Monday, June 19, 2017

Trưng thu tài nguyên

 Nguyên Lam & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2017-06-16  
Sân Golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Sân Golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.  Courtesy Zing
Tại Việt Nam, một đề tài đang làm cả nước tranh luận, từ các cơ quan của Chính phủ qua Quốc hội và Quân đội. Đó là yêu cầu nâng cấp phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất có thể đòi hỏi việc lấy lại sân golf 36 lỗ nằm trong sân bay. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này từ giác độ kinh tế chính trị học…

Sử dụng tài nguyên quốc gia cho việc công ích

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong nước đang tranh luận về việc có nên thu hồi sân golf hay sân cù Tân Sơn Nhất để nâng cấp phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất hay không? Diễn đàn Kinh tế xin hỏi ông về chuyện đó, nhìn từ giác độ kinh tế chính trị học. Ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Dù tránh nói về mình, bản thân tôi đã gắn bó với Tân Sơn Nhất từ thời niên thiếu vì sống tại đó khi thân phụ là kỹ sư công chánh thuộc Nha Căn Cứ Hàng Không đã góp phần xây dựng các phi đạo của phi trường từ năm 1960 trở về sau, khiến Tân Sơn Nhất là phi trường hạng A là loại tân tiến của Đông Nam Á từ 1963 có thể nhận các máy bay dân sự lớn nhất thời đó. Rồi tôi cũng thấy sự xuống cấp của Tân Sơn Nhất, từ phi đạo đến phi cảng, sau 1975… Nhìn ra ngoài, ta không quên, nưóc Pháp tân tiến hơn đã có hai phi trường phục vụ thủ đô là Paris-Orly và Paris-Bourget, cho tới khi mất 10 năm xây dựng phi trường hiện đại là Roissy-Charles de Gaulle tại ngoại ô Đông-Bắc. Khi phi trường có kiến trúc hoa mỹ đó vừa hoạt động năm 1974 thì người ta thấy là nó không đạt yêu cầu nên phải mở rộng và nâng cấp. Vì vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên khi cần nâng cấp Tân Sơn Nhất hoặc mở ra phi cảng Long Thành cho sau này. Tuy nhiên, từ giác độ kinh tế, mà kinh tế cũng là chính trị, có lẽ ta nên nhìn vào một khía cạnh khác, đó là việc sử dụng tài nguyên quốc gia cho việc công ích.
Là chuyên gia kinh tế, tôi có cái nhìn bi quan về việc sung dụng hay phân phối tài nguyên quốc gia cho yêu cầu chung và chế độ dân chủ hay độc tài đều có cách tính toán như nhau, mà giải quyết khác nhau, với kết quả cũng khác cho người dân.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Có lẽ thính giả của chúng ta cũng đã quen với cách đặt vấn đề khá bất ngờ của ông, nhưng Nguyên Lam vẫn xin ông giải thích cho vì sao vấn đề lại là “việc sử dụng tài nguyên quốc gia cho việc công ích”?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Khi giới hữu trách Hà Nội đang tìm hiểu, thảo luận và quyết định về nhu cầu giải phóng mặt bằng hay giãn dân để lấy đất phát triển các cơ sở có tiếng là phục vụ yêu cầu công ích như trong dự án Tân Sơn Nhất tại miền Nam thì tôi lại nghĩ đến Mỹ Đức hay Đồng Tâm tại Hà Nội và biết bao tranh chấp, khiếu kiện và oán than về đất đai trên cả nước.
Việc ước tính nhu cầu tiếp đón hành khách tại một sân bay trong một thế giới đổi thay quá mau có thể khiến giới chuyên gia kỹ thuật phải duyệt xét lại, là điều xảy ra cho nhiều xứ khác, như Roissy-Charles de Gaulle của Pháp hay Big-D là phi trường Dallas-Forworth của Mỹ tại tiểu bang Texas, vốn hình thành cùng lúc. Nhu cầu mở mang và nâng cấp nhanh hơn dự tính là điều khá bình thường. Tuy nhiên, là chuyên gia kinh tế, tôi có cái nhìn bi quan về việc sung dụng hay phân phối tài nguyên quốc gia cho yêu cầu chung và chế độ dân chủ hay độc tài đều có cách tính toán như nhau, mà giải quyết khác nhau, với kết quả cũng khác cho người dân.
Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, có lẽ ông Nguyễn Xuân Nghĩa đang đi vào chủ đề của tiết mục kinh tế kỳ này. Thưa ông, Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích cho nhận định vừa rồi, rằng trong việc phân phối tài nguyên quốc gia cho yêu cầu chung của xã hội, cả hai chế độ dân chủ và độc tài đều tính toán như nhau, nhưng giải quyết khác nhau, với kết quả cũng khác cho người dân. Thưa ông, chuyện ấy là gì vậy?
san-golf-620.jpg
Cổng vào sân golf Tân Sơn Nhất. Courtesy Thanh Niên
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trong một chế độ dân chủ, người dân có quyền tự do bầu lên đại biểu thay họ giải quyết việc nước nhưng trên cơ sở của hệ thống luật lệ cũng do giới dân cử hay các đại biểu của dân đề ra. Tiến trình chọn người, soạn luật và áp dụng được công khai hóa. Dù vậy, giới dân cử trong chính quyền vẫn phải nghĩ đến việc duy trì quyền lực, nôm na là tái đắc cử, nên vì thế, quyết định sung dụng tài nguyên quốc gia có thể nhắm vào việc ban phát lợi ích cho thành phần cử tri của họ. Chẳng hạn, cuộc tranh luận về chính sách thuế vụ có thể là biểu hiện của lối tính toán đó, như lấy của thiểu số giàu có ban phát cho đa số dân nghèo, miễn sao thuế suất quá cao không giết luôn con gà đẻ trứng vàng là làm giới có tiền hết muốn đầu tư khiến kinh tế sa sút và số thu về thuế khóa bị giảm. Tuy nhiên, lối tính toán xin tạm gọi là “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo” vẫn bị sự phán đoán của thị trường và công chúng, cho nên việc công khai hóa hệ thống công chi thu quốc gia, nôm na là ngân sách, có thể hạn chế cái nạn này.
Ngược lại, chế độ độc tài không bị quần chúng phán xét nên lãnh đạo có ý trưng thu tối đa, cũng để ban phát quyền lợi cho phe đảng của mình ở bên trong và thường gây khủng hoảng vì nạn bội chi ngân sách, là chi nhiều hơn thu. Xưa nay, sưu cao thuế nặng vẫn làm giảm nỗ lực sản xuất với hậu quả chung là mọi người đều nghèo đi. Đây là chưa nói đến khả năng chuyên môn của bộ máy thuế vụ, khi chế độ độc tài có quyền hạn rất rộng trên mọi lĩnh vực mà rất nông vì không thấm nhập vào sinh hoạt kinh tế của người dân. Người bất đồng về chính trị thì  bị cầm tù chứ trốn thuế là hiện tượng phổ biến khiến ai cũng thấy là mình bị bóc lột và tìm cách lách thuế với sự tham dự của công nhân viên nhà nước. Đấy là lúc ta nên nhìn qua lĩnh vực kia của việc sung dụng tài nguyên quốc gia với nguồn tài nguyên tiêu biểu là đất đai.

