Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Vào lúc Hà Nội trầm mình trong thanh toán nội bộ; khủng hoảng ngoại giao với nước Đức, thì Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump quyết định thăm Việt Nam và tham dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng ngày 10-11. Trong hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Trump được mong đợi sẽ đưa ra “viễn kiến về một khu vực cởi mở, tự do tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực để giúp thịnh vượng kinh tế của Hoa Kỳ”.
Hà Nội hy vọng 11 thành viên còn lại TPP, sau khi Hoa Kỳ rút khỏi, sẽ đạt thỏa thuận tại kỳ họp thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng. Nhưng tân Thủ Tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern, mới nhậm chức hôm 26 tháng 10, đòi xét lại những gì gây bất lợi đối với New Zealand, khiến khả năng đạt đồng thuận các điểm đã thương thảo trước đó tại Nhật Bản về TPP, một lần nữa lại “vụt” khỏi tầm tay của Hà Nội.
Chủ Nhà Trắng thăm Việt Nam trong tình cảnh Ba Đình mất triển vọng ngoại thương; bị Âu Châu liệt vào loại “bad name”, sẽ giúp cho Hà Nội cảm thấy “đỡ ngượng” với các nước có mặt tại APEC kỳ này. Ba Đình sẽ hết lòng “chiều người lấy của” để hy vọng sau này được Mỹ cho quy chế kinh tế thị trường hầu tăng thêm lợi nhuận; đồng thời mong chính phủ Trump “mau mắn” hơn về hợp tác an ninh quốc phòng toàn khu vực.
Theo số liệu điều nghiên của AidData mới công bố cho thấy, Mỹ và Trung cộng phân phát số tiền gần bằng nhau trong giai đoạn 2000-2014 nhưng theo cách khác nhau. Chừng 93% viện trợ của Mỹ theo đúng định nghĩa truyền thống về viện trợ. Đó là Mỹ theo đuổi mục đích giúp phát triển kinh tế và phúc lợi. Ít nhất một phần tư số tiền là cho không chứ không phải tiền cho vay. Còn với Trung cộng, chỉ có 21% có thể xem là viện trợ truyền thống [1].
Cuối tháng 03, Việt Nam ký một thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Exxon Mobil, Hoa Kỳ khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, nằm ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi, ước tính trữ lượng thu hồi tại chỗ khoảng 150 tỷ m3 khí đốt.
Cuối tháng 04 vừa qua, Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, đặc trách Đông Nam Á Patrick Murphy nói rằng mặc dù Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP nhưng Hoa Kỳ “vẫn không thay đổi cam kết mạnh mẽ của mình đối với khu vực.”
Năm 2016, Mỹ chi tới 38.1 tỷ Mỹ Kim mua các loại hàng hoá của Việt Nam song chỉ xuất sang Việt Nam được lượng hàng hoá thấp hơn rất nhiều, trị giá có 8,7 tỷ Mỹ Kim. Chính phủ Trump coi đây là mất cân bằng thương mại, cần phải giải quyết.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lệ thuộc phần lớn vào nguồn công nghệ FDI, nếu Bắc Hàn leo thang khiêu khích chiến tranh như hiện tại, thì khi cuộc chiến xẩy ra trên bán đảo Triều Tiên, nguồn ngoại tệ và kiều hối của Việt Nam sẽ giảm xuống ngay tức khắc. Trên 75 ngàn công nhân Việt Nam làm việc tại Nam Hàn sẽ gặp khó khăn, không còn tiền gởi về VN. Phụ tùng công nghệ trong điện thoại cầm tay cung cấp cho nhà máy SamSung Thái Nguyên, nơi có 130 ngàn công nhân Việt Nam làm việc cũng bị khựng lại. Năm ngoái khi SamSung thu hồi Galaxy Note 7kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mất ngay 1.1 tỷ Mỹ Kim.
Phát biểu cuối hội nghị Trung Ương 6 bế mạc hôm 11 tháng 10, riêng phần nói về Kinh tế, Xã hội, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư (TBT) dùng khoảng 1000 chữ khoe khoang thành tích. Theo ông Trọng, kinh tế tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước, cuối năm sẽ đạt mức tăng 6.41%. Xuất khẩu đạt 154 tỷ Mỹ Kim, tăng 19.8%. Ngoại tệ dự trữ cũng ở mức 45 tỷ Mỹ kim, tăng 6 tỷ...
