Monday, July 3, 2017

Du khách tăng, Việt Nam có tiền nhưng thêm họa

(Hình minh họa: doanhnghiepvn.vn)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Trong sáu tháng đầu năm nay, lượng du khách ngoại quốc đổ vào Việt Nam tăng 30% so với sáu tháng đầu năm ngoái và dẫn đầu vẫn là du khách Trung Quốc.
Theo một thống kê do Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố hồi cuối tuần trước thì trong sáu tháng vừa qua, có 6.2 triệu du khách ngoại quốc đến thăm Việt Nam và dẫn đầu vẫn là du khách Trung Quốc (1.9 triệu lượt) – xấp xỉ 1/3 tổng lượt du khách ngoại quốc vào Việt Nam.
Nếu xét theo khu vực thì tại Châu Á, sau Trung Quốc, xếp thứ hai về lượng du khách đổ vào Việt Nam là Nam Hàn, kế đó là Malaysia, Thái Lan, Nhật, Singapore,… Còn ở Châu Âu, quốc gia có đông du khách đến Việt Nam nhất là Nga, Anh.
Sau khi xác định du lịch là một lĩnh vực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam bắt đầu thực hiện nhiều biện pháp mời gọi du khách ngoại quốc, từ miễn visa đến khuyến khích đầu tư-cung cấp các dịch vụ phục vụ du lịch. Tuy nhiên, những biện pháp nhằm phát triển du lịch đang tạo ra những vấn nạn mới về kinh tế, xã hội, môi trường.
Vấn nạn đầu tiên trong phát triển du lịch tại Việt Nam là du khách Trung Quốc.
Báo chí Việt Nam liên tục cảnh báo du lịch Việt Nam có thể suy sụp trầm trọng vì… lượng du khách Trung Quốc đổ vào Việt Nam ăn chơi ngày càng nhiều.
Theo những tờ báo này, du khách Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến môi trường du lịch trong nước, “cứ khách Trung Quốc tới thì khách Tây đi.”
So với thời điểm trước năm 2014, trong ba năm vừa qua, dù lượng du khách Trung Quốc đổ vào Việt Nam nói chung và các tỉnh miền Trung Việt Nam tăng hàng chục lần, nhưng nguồn thu cho ngân sách chỉ giảm chứ không tăng.
Không chỉ dân chúng Việt Nam bực mình vì liên tục phải chứng kiến dòng người nghênh ngang, thường xuyên gây ồn ào, hành xử thiếu văn minh (khạc nhổ, xả rác,… khắp nơi), mà giới chủ các cơ sở thương mại, dịch vụ liên quan tới du lịch (nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, mua sắm) cũng hết sức ngao ngán vì du khách Trung Quốc “hết sức bần tiện, xài rất ít mà phá rất mạnh.”
Đã có một số viên chức quản trị lĩnh vực du lịch địa phương như bà Lê Thị Châu Trinh, trưởng Phòng Quản Lý Lưu Trú của Sở Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch tỉnh Quảng Nam, công khai tuyên bố với báo giới, cả chính quyền, doanh giới lẫn dân chúng Quảng Nam “không mặn mà” với du khách Trung Quốc.
Vấn nạn thứ hai là chủ trương phát triển du lịch đã mở đường cho việc hủy diệt cả môi sinh lẫn môi trường sống của nhiều vùng.
Sự việc đáng chú ý gần nhất và đến nay vẫn nóng, chưa hạ nhiệt, là chuyện cho phép hủy diệt rừng trên bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng để xây thêm các khách sạn, khu nghỉ dưỡng.
Trước đó, chủ trương phát triển du lịch đẩy hàng triệu người vào cảnh không còn sinh kế vì buộc phải nhượng nhà cửa, ruộng vườn cần cho những dự án phát triển du lịch, tạo điều kiện cho một số cá nhân, doanh nghiệp độc chiếm những vị trí đắc địa, kể cả bãi biển, thắng cảnh nổi tiếng.
Trong số này, có thể xem Phú Quốc, một hòn đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, là bằng chứng rõ ràng nhất về hậu quả không lường từ chủ trương phát triển du lịch bằng mọi giá. Vào lúc này, Phú Quốc dư khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, nhưng dân chúng thiếu đất ở, thiếu nước sinh hoạt vì phát triển du lịch. Hòn đảo vốn rất hiền hòa giờ thường xuyên được báo giới Việt Nam nhắc tới vì tệ nạn xã hội tràn lan và các vụ cướp, giết càng lúc càng nhiều. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment