “cầm hơi.”
Ông Trần Thanh Nhã, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Hà Nội, thừa nhận cả năm doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội đang chậm lương người lao động. “Nguyên nhân là thành phố mời kiểm toán vào kiểm tra, phát hiện các công ty có một số chi phí chưa phù hợp, phải điều chỉnh, trong đó có chi trả lương,” ông nói. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment