Tuesday, October 31, 2017

Gian lận thương mại tại Việt Nam và hậu quả

 Hòa Ái, phóng viên RFA 2017-10-31  
Một cửa hàng Khaisilk tại JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort đóng cửa sau khi bị khách hàng tố cáo bán khăn lụa “Made in China”. Hình chụp ngày 31/10/2017.
 Một cửa hàng Khaisilk tại JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort đóng cửa sau khi bị khách hàng tố cáo bán khăn lụa “Made in China”. Hình chụp ngày 31/10/2017.Courtesy: Facebook Huỳnh Bá Phương
Vụ việc doanh nhân Hoàng Khải bị cho là lừa gạt khách hàng vì nhập khăn lụa Trung Quốc về gắn mác thương hiệu “Khaisilk-Made in Vietnam” và bán với giá cao làm dấy lên làn sóng trong dư luận về vai trò quản lý nhà nước, biện pháp xử lý hậu quả vụ việc cũng như ảnh hưởng xấu mà môi trường kinh doanh của Việt Nam phải chịu bởi nạn gian lận trong thương mại như thế?

Lừa dối khánh hàng

Không chỉ những ai mua phải khăn lụa thương hiệu Khaisilk mà dư luận đồng loạt bày tỏ sự phẫn nộ trước việc làm lừa dối khách hàng của doanh nhân Hoàng Khải, mặc dù vị doanh nhân có tiếng này đã cúi đầu xin lỗi.
Vụ việc doanh nhân Hoàng Khải, trong hạ tuần tháng 10, bị tố đã bán những chiếc khăn lụa Khaisilk mà ông đã kỳ công tạo dựng thương hiệu suốt gần 3 thập niên qua, chính là khăn nhập từ Trung Quốc do cái mác “Made in China” còn sót lại trên khăn, khiến người tiêu dùng thắc mắc có phải ông Hoàng Khải, một doanh nhân thành đạt, đã lừa gạt khách hàng trong ngần ấy năm và còn bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh “hàng Việt Nam chất lượng cao” gian dối trong thương mại mà chưa bị phát hiện?
Doanh nhân Hoàng Khải lên tiếng thừa nhận 50% khăn lụa thương hiệu Khaisilk có xuất xứ từ Trung Quốc và sẵn sàng bồi hoàn lại cho những khách hàng đã mua sản phẩm khăn “Made in China” của công ty một cách nghiêm túc. Ông chủ của thương hiệu được cho là tiên phong trong nghề dệt lụa Việt Nam cũng thừa nhận tập đoàn đang đối mặt với khủng hoảng và sẽ rất khó khăn để lấy lại uy tín cho thương hiệu Khaisilk.
Rất ảnh hưởng và tôi rất lo lắng...Qua vụ bán hàng gian lận của ông Khải Silk thì tất cả những người đang bán giá cao giống ông ấy đều bị ảnh hưởng ghê gớm. Những người tiêu dùng có thể cho rằng các doanh nghiệp bán hàng giá cao có thể có vấn đề giống như ông Khải Silk là mình có thể thấy bị gặp khó khăn
-GĐ. Công ty Yellow Chair Specialty Coffee
Đài RFA trao đổi với một số doanh nghiệp kinh doanh “hàng Việt Nam chất lượng cao” và được cho biết vụ việc doanh nhân Hoàng Khải bị tố cáo làm ăn gian dối “lập lờ đánh lận con đen” làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh cũng như uy tín của các doanh nghiệp khác trên thị trường Việt Nam.
Giám đốc Công ty Yellow Chair Specialty Coffee, tại Sài Gòn nói với RFA rằng một khi doanh nghiệp đã khởi nghiệp với tiêu chí theo đuổi kinh doanh hàng hóa chất lượng cao thì hai yêu tố quan trọng nhất mà họ tâm niệm là uy tín và đạo đức kinh doanh. Nữ giám đốc của thương hiệu cà phê này khẳng định dĩ nhiên giới doanh nhân kinh doanh vì lợi nhuận, nhưng giá cả không phải là mục tiêu cuối cùng mà chính giá trị của thương hiệu mang lại cho khách hàng. Dù tự hào doanh nghiệp của mình trung thành với ý tưởng kinh doanh như thế; tuy nhiên, Giám đốc Công ty Yellow Chair Specialty Coffee chia sẻ hiện không ít doanh nghiệp lo lắng về ảnh hưởng tiêu cực qua vụ bán hàng giả của thương hiệu Khaisilk bị phanh phui. Bà Giám đốc cho biết:
“Rất ảnh hưởng và tôi rất lo lắng. Ví dụ, trước đây những người có tiền suy nghĩ rằng sản phẩm giá cao thì chắc chắn chất lượng tốt nên họ không e dè khi mua. Nhưng qua vụ bán hàng gian lận của ông Khải Silk thì tất cả những người đang bán giá cao giống ông ấy đều bị ảnh hưởng ghê gớm. Những người tiêu dùng có thể cho rằng các doanh nghiệp bán hàng giá cao có thể có vấn đề giống như ông Khải Silk là mình có thể thấy bị gặp khó khăn. Do đó, bây giờ khách hàng đến mua hàng thì chúng tôi phải giải thích cho thật là kỹ.”

