QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Chính quyền tỉnh Quảng Nam vừa gửi cho Hội Đồng Nhân Dân tỉnh này một tờ trình “đề nghị bổ sung thêm bốn công trình thủy điện thuộc loại vừa và nhỏ ở huyện Nam Trà My.”
Theo tờ Tiền Phong, diện tích chiếm đất của bốn dự án thủy điện vừa kể khoảng 145 hécta, trong đó có 60 hécta là đất rừng.
Báo điện tử VietNamNet cho biết, huyện miền núi Nam Trà My trong những năm qua được biết đến là nơi liên tiếp xảy ra các trận động đất, đặc biệt là khu vực thủy điện sông Tranh 2.
Quảng Nam hiện có 32 dự án thủy điện nằm trong cái gọi là “quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ” và nếu Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Quảng Nam gật đầu với đề nghị vừa kể thì con số dự án thủy điện vừa và nhỏ sẽ tăng lên thành 36.
Cần nhắc lại rằng, cả các chuyên gia lẫn những viên chức ở tỉnh Quảng Nam từng xác định, các dự án thủy điện vừa và nhỏ ở Quảng Nam là những trái bom nước, lơ lửng trên đầu hàng triệu dân Quảng Nam, đẩy họ vào tình trạng lúc nào cũng nơm nớp vì không biết các công trình thủy điện sẽ giáng họa xuống đầu mình lúc nào.
Năm 2009, do lượng nước từ thượng nguồn tràn về vừa nhanh, vừa lớn, nhà máy thủy điện A Vương đột ngột xả lũ. Lượng nước khổng lồ từ trên cao tràn xuống biến làng Thác Cạn ở xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, thành bình địa.
Theo báo Tuổi Trẻ, năm 2012, song song với sự kiện đập chắn nước của nhà máy thủy điện sông Tranh 2 bị nứt, các huyện Nam Trà My và Bắc Trà My bắt đầu liên tục có động đất, mỗi năm hàng chục lần, nguyên nhân được xác định là do hồ chứa nước cho thủy điện Sông Tranh làm biến dạng cấu trúc địa tầng. Theo thời gian, cả tần suất lẫn cường độ của các trận động đất càng ngày càng lớn. Năm nay, trong vòng bốn ngày hạ tuần Tháng Hai, tại Nam Trà My có ba trận động đất. Đến hạ tuần Tháng Năm, ở Nam Trà My có thêm một trận động đất nữa với cường độ là 2.7 độ Richter.
Hồi trung tuần Tháng Chín, 2016, một trong các van của hầm dẫn dòng cho nhà máy thủy điện sông Bung 2 bị bục, nước trào ra khiến hai công nhân chết mất xác. Một ngôi làng có tên là Pa Oi, tọa lạc tại xã La e, huyện Nam Giang, bị xóa sổ.
Thủy điện sông Bung 2 là một trong sáu nhà máy thủy điện với các quy mô khác nhau nằm dọc sông Bung theo kiểu bậc thang, may mắn là chỉ có 28 triệu khối nước tràn xuống vào lúc hồ chứa nước của năm nhà máy thủy điện bên dưới đang cần tích nước nên không xảy ra tình trạng vỡ dây chuyền…
Chính quyền Việt Nam từng thú nhận, những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo vì nhiều người, đặc biệt là các sắc tộc thiểu số, tới tột đỉnh của sự bần cùng do không còn đất để sinh nhai. Những dự án thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên cũng được xác định là nguyên nhân khiến Việt Nam mất thêm 20,000 hécta rừng.
Rất nhiều chuyên gia khẳng định, sở dĩ đầu tư cho thủy điện vừa và nhỏ trở thành phong trào là vì chủ đầu tư có quyền khai thác gỗ trên diện rộng. Chưa kể, chuyện xả lũ vô tội vạ của các công trình thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết nhiều người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Tiếng là để tăng thêm nguồn điện nhưng từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên cùng thiếu. Hạn hán đang theo xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước.
Hồi Tháng Ba vừa qua, chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương tạm ngưng cấp giấy phép đầu tư cho những dự án thủy điện có thể “tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái.” Trong công điện về thủy điện được gửi đến nhiều cơ quan hữu trách, thủ tướng yêu cầu gia tăng kiểm soát việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện ở miền Trung và khu vực Tây Nguyên vì có nhiều “tác động bất lợi đến môi trường, xã hội.”
Lúc đó, Bộ Công Thương được yêu cầu phải cương quyết loại bỏ, chấm dứt thực hiện các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không an toàn, ảnh hưởng bất lợi tới dòng chảy, môi trường và đời sống dân chúng. Đồng thời phải cùng với Bộ Tài Nguyên-Môi Trường hoàn thiện quy trình vận hành các hồ chứa để vừa bảo đảm hiệu quả phát điện, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ở khu vực hạ du trong mùa khô, cắt giảm lũ và các tác động tiêu cực trong mùa mưa.
Ngoài Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn cũng được yêu cầu tham gia buộc chủ đầu tư các dự án thủy điện trồng rừng thay thế trong năm nay, thu hồi giấy phép nếu không chấp hành.
Những lý do vừa kể cũng đã khiến chính quyền tỉnh Quảng Nam phải dẹp bỏ 30 dự án thủy điện vừa và nhỏ trong “quy hoạch thủy điện” của tỉnh này. Số dự án thủy điện vừa và nhỏ tại Quảng Nam đã giảm từ 62 xuống 32.
Đáng ngạc nhiên là trong bối cảnh như vừa kể, khi họa thủy điện đã sờ sờ, chính quyền tỉnh Quảng Nam vẫn chìa ra “tờ trình” xin “bổ sung thêm bốn dự án thủy điện vừa và nhỏ” nữa. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment