Wednesday, July 12, 2017

Báo chí không được dự họp Thường vụ Quốc hội: “Một bước thụt lùi!”

RFA 2017-07-12  
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người chủ trì phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, người chủ trì phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  AFP photo
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa ra chỉ đạo rằng kể từ phiên họp thứ 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ngày 11-7), phóng viên chỉ được dự 5 phút đầu, cuối cuộc họp sẽ ra thông cáo báo chí gửi đến các phóng viên.

Một bước lùi về báo chí?

Giải thích về quyết định này, Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng việc báo chí không tham dự phiên họp là để giữ kín các bí mật an ninh quốc gia:
“Nhiều khi có anh em báo chí vào thì cũng ngại, phát biểu không hết ý. Có những vấn đề bí mật nhà nước mà vô tình nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải. Vì vậy, quyết định này nhằm giúp các đại biểu thảo luận sâu, nói hết ý, kể cả vấn đề bí mật.”
Tất cả những gì các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng như của Quốc hội từ trước đến giờ thông tin trên báo chí theo tôi không có gì là bí mật quốc gia cả.
-  Tiến sĩ Phạm Chí Dũng
Nhà báo độc lập, tiến sĩ Phạm Chí Dũng hiện đang sinh sống ở Sài Gòn nói rằng theo kinh nghiệm của ông thì không có những thông tin về an ninh quốc gia hay bí mật nhà nước trong những cuộc họp Quốc hội:
“Tất cả những gì các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng như của Quốc hội từ trước đến giờ thông tin trên báo chí và báo chí đăng tải lại thì theo tôi không có gì là bí mật quốc gia cả. Bản thân báo chí cũng tự định tính được như thế nào là bí mật quốc gia thành thử họ cũng đưa tin rất là dè dặt. Huống chi, họ lại chịu vòng kim cô là Ban Tuyên giáo Trung ương nên có gì là bị tuýt còi ngay.
Chuyện báo chí được vào dự các cuộc họp của Quốc hội để đưa tin bắt đầu từ những đầu những năm 2000. Lúc bấy giờ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã quyết định “mở cửa” để phóng viên báo chí tham dự, đưa tin nội dung các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khi được hỏi về quyết định này, ông An đáp: “Đã là đại biểu của dân thì chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Tôi quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí”.
Từ Đà Nẵng, blogger Trương Duy Nhất nói với chúng tôi rằng việc cấm báo chí vào dự họp Thường vụ Quốc hội là một bước thụt lùi so với Quốc hội thời ông Nguyễn Văn An đứng đầu:
“Giai đoạn ông Nguyễn Văn An làm chủ tịch là giai đoạn báo chí cởi mở thực sự. Những sự việc lúc bấy giờ như PMU 18, bắt các quan chức hàng thứ trưởng, tôi nhớ cảnh các nhà báo còn trèo lên nóc xe cảnh sát để đi vây bắt. Cái chuyện đó bây giờ khó xảy ra. Đó không chỉ là vai trò của riêng ông An mà xã hội báo chí lúc đó không bị siết như bây giờ, đó là chủ chương của Đảng và Chính phủ.”
PMU18 là một vụ bê bối liên quan đến tham nhũng trong Bộ Giao thông Vận tải đầu năm 2006. Mặc dù theo quan điểm của blogger Trương Duy Nhất truyền thông lúc bấy giờ khá cởi mở, nhưng hai nhà báo chống tham nhũng nổi tiếng của tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ vẫn bị bắt với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" vì bị cho rằng đưa tin sai sự thật liên quan đến vụ án này.
tudobaochi
Bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen. Courtesy of RFA
Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng lại cho rằng thời nào cũng vậy, giới lãnh đạo luôn nói cần cởi mở với báo chí nhưng lời nói và hành động của họ cách quá xa nhau:
“Từ thời ông Nguyễn Văn An, đến sau đó là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Sinh Hùng cho tới bây giờ là Nguyễn Thị Kim Ngân, tất cả các vị đều nói vì dân thôi. Tức là phải cởi mở với báo chí vì báo chí là kênh dẫn tới người dân. Cái đó đương nhiên là đúng rồi, có điều các vị nói thôi chứ không có làm. Và thực ra thông tin cung cấp cho báo chí rất ít, chủ yếu họ lấy từ những bản thông cáo của Uỷ ban thường vụ quốc hội hay Văn phòng Quốc hội. Và những bản thông báo đó đã cắt, gọt giũa đi rất nhiều rồi.”
Nhà báo này cũng nói thêm là việc chỉ cho báo chí dự cuộc họp có 5 phút sẽ tạo ra một hố ngăn cách rất lớn giữa Quốc hội và người dân – những người bầu ra các đại biểu Quốc hội và làm mất đi kênh liên lạc cuối cùng giữa Quốc hội và người dân.
Nó đã tạo sức ép về phía chính quyền nên họ thấy ngại quá, họ lo sợ nên phải siết lại thôi.
- Blogger Trương Duy Nhất
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo Trần Đăng Tuấn viết trên trang Facebook cá nhân rằng:“Với quyết định không cho báo chí theo dõi và phản ánh tường tận các buổi họp của mình, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tự bớt đi cơ hội để dân hiểu công việc mình đang làm, cảm nhận hơi thở của nghị trường, những nỗ lực đang diễn ra trong phòng họp để thúc đẩy quốc kế dân sinh”.