Thương hiệu Khaisilk: trường hợp cá biệt?

7778dad6-88f8-4acd-9544-fd296034179d.jpeg
Rau Trung Quốc nhìn tươi ngon hơn rau Việt Nam. Photo: RFA
Vấn đề gian lận thương mại tại Việt Nam một lần nữa được dư luận mang ra mổ xẻ nhân vụ việc liên quan chiếc khăn lụa hàng cao cấp của Việt Nam nhưng lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một số doanh nhân gốc Việt ở nước ngoài làm ăn với các doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều rắc rối vì môi trường kinh doanh Việt Nam không cạnh tranh lành mạnh và rủi ro rất cao. Ông Hưng Nguyễn, ở bang Lousiana, Hoa Kỳ cho biết công ty của ông từng nhập khẩu mặt hàng đồ biển đông lạnh và ông đã rơi vào hoàn cảnh mất trắng vì cách thức làm ăn gian dối, không uy tín của những người ở Việt Nam. Ông Hưng Nguyễn kể lại:
“Tại Việt Nam nhiều khi mình không nói được chủ hàng mà mình bị tráo hàng trong những giai đoạn khác. Trước đây khi tôi nhập hàng thì tôi cũng kiểm tra chất lượng sản phẩm từ nhà máy ra đến cảng. Dù kiểm tra chặt chẽ nhưng bị tráo hàng trong khâu vận chuyển. Từ nhà máy đến cảng thì họ tráo hàng trong giai đoạn này. Khi phát hiện bị thất lạc nhiều quá thì tôi kiểm tra và phát hiện hàng bị tráo trước khi xe tải vào trong cảng.”
Tại Việt Nam, một cách nào đó mình làm việc thì nhận thấy sự gian dối đi sâu vào từng ngỏ ngách công việc của nhiều người, từ thấp đến cao ai cũng có điều không trung thực và mọi nơi đều như thế. Thực tế có các doanh nghiệp uy tín, nhưng số đó tôi tin là không nhiều lắm. Gian lận là bởi môi trường. Điều đó không có nghĩa là mọi người Việt Nam đều như thế. Nhưng hiện nay xã hội Việt Nam là như thế
-Chuyên gia Duy Lê
Không những vậy, một vài công ty khác tại Mỹ có chủ là người gốc Việt cho RFA biết họ phải bỏ của chạy lấy người sau thời gian dài kinh doanh tại Việt Nam vì họ cho rằng gian lận thương mại khắp nơi ở trong nước, do người Việt Nam hám cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến uy tín hay đạo đức kinh doanh dài lâu.
Ông Duy Lê, một chuyên gia về quản trị thừa nhận những phản ánh về cách thức làm ăn gian dối như vừa nêu là đúng sự thật:
“Tại Việt Nam, một cách nào đó mình làm việc thì nhận thấy sự gian dối đi sâu vào từng ngỏ ngách công việc của nhiều người, từ thấp đến cao ai cũng có điều không trung thực và mọi nơi đều như thế. Thực tế có các doanh nghiệp uy tín, nhưng số đó tôi tin là không nhiều lắm. Gian lận là bởi môi trường. Điều đó không có nghĩa là mọi người Việt Nam đều như thế. Nhưng hiện nay xã hội Việt Nam là như thế.”
Yếu tố “gian lận bởi môi trường” mà Chuyên gia Duy Lê đề cập được đa số doanh nhân mà Đài RFA tiếp xúc lý giải rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa tạo được điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh một cách công bằng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thương hiệu chất lượng cao vì chi phí để sản xuất ra thành phẩm đội giá rất nhiều nên không thể nào bán hàng chất lượng tốt với giá rẻ. Điển hình là một doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức kết hợp với nông dân trồng sản phẩm rau sạch hữu cơ, trong thời buổi thị trường đầy dẫy thực phẩm bẩn, chia sẻ với RFA gặp nhiều khó khăn vì thị phần đầu ra rất hạn chế nên khó cạnh tranh, dù tiêu chí hoạt động vừa giúp nông dân vừa mang lại sức khỏe cho cộng đồng.

Trong khi rất nhiều người tiêu dùng đang theo dõi vụ việc lừa dối khách hàng của thương hiệu Khaisilk sẽ bị khởi tố hình sự hay không và nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hy vọng các cơ quan chức năng làm công tác quản lý cũng như xúc tiến thương mại sẽ có những hoạt động để trấn an tâm lý người tiêu dùng và cổ súy vực dậy sự tin cậy để “người Việt Nam dùng hàng Việt” thì giới chuyên gia cho rằng sự gian lận thương mại tại Việt Nam sẽ khó mà thay đổi được trong một tương lai gần, như nhận định của Chuyên gia Duy Lê “Tôi đang làm việc trong lãnh vực đào tạo phát triển năng lực cho con người trong tổ chức của công ty. Tôi cảm thấy buồn vì những người nước ngoài làm việc với người Việt Nam, một cách nào đó họ xem thường người Việt Nam. Đó là một nỗi đau.”

No comments:

Post a Comment