HÀ NỘI (NV) – Việt Nam và Trung Quốc làm lại chương trình “Giao Lưu Quốc Phòng Biên Giới” trong 2 ngày vừa qua sau khi đã bị hủy bỏ ba tháng trước vì tranh cãi chủ quyền biển đảo và khai thác dầu khí.
Hệ thống báo đài tại Việt Nam, đặc biệt là tờ Quân Đội Nhân Dân (cơ quan tuyên truyền của Bộ Quốc Phòng CSVN) viết tường thuật dài dòng để ca ngợi chương trình “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 4 thành công tốt đẹp.”
Chương trình “Giao Lưu Quốc Phòng Biên Giới” giữa hai nước Cộng Sản anh em “núi liền núi, sông liền sông” có các khẩu hiệu “16 chữ vàng” và “4 tốt” làm kim chỉ nam, dự trù diễn ra hồi Tháng Sáu sau nhiều tháng chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên chương trình bị dẹp bất ngờ vì người cầm đầu phái đoàn Trung Quốc là Tướng Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc đã đột ngột bỏ về nước sau cuộc gặp mặt với 4 nhân vật cầm đầu chính trị và quân sự của CSVN.
Trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội giải thích lý do bỏ về nước sớm của ông Phạm Trường Long là “do có công việc đột xuất ở trong nước.” Nhưng truyền thông quốc tế cho hay giữa ông ta và Hà Nội có tranh cãi về vấn đề chủ quyền biển đảo trên Biển Đông và vấn đề Việt Nam dò tìm dầu khí, tuy trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại vướng cái vạch tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc vắt qua.
Theo tin tức quốc tế, ông Phạm Trường Long tuyên bố với Hà Nội là “các đảo ở Nam Hải – Việt Nam gọi là Biển Đông – là của Trung Quốc “từ thời cổ xưa” và đòi hỏi Việt Nam hủy bỏ cuộc dò tìm dầu khí đang diễn ra tại lô 136-3 phía Đông Nam Vũng Tàu khoảng 200 hải lý. Trước lời đe dọa sẽ đánh chiếm các vị trí của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, Hà Nội đã buộc nhà thầu Rapsol ngừng hoạt động và đi khỏi khu vực.
Mối quan hệ giữa hai nước đột ngột chùng xuống vì vụ việc vừa kể, nay chương trình “Giao Lưu Quốc Phòng Biên Giới” được mở lại như dấu hiệu cả hai không muốn kéo dài sự căng thẳng, cho dù quan điểm chủ quyền biển đảo có thể vẫn còn khác nhau.
Chương trình “Giao Lưu Quốc Phòng Biên Giới” lần thứ tư diễn ra trong hai ngày 23 và 24 Tháng Chín 2017 tại tỉnh Lai Châu của Việt Nam và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc gồm nhiều mục khác nhau từ hội thảo, trình diễn sân khấu, diễn tập chống khủng bố, tuần tra chung, thăm viếng trường học v.v… mà tờ Quân Đội Nhân Dân ở Hà Nội mô tả là “Quyết tâm xây dựng biên giới Việt-Trung hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển lâu dài và bền vững.”
Trong tinh thần đó “góp phần giúp nhân dân và lực lượng vũ trang hai nước hiểu thêm về nhau, gắn bó với nhau, tin tưởng vào môi trường hòa bình, ổn định và phát triển khu vực biên giới; tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Trung sẽ trường tồn mãi mãi,” tờ QĐND viết.
Tỉnh Lai Châu của Việt Nam cũng là một trong 6 tỉnh dọc theo biên giới đã bị lực lượng Trung Quốc, đông gấp nhiều lần Việt Nam, tàn phá giết chóc nặng nề trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979.
Tướng Phạm Trường Long quay lại Việt Nam để “giao lưu” có vẻ là dấu hiệu xác nhận Hà Nội chịu nhẫn nhục, không dò tìm và khai thác dầu khí ở khu vực thềm lục địa đặc quyền kinh tế của nước mình, theo công ước quốc tế về luật biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên ký công nhận.
Tháng Bảy năm ngoái, Tòa Trọng Tài Quốc tế tại The Hague, Hòa Lan, phán quyết tuyên bố chủ quyền vẽ theo đường “lưỡi bò” chiến 80% đến 90% Biển Đông là vô giá trị sau khi bị Philippines kiện. Dù vậy, Bắc Kinh vẫn ngang ngược bác bỏ phán quyết và nói các vùng biển tranh chấp là của mình” từ cổ xưa.”
Dù bị Bắc Kinh hiếp đáp, giới lãnh đạo chóp bu Việt Nam vẫn luôn luôn tỏ ra mềm mỏng “gió chiều nào che chiều ấy.”
Ngày 13 Tháng Chín 2017, ông Phó Thủ Tướng Trương Hòa Bình khi đến Khu Tự Trị Dân Tộc Choang Quảng Tây dự hội chợ, hội nghị thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc-ASEAN lần thứ 14, tuyên bố trong cuộc phỏng vấn của đài VOV là ông “tin tưởng chắc chắn rằng, quan hệ Việt-Trung nhất định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, to lớn hơn nữa.”
“Trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đảng, chính phủ và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng gìn giữ và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc, đây là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam,” lời ông Trương Hòa Bình trong cuộc phỏng vấn của VOV. (TN)
No comments:
Post a Comment