Vì sao “cấm cửa” vào lúc này?

Mặc dù đại diện Quốc hội đã lên tiếng giải thích lý do “cấm cửa” báo chí là vì muốn được bàn luận một cách thoải mái và giữ kín các bí mật quốc gia. Tuy nhiên, blogger Trương Duy Nhất nói rằng đây chỉ là cái cớ, mà bản chất là họ lo sợ những nhà báo này sẽ đăng những mặt tiêu cực lên trang mạng xã hội:
“Giai đoạn vừa rồi tác động của truyền thông mạng rất rõ, ví dụ như các câu chuyện về Bí thư Thanh Hóa, biệt phủ ở Yên Bái,… tất cả đều xuất phát từ trên Facebook ra. Vì vậy nó đã tạo sức ép về phía chính quyền nên họ thấy ngại quá, họ lo sợ nên phải siết lại thôi.”
Từ đầu năm nay Chính phủ Hà Nội liên tục có các hành động nhằm thắt chặt an ninh mạng chẳng hạn như yêu cầu các công ty lớn gây áp lực các hãng như Facebook, Google, Youtube, phải xóa bỏ các thông tin mà Việt Nam cho là “độc hại”. Người đứng đầu ngành Thông tin Truyền thông của Việt Nam hồi tháng 4 đã gặp mặt đại diện Facebook cũng để bàn bạc về vấn đề này. Rồi sau đó Bộ công an ban hành các dự luật nhằm tăng cường đàn áp các tiếng nói trên mạng xã hội mà nhiều người dân e rằng có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận của họ.
Nhà báo Phạm Chí Dũng lại suy luận lý do Uỷ ban thường vụ Quốc hội ngăn cản sự tham gia của báo chí như sau:
“Có phải gần đây có một số vấn đề bức xúc về kinh tế, xã hội được bàn thảo trong Uỷ ban thường vụ Quốc hội và báo chí đưa tin ra ngoài và các vị sợ rằng có thể vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch để thổi phồng các hiện tượng đó ra hay không?”
Một ví dụ được nhà báo này dẫn ra là việc báo chí đưa tin Quốc hội không đưa Luật biểu tình và Luật về hội vào chương trình xây dựng luật 2017-2018. Sau khi báo chí đưa tin, dư luận trong nước và quốc tế đều lên tiếng chỉ trích là tại sao Việt Nam lại không quan tâm đến quyền cơ bản của người dân.
Tổ chức Freedom House  hồi đầu năm đã công bố phúc trình cho thấy Việt Nam đứng thứ 177 trong số 198 quốc gia trên toàn cầu về tự do báo chí, nằm trong nhóm màu đen trên bản đồ -  tức nhóm các nước không có tự do báo chí so với thế giới cũng như trong khu vực.

No comments:

Post a Comment