Wednesday, July 12, 2017

Vụ "Thường vụ quốc hội 5 phút": Báo chí chỉ một màu tuyên giáo!

Trúc Giang-13-07-2017
(VNTB) - Những ai trong danh sách Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ngại sự có mặt của báo chí?
   Vì sao bà Nguyễn Thị Kim Ngân ngại báo chí?

“Nhiều khi để anh em báo chí vào thì các đại biểu cũng ngại, phát biểu không hết. Có vấn đề tối mật không được nói với báo chí mà nói ra thì không hay, lại phải đề nghị báo chí không đăng tải”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải thích về lý do báo chí sẽ không được dự đầy đủ các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội như trước đây. Báo chí chỉ được dự 5 phút đầu buổi làm việc để phục vụ ghi hình.

Theo ông Phúc, mỗi ngày, Văn phòng Quốc hội sẽ có 2 bản thông cáo báo chí về vấn đề được thảo luận tại phiên họp để gửi cơ quan báo chí.

Thông cáo báo chí không phải là tin tức báo chí

Thông cáo báo chí là một văn bản ngắn, thường chỉ một trang, nhằm mục đích kêu gọi nhận thức và sự quan tâm tới một sự kiện hoặc một vấn đề có giá trị tin tức của doanh nghiệp/ tổ chức và ở đây là của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thông cáo báo chí được soạn theo một mẫu chung gửi đến tất cả mọi loại hình thông tin báo chí: báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình.

Như vậy, các báo sẽ chỉ có thể đưa tin tuyền một màu tuyên giáo mà Ủy ban thường vụ Quốc hội mong muốn.

Nguyên tắc chung của một thông cáo báo chí, là phải trả lời những câu hỏi sau đây: Tại sao sự kiện này lại quan trọng và nó trở thành tin tức bằng cách nào?; Những điểm chính là gì?; Có tài liệu nghiên cứu nào khác để thay thế thông tin đó không?; Thông tin có thể kiểm tra dễ dàng không nếu như phóng viên yêu cầu làm việc đó?; Ai là người có thẩm quyền phát biểu về vấn đề này và trả lời ngay tức khắc những thắc mắc của phóng viên, biên tập viên?

Như vậy, chắc rằng thông cáo báo chí mà ông Nguyễn Hạnh Phúc đề cập tới, chỉ dừng ở mức “định hướng tuyên truyền” mà các vị trong Ủy ban thường vụ Quốc hội mong muốn.

Những ai trong danh sách Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ngại sự có mặt của báo chí?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Uông Chu Lưu; Đỗ Bá Tỵ; Phùng Quốc Hiển.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Nguyễn Khắc Định - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại; Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách; Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện; Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; Trần Văn Túy - Trưởng Ban Công tác Đại biểu; Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.
Tất cả 18 thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021 đều là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có 2 người là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12.

Vì sao bà Nguyễn Thị Kim Ngân ngại báo chí?

Kể từ Quốc hội khóa XI (đầu những năm 2000), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã quyết định “mở cửa” để phóng viên báo chí tham dự, đưa tin nội dung các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khi được hỏi về quyết định này, ông An đáp: “Đã là đại biểu của dân thì chúng ta phát biểu gì, chính kiến thế nào dân phải được biết. Tôi quyết định để báo chí vào đưa tin nhằm minh bạch hóa hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu báo chí đưa tin sai thì xử lý theo pháp luật, còn nếu đại biểu phát biểu thiếu chuẩn mực bị đưa lên thì khó có thể trách báo chí”.

Như vậy trước quy định “đóng cửa” báo chí của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, cho thấy có ít nhất loạt vấn đề cần phải được làm rõ:

1. Đại biểu Quốc hội là do người dân bầu lên để đại diện cho tiếng nói của người dân và được người dân giám sát trong quá trình làm việc. Thường vụ Quốc hội là do đại biểu bầu lên. Nếu cấm cửa cơ quan truyền thông để cập nhật tin tức thì biết các vị đang làm gì bên trong?

2. Báo chí là diễn đàn của nhân dân, giúp chuyển tải mọi thông tin từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài, cấm báo chí đồng nghĩa cấm dân biết tin tức, cũng có nghĩa dân không biết cuộc họp của Thường vụ Quốc hội đang bàn gì, làm việc nước hay việc riêng? Đây là nơi ban hành luật lại chưa thượng tôn luật.

3. Thật không ngờ, đến họp thường vụ Quốc hội cũng trở thành bí mật, dù Quốc hội là nơi thể hiện tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

4. Báo chí được phép vào năm phút đầu giờ? Như vậy là việc tuyên truyền công khai chỉ được phép đưa bằng hình ảnh...?!

5. Các đại biểu Quốc hội nói cái gì, bàn cái gì, không cho dân biết, giám sát; hạn chế việc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” thì sao gọi là đại biểu cho nhân dân?

6. Hóa ra bấy lâu nay các đại biểu Quốc hội nhận lương từ dân, nhưng không làm hết trách nhiệm, không dám phát biểu hết ý kiến chỉ vì sợ báo chí? Thế nhưng, sợ báo chí hay sợ báo chí phản ánh những thông tin đúng về các phiên họp này?

No comments:

Post a Comment