Monday, July 3, 2017

Ai có thể bảo vệ phóng viên điều tra ở Việt Nam?

Cát Linh, phóng viên RFA 2017-07-03  
Nhà báo Lê Duy Phong
 Nhà báo Lê Duy Phong Courtesy Nguoi Lao Dong
Vụ án bắt giam, khởi tố nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đang thu hút sự chú ý của dư luận trong nước.
Vấn đề được quan tâm là nền tư pháp Việt Nam có thể bảo vệ cho những phóng viên nhà báo khi tác nghiệp phóng sự điều tra thế nào?

Luật pháp không thừa nhận “cài bẫy”

Giới báo chí Việt Nam hẳn chưa quên một vụ án từng gây chấn động dư luận và gặp phải nhiều phản ứng mạnh mẽ từ giới báo chí, đó là vụ phóng viên Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ vào cuối năm 2012, bị cáo buộc tội “hối lộ, tổ chức gài bẫy Cảnh sát Giao thông”.
Với cáo buộc này, phóng viên Hoàng Khương đã bị kết án bốn năm tù giam và được trả tự do sớm hơn hạn định một năm.
Năm năm sau, vào ngày 26 tháng 6, 2017, truyền thông trong nước đưa tin Công an Thành phố Yên Bái quyết định chính thức khởi tố nhà báo Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, về hành vi “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’.
Trước đó, ngày 22 tháng 6, cũng do báo trong nước loan tin, Công an Thành phố Yên Bái đã bắt quả tang ông Lê Duy Phong nhận 50 triệu đồng của một doanh nghiệp giấu tên.
Sự việc này có lẽ sẽ không gây tranh cãi trong dư luận nếu nhà báo Lê Duy Phong không phải là tác giả của hai loạt bài về “biệt phủ Yên Bái”.
Khi được hỏi liệu có tính chất chung nào giữa hai vụ án, từ Đà Nẵng, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất đưa ra nhận xét ông cho là có nét chung đặc biệt.
Luật pháp đã không bảo vệ cho hoạt động nghiệp vụ, vai trò nhập vai của nhà báo đang đi làm công việc, đang thừa hành công vụ…Nhưng luật pháp của Việt Nam, ngay cả nhà báo cũng như công an, luật pháp không thừa nhận những phương cách gài bẫy trong quá trình tác nghiệp.
-Nhà báo, Blogger Trương Duy Nhất
“Nếu liên tưởng, tôi nghĩ nó ở vụ việc là hai nhà báo, hai cây bút điều tra đang làm những vụ việc điều tra được cho là đình đám. Bản chất của anh Khương Báo Tuổi trẻ lúc đó được cho là gài bẫy lực lượng Cảnh sát Giao thông khi anh đang nhập vai làm loạt bài lật tẩy về những tiêu cực, hành vi sai phạm trong lực lượng Cảnh sát Giao thông.”
Từ hai vụ án được cho là khá giống nhau yếu tố khởi điểm, nhà báo Trương Duy Nhất cho rằng luật pháp Việt Nam đã không thể là bức tường hỗ trợ pháp lý vững chắc cho người cầm bút, đặc biệt là phóng viên điều tra khi họ tác nghiệp.
“Luật pháp đã không bảo vệ cho hoạt động nghiệp vụ, vai trò nhập vai của nhà báo đang đi làm công việc, đang thừa hành công vụ.
Vụ án của anh Hoàng Khương, chúng ta tạm gọi hành động đó của anh là hành động cài bẫy để làm nhiệm vụ. Đúng là sau đó anh có đăng bài. Nhưng luật pháp của Việt Nam ngay cả nhà báo cũng như công an, luật pháp không thừa nhận những phương cách gài bẫy trong quá trình tác nghiệp.”
Và ngược lại, blogger Trương Duy Nhất nói rằng phía lực lượng điều tra, công an trong lực lượng điều tra và Luật tố tụng của Việt Nam không cho phép cán bộ điều tra “cài bẫy’ bằng cách nhập vai.
Từ Sài Gòn, Đỗ Cường, một phóng viên điều tra trẻ, từng tham gia thực hiện rất nhiều những phóng sự điều tra chia sẻ thêm rằng ở Việt Nam, vấn đề báo chí bảo vệ phóng viên tác nghiệp dường như không được coi trọng. Anh kể lại một số trường hợp có thể xảy ra:
“Thứ hai nữa là chính bản thân những phóng viên điều tra đó, họ có thể bán rẻ nhau, đồng nghiệp bán rẻ nhau. Và có những câu chuyện là những người cấp dưới luôn nghe theo chỉ thị của cấp trên và họ làm sai. Đó là những thực trạng mà em dám nói thẳng, nói thật.
TruongDuyNhat.gif
Blogger Trương Duy Nhất tại phiên tòa ở Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng số 374 đường Núi Thành Quận Hải Châu Đà Nẵng sáng hôm 4 tháng 3 năm 2014. AFP photo
Bản thân em khi làm những phóng sự điều tra, cũng khá là lớn ở khu vực miền Nam thì cũng đụng chạm rất nhiều quan chức và thế lực. Có những vụ việc chính người đồng nghiệp của mình họ báo tin cho đối tượng mình đang theo dõi, điều tra. Chính người của ngành công an họ cũng báo với em những vụ em đang làm có thể đụng chạm đến quyền lợi cấp trên của họ.”
Đưa ra một ví dụ liên quan đến “biệt phủ Yên Bái”, Đỗ Cường cho biết khi người phóng viên phát hiện ra biệt phủ của giám đốc công an tỉnh, họ sẽ dùng tất cả quyền hành và những mối quan hệ của họ để người phóng viên điều tra không động đến họ được.
Đây cũng chính là điểm được nhà báo Trương Duy Nhất đặt ra khi nói về vụ án được Công an tỉnh Yên Bái cho là “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.”
“Nếu giả sử như chúng ta đang nghi vấn và dư luận đặt vấn đề là nhà báo Lê Duy Phong bị cài bẫy sau loạt bài nổi tiếng ấy, thì những người cài bẫy ông chắc là do bị điểm huyệt quá, nên nóng giận mất khôn.”

Ai bảo vệ họ?

Khi pháp luật nước nhà, hệ thống báo chí không bảo vệ được người phóng viên thì chính bản thân họ phải làm điều đó. Đó là chia sẻ của Đỗ Cường qua những kinh nghiệm trong thời gian tác nghiệp anh có được. Anh cho rằng, ‘một bước tiến, hai bước lùi’ là một điều cần phải áp dụng khi cần thiết.
“Khi quá nguy hiểm thì chúng ta phải có những phương pháp ứng phó với hoàn cảnh cho linh hoạt, chứ lúc nào cũng phi lên thì cũng chết. Chúng ta phải có những lúc ẩn mình. Phải đưa ra sự thật tuy nhiên phải thật sự bí mật và an toàn cho bản thân.”
Có những vụ việc chính người đồng nghiệp của mình họ báo tin cho đối tượng mình đang theo dõi, điều tra. Chính người của ngành công an họ cũng báo với em những vụ em đang làm có thể đụng chạm đến quyền lợi cấp trên của họ.
-Phóng viên Đỗ Cường
Không chỉ cho rằng pháp luật Việt Nam không thể bảo vệ người phóng viên điều tra tác nghiệp, blogger Trương Duy Nhất nói thêm những khó khăn đến cả từ hệ thống báo chí Việt Nam. Ông khẳng định tuy không ủng hộ phương cách mà ông gọi là “nhập vai” như phóng viên Hoàng Khương đã từng thực hiện, nhưng ông đánh giá rất cao loạt bài phóng sự về vấn nạn “mãi lộ” của Cảnh sát Giao thông của phóng viên Hoàng Khương.
Tương tự như vụ việc của nhà báo Lê Duy Phong, ông chia sẻ ý kiến của mình.
“Tự đi phanh phui và nêu được trong tình hình báo chí không độc lập thế này mà nêu được 2 vụ đất đai nghiêm trọng và chấn động như vụ em trai Bí thư tỉnh uỷ và Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh như thế thì khiến những người cầm bút như tôi phải nể phục.”
Thế nhưng, điều mà blogger Trương Duy Nhất muốn nhấn mạnh, cũng đồng nhất với những chia sẻ của phóng viên điều tra trẻ Đỗ Cường, đó là qua những vụ việc này, người phóng viên điều tra phải biết cách nào tự bảo vệ mình, nhất là trong quá trình tác nghiệp luôn bị rình rập, cài bẫy bất cứ lúc nào.

No comments:

Post a Comment