Cả hội trường đang nồng nhiệt vỗ tay thì khựng lại, vì “bọn diễn biến” cài cắm vào một đoạn ngắn chỉ có 73 chữ mô tả đến thê thảm thất bại trong các tập đoàn, công ty quốc doanh, tài chánh, ngân sách bội chi và nợ công đầm đìa... phá tan những gì ông Trọng nói trước đó, nhưng ông vẫn đọc tiếp: “Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao. Nợ xấu trong ngân hàng còn lớn; xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và nợ xấu chưa căn bản và triệt để. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA còn chậm. Nhiều dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát”.
Dù nhìn nhận hầu bao gần như rỗng, nhưng ông Trọng vẫn xác quyết: “Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của đảng”[2].
Nếu như sáng trí khôn, ông Trọng cứ lờ tịt đoạn văn tai ác trên, như vụ Trịnh Xuân Thanh (TXT), dù là chuyện lớn liên quan đến quốc tế, cũng không hề được đá động gì trong bài phát biểu, thì “bọn xấu” chả có bằng chứng gì để mà trích dẫn. Thì ra 73 chữ, con số cùng tuổi với ông Trọng tai hại thật! [3]. Đến 90% công nhân ở Việt Nam muốn nghỉ hưu ở độ tuổi luật đinh, năm 2017 là 55 cho Nữ, 60 cho Nam giới.
Về vi phạm kỷ luật, ông Trọng công khai tuyên bố "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và cùng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân...”
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội VC đặt câu hỏi trên đài BBC “Tức là những sai phạm mới à? Từ đây trở đi, còn những sai phạm vừa qua, các ngày vừa qua thì thế nào?"
Theo LS Thuận “những người nhóm lợi ích có một tỷ lệ khá lớn, mà phải nói trên 50% là trong Đại hội và trong Ban Chấp hành Trung ương ủng hộ, bỏ phiếu họ mới trúng cử, như vậy đại diện cho khối đó, khối đó bây giờ như thế nào?”[4]
Thật ra, mọi chuyện đã quá rõ: xảo thuật “từ nay trở đi”, trong đó có cả vụ bắt cóc TXT và mọi việc khác coi như thuộc về quá khứ, anh nào cũng “tay nhúng chàm” nên phe TBT Trọng nhờ vậy đã nắm trọn quyền lực ở thượng tầng. Nhưng ở các cấp thấp hơn, “phe bên kia” vẫn đan xen chằng chịt như tổ ong. Thế nên tiến trình đưa ông Trọng ngồi vào ghế “vua đỏ độc tôn” còn nhiều gian chuân, phức tạp. Cho nên chính ông Trọng đã công bố lời dụ ngọt “ai đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa”. Các cá nhân “nằm ngoài nhóm đương quyền”, sẽ bị đẩy vào thế phải chọn một trong hai: xin từ chức (tự giác) thì may ra giữ được túi tiền; cứng cựa thì ăn cả, “ngã” thì tiền mất, tù mang, hay còn có thể “mò tôm”. Song song với diễn tiến này, nhóm cai trị sẽ ghé mắt “recruit” các cá nhân do họ chọn để tinh lọc, rồi đi tới sẽ “nhất thể” phình to - nơi giữ đặc quyền chính trị và hưởng trọn lợi nhuận kinh tế. Đó là mục tiêu của phe cầm quyền; cũng vì vậy từ đầu năm đến nay Hà Nội bắt bất cứ ai dám lên tiếng chống đối, để phe TBT Trọng dễ thi hành mưu chước.
Tuy nhiên, ngày nay cơ hội kiếm ăn không còn nhiều. Cạn tiền thì mọi cơ chế đều rệu rã. Đến như Hội Nhà Văn Việt Nam, khi hết tiền còn gấu ó nhau ỏm tỏi. Mọi toan tính của Ba Đình vẫn còn tùy thuộc một phần quan trọng vào đường lối sau đại hội 19 của Trung cộng, đã bế mạc hôm nay 24-10. Một phần khác ở việc Tổng Thống Trump thăm Việt Nam đầu tháng 11.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong tình trạng “mong manh”. Cuối tháng 9, sợ hậu quả vụ bắt cóc TXT khiến các điều kiện từng được thông qua bị xem xét lại, Hà Nội phải chính thức đưa ra lời xin xỏ, từ Phó Thủ Tướng Vương đinh Huệ “kết quả đàm phán EVFTA đã đạt được là rất quan trọng, hai bên cần trân trọng những kết quả này” [5].
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (TXT) cho thấy rõ Hà Nội hố nặng khi già họng nói ngoa, dùng truyền thông của đảng chửi rủa nước Đức... Rốt cuộc phải xuống nước đi đêm, nhưng vẫn chịu cảnh một mình cay đắng nhận nhiều “quả phạt đền”; chả thấy “ông thầy 4 tốt” tỏ (tí) tình liên đới!
Chỉ một ngày sau khi Hà Nội bắt cóc TXT, hôm 24-07-2017, Bắc Kinh đe dọa dấy binh hất miếng ăn của Hà Nội khỏi mỏ khí đốt có trữ lượng khá lớn, lô 136-03 thuộc chủ quyền VN cho công ty Repsol Tây Ban Nha khai thác. Thì ra Bắc Kinh thấy Hà Nội sẽ lâm đường cùng không ai bênh đỡ, liền ép cho “lòi dầu ra”.
Mọi chuyện chưa phải là đã xong, tương lai thương mại sau 30 năm “miệt mài” phải đến năm ngoái mới đạt tới con số xuất cảng sang Âu Châu 40 tỷ Mỹ Kim, nay có thể lâm vào thế teo tóp dần.
Gần đây nhất, Đức yêu cầu tất cả nhân viên ngại giao Việt Nam và gia đình phải xin visa trước khi vào nước Đức. Trước đây nhân viên ngoại giao và gia đinh được miễn Visa theo điều 2.2 của Hiệp Định Đối Tác Chiến Lược.
Ba tháng trước, nơi mục này đã điểm qua các dịch chuyển ngoại giao giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn để suy diễn rằng: sau khi mất Hiệp Định Thương Mại TPP, nhìn về trước mặt Hà Nội lo nguồn vay nợ đã cạn, túi tiền đang vơi mau, vỡ ngân sách đã đến gần, nên đưa nhiều chỉ dấu chủ động dạm bán Cam Ranh (?). Theo thời gian câu chuyện lắng xuống. Hai bên tính toán thiệt hơn. Đầu tháng 08, Hà Nội đưa ra kế hoạch Đặc Khu Kinh Tế, tổ chức, điều hành do một người đứng đầu, không còn Hội Đồng Nhân Dân; kế hoạch này nói đến thời gian cho thuê đất là 99 năm [6]. Coi như vấn đề thời gian cho thuê đất đối với Cam Ranh đã “bắn tiếng” xong. Còn lại là giá cả.
Khi nước Đức tạm ngưng đối tác chiến lược thì Hà Nội rơi vào tình cảnh bụng đói, cô đơn trong một môi trường thế giới biến đổi mau chóng. Hiệp định thương mại với Đức và EU (EVFTA) có thể bị xét lại. Trong khi đó các cuộc tiếp xúc ngoại giao vẫn âm thầm diễn ra đưa Tổng Thống Trump thăm Việt Nam vào lúc nhịp độ chiến hạm Mỹ thực hiện đều đặn hơn các cuộc tuần tra quanh vùng các đảo Hoàng sa trong hoạt động nhằm chống lại các đòi hỏi về chủ quyền trên biển Đông quá đáng của Trung cộng. Các biến chuyển này hẳn có ý nghĩa rất đặc biệt củng cố cho suy diễn, mà Hà Nội không khi nào hở ra, rằng số phận Cam Ranh đã định hình (?). Cũng giống như Hà Nội từng bí mật thương lượng bán Cam Ranh cho Liên Xô, lúc đó cũng chẳng có tin tức gì được rò rỉ ra ngoài. Nhưng thực tế là Liên Xô đã làm chủ Cam Ranh một phần tư thế kỷ (1979 - 2002). Mùa Đông 1991 Liên Xô tan rã, Nga tiếp tục ở lại Cam Ranh đến khi khánh tận mới cuốn cờ.
Oct 26-2017
_________________________________
Chú thích:
No comments:
Post a Comment