Một trong những luận điệu thường hay được đám dư luận viên, những người bênh vực đảng và nhà nước cộng sản VN đưa ra mỗi khi có bất cứ ai lên tiếng chỉ trích tình trạng đất nước, xã hội VN hiện nay, đó là: “Nói gì thì nói, VN vẫn là một quốc gia bình yên, không có chiến tranh, không có khủng bố, không có những kẻ tâm thần thỉnh thoảng lại xuất hiện nổ súng hàng loạt giết hại người vô tội…Cứ thử nhìn sang các nước Bắc Phi, Trung Đông, châu Âu và cả Hoa Kỳ xem!”, “Người dân mình được yên ổn làm ăn như thế này là may mắn lắm, không có đảng và chính phủ lãnh đạo liệu có được như vậy không?” v.v…
Đúng là VN không có chiến tranh, không có nạn khủng bố do những tổ chức Hồi giáo cực đoan gây ra, không có những vụ sả súng giết người hàng loạt mà thường là có yếu tố chính trị, tôn giáo, lòng thù hận (hate crime)…nhiều hơn là do tâm thần, nhưng VN có thật là một quốc gia bình yên?
Tội ác tràn lan, ngày càng tàn bạo.
Nói về sự bình yên, ở cấp độ thứ nhất, mắt thấy tai nghe, hàng ngày khi mở những tờ báo ra, bật TV lên, hay khi đi ngoài đường tận mắt chứng kiến, chúng ta có thể thấy ngay câu trả lời. Ở VN bây giờ ngày nào cũng có những vụ cướp, giết, hiếp…xảy ra ở chỗ này chỗ khác, với mức độ táo bạo và tàn bạo ngày càng tăng.
Tội ác tràn lan, người ta có thể dễ dàng đoạt mạng nhau chỉ vì một cái “nhìn đểu”, một câu nói “không lọt tai” và vô số những lý do hết sức vớ vẩn, nhỏ nhặt khác, cho tới những nguyên nhân thường thấy dính dáng đến tư thù cá nhân, tiền bạc và nhất là những mâu thuẫn trong tình cảm-chồng giết vợ, vợ giết chồng, giết người tình, giết tình địch, cha giết con, con giết cha…, thậm chí vì tuyệt vọng, cùng quẫn, có những người làm cha làm mẹ nỡ giết hại cả con mình trước khi tự vẫn, để lại nỗi đau tột cùng cho người thân.
Càng ngày tính chất sát nhân tàn bạo càng tăng, trong năm 2015 chẳng hạn, có một số vụ thảm sát làm rúng động dư luận như vụ “thảm sát Bình Phước”, hung thủ là Nguyễn Hải Dương cùng với một người bạn đã giết hại tất cả 6 mạng người kể cả người yêu cũ do hận tình; hay vụ cả cả bốn người trong một gia đình ở Yên Bái bị một người họ hàng giết hại do tranh chấp đất rẫy, hung thủ tên Đặng Văn Hùng; thậm chí, chỉ vì một mâu thuẫn bộc phát, kẻ thủ ác tên Vi Văn Hai ở Nghệ An đã dùng dao chém chết 4 người trong gia đình người hàng xóm v.v…
Những vụ giết cùng diệt tận cả nhà tiếp tục xảy ra trong năm 2016 với vụ Tấn Láo Lở, tỉnh Lào Cai giết chết cả 4 người đều là phụ nữ, trẻ em rồi dìm xác dưới suối chỉ vì mâu thuẫn cá nhân; hay vụ tên Doãn Trung Dũng ở Quảng Ninh tới vay tiền không gặp người cần hỏi, giết luôn 4 người họ hàng bên vợ.
Tính chất man rợ, độ máu lạnh của kẻ thủ ác trong nhiều vụ án khiến chúng ta không khỏi rùng mình. Giết người yêu cũ xong chặt đầu vứt một nơi, thi thể vứt một nơi để phi tang như vụ án Nguyễn Hữu Nghĩa, Hà Nội năm 2010, những vụ đốt xác phi tang (VNEXpress), những vụ giết người chặt xác phi tang; giết người, cắt bộ phận sinh dục, rạch bụng rồi ném xuống sông để xác không nổi ở Hưng Yên tháng 5.2017 cho tới chém người đầu lìa khỏi cổ ở Vĩnh Phúc mới đây, tháng 7.2017…Có thua kém gì những vụ án máu lạnh nhất trên thế giới?
Trong năm 2016 còn cò một vụ án khác gây chấn động dư luận là vụ Đỗ Cường Minh (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái) dùng súng K59 bắn chết ông Phạm Duy Cường (Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái) và ông Ngô Ngọc Tuấn (Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy) ngay tại phòng làm việc sau đó tự sát.
Có lẽ từ sau vụ này, và rải rác nhiều vụ khác, đám quan chức địa phương cũng muốn có người bảo vệ và đề xuất đó đã được đưa ra tại cuộc họp Quốc hội về dự án luật Cảnh vệ ngày 6.6.2017 “Nhiều tỉnh muốn có cảnh vệ cho bí thư, chủ tịch” (Tuổi Trẻ), và một số chức danh khác, nhưng cuối cùng, đề xuất này không được thông qua. Điều này chứng tỏ sự ất ổn trong xã hội và sự bất an trong lòng một số quan chức VN, sợ dân chỉ một phần nhỏ, cái chính là sợ lẫn nhau, họ sợ những mâu thuẫn trong chia chác quyền lợi dẫn tới thanh toán nhau như vụ Yên Bái, chứ nếu một quốc gia bình yên làm sao mà cả đến các quan chức địa phương cũng đòi được bảo vệ?
Ngoài những vụ cướp, giết, hiếp, những vụ án do mâu thuẫn tình, tiền, tư thù..; đối với trẻ em ở VN có một nỗi lo ngại lớn là nạn xâm hại tình dục. So với trước đây chừng mươi năm thôi, bây giờ chúng ta thường xuyên đọc thấy những vụ xâm hại, cưỡng bức trẻ em ở nơi này nơi khác, trong đó có nhiều vụ gây phẫn nộ vì nạn nhân còn quá bé, kể cả 1-2 tuổi, hoặc bị thiểu năng trí tuệ, bị tàn tật; có những vụ để lại hậu quả nghiêm trọng như tổn thương quá nặng, mang thai khi còn nhỏ tuổi, nạn nhân vì uất ức, xấu hổ mà tự vẫn …
Mới đây, báo Thanh Niên có làm một loạt bài về đề tài này: “Xâm hại tình dục trẻ em - Kỳ 1: Những con số đáng báo động”, “Xâm hại tình dục trẻ em - Kỳ 2: Tội ác mang khuôn mặt 'thân quen', “Xâm hại tình dục trẻ em - Kỳ 3: Những câu chuyện chìm trong bóng tối”, Xâm hại tình dục trẻ em - Kỳ 4: Cả đời cúi mặt”, “ Xâm hại tình dục trẻ em - Kỳ 5: Trẻ em nam, phần chìm bị quên lãng”…Trong đó, ngay bài thứ nhất, tác giả đã đưa ra những con số khiến người đọc kinh hoảng:
“Cứ 8 giờ trôi qua, lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại tình dục. Hơn 90% thủ phạm là người thân quen
….trong 5 năm (2011 - 2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em, với gần 10.000 nạn nhân, trong đó số vụ bị xâm hại tình dục là 5.300 vụ. Con số này cũng chỉ là những vụ việc được báo cáo.” …
Điều đáng nói ở đây là nạn xâm hại tình dục trẻ em ở VN đáng báo động như vậy nhưng nhiều bậc cha mẹ do thiếu hiểu biết hoặc do vô tâm vẫn chưa thực sự đề phòng cảnh giác, cũng như giáo dục con biết cách đề phòng, tự bảo vệ mình, luật pháp chưa thực sự nghiêm khắc, có rất nhiều vụ cuối cùng bị “chìm xuồng”-do thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ yếu, do cách xử lý chậm chạp và không loại trừ cả yếu tố “chạy án” nên những kẻ thủ ác vẫn cứ nhởn nhơ.
Đó là chưa nói đến những vụ bắt cóc, sát hại trẻ em “Những vụ bắt cóc trẻ em gây ‘chấn động’ dư luận” (báo Công An TP.HCM),“Truy lùng nhóm bắt cóc bé trai 2 tháng tuổi giữa đêm” (Công An Nhân Dân), “Rùng mình những vụ trẻ em bị bắt cóc, sát hại dã man” (Việt Báo), trong đó mới nhất là vụ cháu bé 6 tuổi ở Quảng Bình bị bắt cóc, giết hại, tháng 7.2017…
Một xã hội mà ngay cả những đứa trẻ cũng có thể dễ dàng bị bắt cóc ngay trong sân nhà, ngay trong chớp mắt, có thể bị xâm hại tình dục ngay từ những người thân trong gia đình hay những người quen, họ hàng thì xã hội đó liệu có thể gọi là bình yên?
Có lẽ có người sẽ bảo ở nước nào mà chả có tội ác cướp, giết, hiếp, những vụ xâm hại tình dục trẻ em, trẻ em. Đúng vậy, nhưng nếu trong một xã hội có luật pháp nghiêm minh, có bộ máy chính quyền làm việc công tâm và hiệu quả, có nền giáo dục nhân bản và tôn trọng con người, thì sẽ hạn chế được phần nào. Ngoài ra, trình độ dân trí, sự hiểu biết về pháp luật, ý thức cảnh giác của người dân cũng là một yếu tố hết sức quan trọng trong việc đề phòng, ngăn chặn, kể cả báo động và tham gia hỗ trợ cơ quan điều tra trong việc phá án.
Không một môi trường nào, lứa tuổi nào là an toàn
Có thể nói không ngoa, ở VN bây giờ không có một môi trường nào, độ tuổi nào là an toàn. Ngay cả những môi trường như trường học, nhà trẻ, mẫu giáo. Các cô nuôi dạy trẻ, các thầy cô giáo là những người chịu trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ, tất phải có tư cách, có đạo đức và có lòng thương yêu trẻ em. Thế nhưng, thỉnh thoảng chúng ta lại đọc/nghe/chứng kiến những vụ như cô bảo mẫu, cô giáo mầm non đánh đập, hành hạ trẻ theo nhiều kiểu, có những vụ dẫn tới tử vong, vô ý hay cố tình:
“Hà Nội: Hai cô giáo làm cháu bé tử vong do sặc cháo lĩnh án” (Báo Mới), Hà Nội: “Sốc: Cô giáo mầm non bị tố nhốt trẻ trong nhà vệ sinh rồi… quên luôn” (Dân Việt), Lào Cai “Cách chức hiệu trưởng mầm non dọa thả học sinh vào máy vặt lông gà” (VietnamNet),“Cô giáo mầm non đánh trẻ như đánh quân thù” (VTV), “TP HCM: Bảo mẫu đạp cháu bé 18 tháng tuổi tử vong” (Infonet)…
Lớn hơn, cấp một, cấp hai, cấp ba…thì có những vụ học sinh bị xâm hại tình dục ngay tại trường, có khi là do nhân viên của trường như vụ bảo vệ trường tiểu học Đồng Hóa (xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, Hà Nam) có hành vi dâm ô với nhiều học sinh, có khi chính thầy giáo xâm hại tình dục học sinh…Chỉ cần gõ google cụm từ “thầy giáo xâm hại học sinh” sẽ cho ra hàng loạt kết quả.
Một môi trường khác cũng được coi là an toàn, đó là các bệnh viện; nghề y-với các y bác sĩ, nhân viên y tế vốn được xã hội trân trọng cùng với nghề giáo, nhưng suốt trong thời gian qua, đã có quá nhiều những vụ tai tiếng gây chết người do làm ăn tắc trách, cẩu thả, thiếu y đức, hay do trình độ chuyên môn, tay nghề kém…
Trong đó có những vụ gây tổn thất nghiêm trọng như trong vòng hai năm 2012-2013, hàng loạt trẻ em đã bị tai biến, tử vong sau khi tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong 1, một loại vaccine mà nhiều nước tiên tiến đã không còn sử dụng nữa. Thế nhưng sau một thời gian tạm ngừng, Bộ Y tế lại khẳng định các ca tai biến nặng và tử vong sau khi tiêm không phải do vaccine và cho phép tiêm vaccine Quinvaxem trở lại.
Và cho đến nay, những trường hợp trẻ em tử vong do tiêm vaccine Quinvaxem vẫn tiếp tục xảy ra. Bài báo viết năm 2015 kể ra một số trường hợp tử vong từ năm 2010-2015 “Vắc xin Quinvaxem đã khiến bao nhiêu trẻ em tử vong?”, và mới đây, năm 2017:“Bé trai tử vong sau một ngày tiêm vắc xin”, Zing.vn!
Đó là chỉ mới nói đến tai biến do tiêm vaccine, một số vụ tai tiếng nổi cộm khác mà dư luận còn nhớ như vụ bệnh nhân phong tại trung tâm Da liễu Hà Đông, trụ sở ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội bị ăn bớt thuốc điều trị, vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội, vụ tráo thủy tinh thể ở BV Mắt, Hà Nội…trong năm 2013. Năm 2016: “Những vụ 'mổ nhầm' của ngành y gây chấn động” (Em Đẹp), “Những vụ chữa 'lành thành què' hy hữu của ngành y tế Việt Nam” (Phụ Nữ News), vụ hàng chục tấn rác thải y tế độc hại đang được âm thầm sơ chế tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sau đó được tái chế thành sản phẩm nhựa tại cơ sở sản xuất thủ công ngay ngoại thành Hà Nội…Và mới đây nhất, là vụ 8 bệnh nhân chạy thận bị tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình do quên rửa hóa chất cực độc trong các đường ống nước dẫn vào máy lọc thận!
Nhắc lại, ở bất cứ quốc gia nào dù văn minh, tiến bộ, giàu có đến đâu cũng sẽ có những vụ sai sót, tai biến trong ngành Y. Nhưng năm nào cũng để xảy ra những vụ gây hậu qủa nghiêm trọng, làm chết nhiều người thì không còn là chuyện bình thường nữa. Và điều đáng nói là ở những quốc gia tự do, dân chủ, thượng tôn pháp luật khác, khi xảy ra một vụ việc nghiêm trọng thì những người sai phạm bị xét xử nghiêm khắc mà những người ở cấp cao hơn, kể cả Thứ trưởng, Bộ trưởng ngành Y tế cũng phải bị cách chức hoặc tự nguyện từ chức, có như thế những sai sót mới bớt đi.
Qua bức tranh toàn cảnh của hai ngành giáo dục, y tế, chúng ta nhận thấy những sai phạm, kể cả tội ác gây ra có một phần là do những lỗ hổng trong kiến thức, tay nghề, chuyên môn-hậu quả của khâu đào tạo, tuyển chọn, hiện tượng “chạy ghế”, “chạy chức”, bằng giả…Nhưng quan trọng hơn là sự xuống cấp về đạo đức xã hội, lương tâm nghề nghiệp, sự thiếu vắng lòng nhân bản trong đối xử giữa người với người.
Nói về hai ngành giáo và ngành y chỉ là vì trong bất cứ quốc gia nào thì giáo dục và y tế cũng rất quan trọng, gắn bó với đời sống người dân. Người dân trong suốt cuộc đời mình rồi cuộc đời của con cái, không thể nào không dính dáng đến trường lớp, bệnh viện, đi học, đi khám bệnh…Có thể không tin vào công an, vào chính quyền, nhưng nếu đến thầy cô giáo hay bác sĩ mà cũng không thể đặt niềm tin vào nữa thì quả là bi kịch. Và nếu môi trường y tế, giáo dục mà cũng không an toàn thì làm sao có thể cho rằng một quốc gia đó là “bình yên”?
Bên cạnh đó, người Việt Nam còn có những mối lo âu khác. Ra đường thì sợ tai nạn giao thông. Trên trang World Heath Rankings, về tai nạn đường bộ (Road traffic accidents), death rate per 100,000, VN đứng hàng thứ 45/172 quốc gia với tỷ lệ 23.10 người chết, vẫn chưa phải thuộc vào top 10 quốc gia có tỷ lệ tai nạn giao thông và tỷ lệ người chết vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới (trong đó hầu hết là các quốc gia ở châu Phi), nhưng vẫn thuộc hàng cao, “Mỗi ngày cả nước vẫn có 24 người chết và 60 người thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông” (“24 người chết vì tai nạn giao thông mỗi ngày”, VietnamNet),
“ Trong năm 2016, cả nước xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người.” (“8.685 người chết vì tai nạn giao thông năm 2016”, Người Lao Động).
Thực phẩm bẩn và vấn đề an toàn thực phẩm chưa bao giờ hết “nóng” trong những năm qua, chỉ cần gõ google cụm từ “thực phẩm bẩn” là sẽ có hàng loạt kết quả. Người Việt than thở bây giờ ăn thứ gì cũng sợ, thứ gì cũng có thể phun, ướp, tẩm đủ loại hóa chất, thuốc trừ sâu, chất cấm, chất bảo vệ thực vật… do hàng hóa thực phẩm từ Trung Quốc tràn sang cũng có, mà do người Việt ham lợi nhuận, làm ăn không có lương tâm, “giết” nhau cũng có, thêm từ hồi xảy ra thảm họa Formosa tới giờ người Việt đâm sợ ăn cá, hải sản.
Còn nhớ trong kỳ họp Quốc hội tháng 11.2016, một đại biểu đã phải thốt lên: “Đại biểu Trần Ngọc Vinh: 'Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế' (VNExpress). Rồi nào môi trường bẩn, ô nhiễm, độc hại…Làm sao có thể nhịn ăn, nhịn uống, nhịn thở được. Hậu quả là người Việt mỗi ngày tiêu thụ, hít thở đủ loại độc hại vào người, cơ thể vì vậy đủ thứ bệnh tật, ung thư.