Lấy công sản phục vụ tư lợi

Nguyên Lam: Ông đang đi vào chuyện sân golf Tân Sơn Nhất và các vụ cướp đất đang gây phẫn nộ tại Việt Nam, và có lẽ tại Trung Quốc nữa. Xin ông giải thích thêm ý kiến đó….
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Không chỉ có Trung Quốc hay Việt Nam mà mọi chế độ độc tài đều thấy lãnh đạo lấy công sản phục vụ tư lợi nên họ có dinh cơ nguy nga trên đất đai vốn là tài sản của toàn dân. Việt Nam định chế hóa việc trưng thu đó ngay từ Hiến pháp khi quy định rằng “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân”, nhưng lại “do nhà nước thống nhất quản lý”. Việc quản lý ấy quả là thống nhất từ đảng lãnh đạo tới nhà nước cầm quyền và tay chân chia chác trước sự nín lặng của người dân nhân danh nào hiện đại hóa, đô thị hóa hay phát triển hạ tầng cơ sở. Khi cán bộ nhà nước cướp đất của dân hoặc mua quyền sử dụng đất của nông dân với giá bèo rồi nâng cấp thành đất công nghiệp, hoặc chia cho dự án làm sân cù thì chúng ta có hiện tượng trái ngược với chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa của Hà Nội, vì là “lấy của người nghèo trao cho nhà giàu”. Hiện tượng ấy có xảy ra trong chế độ dân chủ nhưng khó hơn vì mọi việc đều được công khai hóa và giới dân cử có tà ý “dĩ công vi tư” thì sẽ thất cử nhờ báo chí. Trong chế độ độc tài, việc lấy của người nghèo trao cho nhà giàu là quy luật phổ biến, cho tới khi có thanh trừng nội bộ vì chia chác quyền lợi không đều thì dân mới biết.
Nguyên Lam: Theo như Nguyên Lam hiểu ý bi quan của ông thì trong mọi chế độ chính trị, dù dân chủ hay độc tài, nhà cầm quyền đều có hướng trưng thu tài nguyên công cộng cho nhu cầu tư lợi. Trong chế độ dân chủ, việc trưng thu đó nhắm vào mục tiêu phân phối quyền lợi cho thành phần cử tri của mình, nhưng bị hạn chế vì luật pháp công minh và quyền phán xét của người dân, của đảng đối lập và của báo chí độc lập. Trong một chế độ độc tài thì báo chí là công cụ của lãnh đạo nên chỉ có thể phản ảnh theo lối gián tiếp mà người viết không bị kỷ luật, đối lập thì không có quyền hiện hữu, Quốc hội cũng chẳng thể phê phán và dân chúng có bị trưng thu oan ức thì dù khiếu kiện cả chục năm vẫn chưa thấy ở trên cứu xét, trong khi đất đai chung bị đưa vào các dự án sau này người ta mới thấy ra bất lợi về kinh tế và xã hội. Nếu vậy thưa ông, làm sao người ta có thể giải quyết những mâu thuẫn quyền lợi đan kết đó?
Không chỉ có Trung Quốc hay Việt Nam mà mọi chế độ độc tài đều thấy lãnh đạo lấy công sản phục vụ tư lợi nên họ có dinh cơ nguy nga trên đất đai vốn là tài sản của toàn dân.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nhớ là từ Tháng 10 năm ngoái, tiết mục chuyên đề của chúng ta đã nói đến một sự thật bẽ bàng rằng “Chính Trị cũng chỉ là Kinh Tế”. Thực tế của kinh tế và chính trị nó khác cái nhìn lý tưởng của chúng ta và nếu hiểu được thực tế đó thì mới tránh được nạn lạm quyền, tham nhũng hay độc tài. Lãnh đạo một phong trào lý tưởng mà không có tiền gây dựng cơ sở, đào tạo cán bộ và quảng bá chủ trương thì chẳng thể có quần chúng. Có quần chúng rồi, khi đấu tranh hay tranh cử, lãnh tụ cần một bộ phận cốt lõi giúp mình thành công và sau khi thành công và nắm quyền thì làm sao để không ai trong bộ phận cốt lõi ấy bước qua bên kia, bên phía đối lập. Do đó, hệ thống chính trị nào cũng cố tìm ra sự ràng buộc mà ràng buộc chặt nhất vẫn là kinh tế. Khả năng diễn giải thực tế phũ phàng thành chủ trương thánh thiện là trách nhiệm của bộ phận cốt lõi đó mà dân trí càng cao thì sự diễn giải nhập nhằng càng khó. Vì vậy, và đây mới là chuyện ta cần chú ý: các lãnh tụ chuyên quyền có thể tồn tại lâu hơn giới lãnh đạo dân chủ vì xứ dân chủ vẫn thường xuyên có bầu cử. Việc bầu cử không có nghĩa là dân chủ, nhưng cho người chủ là dân chúng được phán xét bằng lá phiếu khiến giới dân cử khó lộng quyền mãi mãi.
Thật ra, không cá nhân nào có thể lãnh đạo một mình. Lãnh tụ đầy quyền lực như Chủ tịch Tập Cận Bình của Tầu hay Tổng thống Vladimir Putin của Nga cũng đều cần quần chúng. Quần chúng ấy có thể là người bỏ phiếu, là cử tri đông đảo của một xứ dân chủ, hay đảng viên của chế độ độc tài đảng trị. Nhưng đấy là quần chúng biểu hiện mà chưa hẳn là có thực quyền. Bên trong khối quần chúng đó của chế độ độc tài, một thành phần mới có ảnh hưởng hơn cả, là các Trung ương Ủy viên hay thành phần nòng cốt có quyền lợi gắn bó với lãnh tụ. Lãnh tụ cần họ và họ cần lãnh tụ để bảo vệ quyền lợi riêng. Ở trên, chỉ có vài phần trăm gọi là nòng cốt mới có thực quyền. Trên cùng là Thường vụ Bộ Chính trị hay đại gia của doanh trường, là những kẻ có toàn quyền trưng thu tài nguyên quốc gia, đầu tiên là đất đai hay dầu mỏ ở dưới, để ban phát quyền lợi và củng cố thế lãnh đạo của mình. Vì vậy, chớ ngạc nhiên vì sao mà Việt Nam có nhiều sân golf hay sòng bạc thuộc hạng quốc tế cho nhà báo ngây ngô khâm phục trong khi dân nghèo mất đất và cả nước tranh luận về một sân golf cho phi trường! Nếu muốn giải quyết thật thì nên tách đảng ra khỏi nhà nước và công khai hóa việc nhà nước trưng thu và phân phối tài sản quốc dân cho Quốc hội và báo chí có thực quyền phán xét. Chuyện này thật ra đã thành cấp bách rồi vì người dân Việt Nam ngày nay có nhiều thông tin hơn trước và không cúi đầu nữa.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.

No comments:

Post a Comment