HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Liên quan đến dự án Sân Bay Long Thành đang gây tranh cãi về sự khả thi và mức độ tốn kém lên đến cả tỷ đô la, một “Đại Biểu Quốc Hội” CSVN, ông Trương Trọng Nghĩa được báo Người Lao Động hôm 29 Tháng Mười dẫn lời: “Phải chọn lựa những cán bộ có đạo đức tốt, có chuyên môn cao để chỉ đạo và thực hiện dự án (Sân Bay Long Thành).”
Ông Nghĩa cũng nói: “Tuyệt đối không để xảy ra các hành vi lợi dụng, lạm dụng để trục lợi bất chính khi triển khai Sân Bay Quốc Tế Long Thành.”
Ông Nghĩa đề cập đến chuyện “cán bộ tốt” trong bối cảnh công luận đang xôn xao về phát ngôn của Tướng Lê Chiêm, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, được một số báo đăng tải nói “Cán bộ ta mua đất ở Long Thanh hết rồi.”
Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng ông Phạm Bá Tùng, con trai của Phó Giám Đốc Sở Giáo Dục Đào Tạo Phạm Ngọc Thanh ở Sài Gòn làm chủ gần 1,000 ha đất ở huyện Long Thành, trong đó có lô đất 500 ha ở xã Suối Trầu (xã nằm trong quy hoạch sân bay Long Thành).
Báo Thanh Niên hôm 28 Tháng Mười dẫn lời ông Trương Văn Phương, trưởng Phòng Tài Nguyên – Môi Trường huyện Long Thành, nói: “Đất nằm trong vùng dự án sân bay Long Thành (5,000 ha) được chính quyền quản lý rất chặt, không cho mua bán, chuyển nhượng nên việc một cá nhân làm chủ 100 ha đất là điều không thể. Qua kiểm tra dữ liệu quản lý đất đai, chúng tôi không phát hiện trường hợp nào như thế. Còn nếu hai bên mua bán theo hình thức ủy quyền, thỏa thuận với nhau thì cơ quan quản lý nhà nước không nắm được vì họ chỉ cần ra văn phòng công chứng hoặc đến luật sư làm giấy tờ.”
Ông cũng nói thêm: “Khi chính phủ xây dựng sân bay, ai cũng tranh thủ muốn mình có quyền lợi trong đây. Nhưng có cán bộ trong đó không thì chúng tôi chưa xác định được.”
Nhà báo Mai Bá Kiếm, cựu phóng viên báo Phụ Nữ, viết: “Cám ơn tướng Lê Chiêm đã ngửa bài: ‘Cán bộ ta đã mua hết đất dự án sân bay Long Thành!’ Nhưng theo chỗ tôi biết, cán bộ ta mua đất thông qua các ‘pháp nhân bất động sản:’ Sonadezi, Tín Nghĩa, Dic Corp, Khang Điền, Đình Thuận, Dona Corp… Vậy thì, Quốc Hội sáng tạo của bà Kim Ngân hãy để cho cán bộ ta ‘kết cỏ ngậm vành và viễn du tiên cảnh’ ở vùng đất đã mua hết đó, bằng cách không thông qua ‘Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng Không Quốc Tế Long Thành!’ Lý do, ngân sách không thể bố trí 18,000 tỷ đồng ($792 triệu) để giải tỏa đền bù, mà dù ngân sách có đủ chi cho giải tỏa thì không thể có vốn đầu tư $18 tỷ để xây sân bay Long Thành! Vì từ Tháng Bảy năm 2017, WB, IMF không cấp vốn ODA ưu đãi cho Việt Nam nữa (năm 2018 ADB cũng không cấp vốn ODA cho Việt Nam). Mà $18 tỷ thì không thể kêu gọi ‘doanh nghiệp thuộc nhóm lợi ích trong nước’ đầu tư theo dạng BOT. Xin can Quốc Hội và chính phủ hãy quay về đầu tư mở thêm nhà ga ở Tân Sơn Nhất trước khi quá muộn.”
Luật Sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội bình luận: “Thực ra cần nói, cán bộ đổ xô đi mua đất Long Thành, điển hình một ông cục phó Bộ Tài Nguyên – Môi Trường tận Hà nội (mới đây) đã khai cầm mấy trăm triệu (đồng) đi mua đất Long Thành nhưng không may mất trộm. Nếu thực sự có tình trạng này, việc giải phóng mặt bằng sẽ khá phức tạp, kéo dài, đội giá. Cá nhân tôi đã khẳng định 5 năm nữa vẫn loay hoay giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành. Đáng tiếc tân Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải (Nguyễn Văn Thể) chưa nhìn thấy thực tiễn này. Hãy tìm lựa chọn phương án ‘cặp đôi sân bay Tân Sơn Nhất – Biên Hòa’ thay thế cho phương án Sân Bay Long Thành. Phương án Tân Sơn Nhất – Biên Hòa sẽ chỉ cần khoảng $2.5 tỷ và có công suất 100 triệu khách hàng/năm chỉ sau 3 năm triển khai cải tạo, mở rộng. Còn phương án Sân Bay Long Thanh để 15-20 năm hẵng tính, vì hiện thời huy động hàng chục tỷ đô la rất khó khả thi và nếu xây 10 năm nữa vẫn chưa xong, nếu cứ nhìn hai công trình xây mới đường sắt nội đô Sài Gòn và Hà Nội để so sánh, gần 10 năm sau khi khởi công vẫn chưa vận hành được.”
Báo Tuổi Trẻ hôm 28 Tháng Mười cho hay, cần 23,000 tỷ đồng (tức khoảng $1 tỷ) để di dời 16,000 dân trong khu vực định xây Sân Bay Long Thành. Tờ báo dẫn lời Đại Biểu Quốc Hội Phạm Minh Chính, trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương nói việc này “không phải là bài toán quá khó bởi nếu cả nước tiết kiệm chi 1% thì mỗi năm sẽ được 10,000 tỷ đồng ($ 440 triệu).” (T.K.)
No comments:
Post a Comment