Trong một quốc gia độc tài, sự bình yên chỉ là giả hiệu
Trong mọi quốc gia độc tài, sự bình yên là giả hiệu, do nhà cầm quyền sử dụng bàn tay sắt đàn áp mọi tiếng nói chỉ trích, mọi cá nhân, tổ chức đối kháng, đối lập. VN cũng vậy. Nhưng người dân thì không bao giờ được bình yên thực sự vì mọi quyền tự do tối tối thiểu và căn bản nhất của một con người, một công dân đều bị tước đoạt, nhân quyền bị chà đạp.
Ở VN không có những tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan nhưng thật ra, mọi nhà nước độc tài nói chung và cộng sản nói riêng đều là những tổ chức khủng bố lớn nhất, nhiều quyền lực nhất đối với người dân của nước đó, từ Liên Xô, các nước Đông Âu trước kia cho tới Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Bắc Hàn bây giờ. Những quốc gia độc tài cộng sản này, trải qua các thời kỳ Lenin-Stalin của Liên Xô, Mao Trạch Đông của Trung Quốc, Hồ Chí Minh-Lê Duẫn của Việt Nam, Pol Pot-Ieng Sary của Cambodia, Fidel Castro của Cuba hay cả gia đình mấy đời từ Kim Il-sung, Kim Jong-il, Kim Jong-un của Bắc Hàn… cho tới tận bây giờ, sẵn sàng sử dụng những biện pháp thanh trừng nội bộ, trấn áp trong nhà nước và ngoài xã hội để loại bỏ mọi mầm mống bất ổn ngay từ trước khi bộc lộ.
Trong lịch sử hơn bảy thập niên cầm quyền ở miền Bắc và hơn bốn thập niên độc quyền lãnh đạo trên toàn quốc, đảng và nhà nước cộng sản VN đã khủng bố người dân bằng bạo lực và sự sợ hãi, bằng các phương pháp tuyên truyền một chiều, nhồi sọ, “tẩy não”, đã bỏ tù bao nhiêu người vì lý do chính trị. Cho đến những năm đầu thế kỷ XXI này, mọi tiếng nói chỉ trích ôn hòa vẫn bị đàn áp, những người dám lên tiếng vẫn bị xách nhiễu, đàn áp, bỏ tù từ 6, 10, cho đến 16 năm, rồi khi có sức ép quốc tế hoặc khi cần thương lượng, mặc cả điều gì đó với thế giới thì “nhượng bộ” bằng cách trục xuất người tù chính trị từ nhà tù sang thẳng nước khác. Mới đây nhất, là trường hợp cựu tù nhân lương tâm, blogger, Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người có song tịch Việt-Pháp đã bị tước quốc tịch VN và trục xuất sang Pháp. Và trường hợp blogger Mẹ Nấm, một người đấu tranh hết sức ôn hòa đã bị kết án 10 năm, bỏ lại hai đứa con nhỏ cho người mẹ già nuôi nấng.
Không chỉ thế, nhà nước này còn sử dụng công an đội lốt côn đồ xách nhiễu, đánh đập những người bất đồng chính kiến, tu sĩ, dân oan.
Trong một xã hội độc tài, công an (và quân đội) luôn luôn là thành phần con cưng, được ưu đãi đủ thứ, được bao che, dung túng để trung thành và bảo vệ chế độ, do đó đám cảnh sát, công an trở thành kiêu binh, muốn làm gì thì làm, coi dân như cỏ rác. Những năm qua đã có hàng trăm trường hợp người dân bị công an mời về đồn tạm giữ vì những lý do rất nhỏ nhặt như vi phạm giao thông, xích mích ẩu đả với hàng xóm, sau đó bị công an lạm dụng quyền lực bạo hành, đánh đập họ đến chết. “Ba năm có tới 226 người chết trong trại tạm giam, tạm giữ” (Thanh Niên), và công an đều đổ thừa là do bệnh lý hoặc tự sát, khi thì tự sát bằng dao gọt hoa quả, khi thì dây giày, dây thun quần hoặc áo!
Hãy nói bạn có cảm thấy bình yên khi sống ở VN? Và nếu câu trả lời là có, nếu đất nước này thật sự bình yên, êm ấm, vì sao từ dân cho tới đám quan chức lớn nhỏ vẫn tìm mọi cách để ra đi hoặc sửa soạn “bãi đáp” sẵn ở nước ngoài?
No comments:
Post a Comment