Phạm Chí Dũng Theo VOA-29/06/2017
Vì sao âm mưu tăng thuế “bảo vệ môi trường”, mà thực chất là phi mã thuế xăng lên đến 8.000 đồng/lít, phải tạm thời câm bặt trong kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017?
Thất bại tạm thời
Đã không có bất cứ nội dung nào nghị luận về việc tăng thuế bảo vệ môi trường tại kỳ họp trên, dù trước đó đã có thông tin vụ việc này được đưa vào nghị trình thảo luận của Quốc hội, thậm chí còn được PR rằng Quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân chắc chắn sẽ xem xét trên tinh thần thông qua một dự luật về thuế bảo vệ môi trường. Dù trước đó, một chiến dịch vận động hành lang và trên truyền thông cũng đã được “kiến tạo” rầm rộ và dường như đã nhận được động tác “gật” dễ dãi của Ủy ban thường vụ quốc hội…
Tại sao thế?
Tại sao trong suốt kỳ họp quốc hội vừa qua, bà Kim Ngân đã không hề hé môi về vụ “còng số 8” - một cách mà người dân chua chát ví von về dự thảo 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng?
Hẳn là bà Kim Ngân đã ý thức được ý đồ “gắp lửa bỏ tay người” của Chính phủ và những bộ ngành liên quan.
Vậy ý đồ đó đã âm thầm và hiểm hóc như thế nào?
“Gắp lửa bỏ tay người”
Chiến dịch vận động tăng giá xăng dầu đã luôn được Tập Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng giới quan chức chủ quản là Bộ Công thương và cơ quan chuyên “sáng tạo” thuế bổ đầu dân là Bộ Tài chính khai triển từ nhiều năm qua, đặc biệt sau thời gian Petrolimex đầu tư ồ ạt và trái ngành vào chứng khoán, bất động sản những năm 2007 - 2008 mà đã phải gánh số lỗ đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Vào thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Petrolimex đã có thật nhiều cơ hội để “bù giá vào dân” mà Quốc hội của ông Nguyễn Sinh Hùng vẫn phải im thin thít.
Nhưng sau Đại hội 12 của đảng cầm quyền, giấc mơ không chỉ bù giá vào dân mà còn tiếp tục đè đầu dân để trục lợi đã dần biến thành cơn mộng du. Từ đầu năm 2016 đến nay đã bùng phát ngày càng nhiều phản ứng xã hội về nạn thu thuế BOT, giá điện, giá xăng dầu cùng vô số loại phí, lệ phí ở nhiều địa phương - những nơi có truyền thống “phép vua thua lệ làng”, khuynh hướng cát cứ quyền lực và sứ quân hành chính. Chính làn sóng phản ứng ngày càng dâng cao và gây ra nguy cơ không chỉ “điểm nóng xã hội” mà còn cả “điểm nóng chính trị” như thế đã bắt buộc những cấp còn cao hơn nhiều Petrolimex và Bộ Công thương không còn dám nhắm mắt thông qua chủ trương tăng giá xăng như thời Nguyễn Tấn Dũng.
Bối cảnh trên, với những “đặc thù” riêng có, cũng là lúc các nhóm lợi ích và giới quan chức tìm đến một “đường binh” khác: Quốc hội.
Một nguyên cớ có vẻ hợp lý đã được nhóm lợi ích và các quan chức theo đóm ăn tàn lôi ra: phải tăng giá xăng để “tái cơ cấu ngân sách”.
Nhưng vì sao ngân sách cần được “tái cơ cấu”? Và vì sao thuế “bảo vệ môi trường” lại được âm mưu tăng từ 3.000 đồng/lít vọt lên đến 8.000 đồng/lít, tức gấp gần 3 lần trước đây chứ không phải tăng từ từ, tăng dần?
Xảo ngôn luôn là một đặc tính của những cái lưỡi không xương trong một chế độ mang ý thức hệ siết dân đến tận xương tủy.
Vào năm 2014, số thu từ xuất khẩu dầu thô của chính quyền Việt Nam còn đạt hơn 100 ngàn tỷ đồng do dầu thô quốc tế có mặt bằng giá rất cao, có lúc đạt đến 118 USD/thùng. Đây được xem là “khoản thu lớn đáng quan tâm nhất trong cơ cấu ngân sách”. Nhưng từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 - 60.000 tỷ đồng.
Hãy chú ý, nếu chiến dịch tăng thuế “bảo vệ môi trường” từ 3.000 đồng/lít vọt lên đến 8.000 đồng/lít được tiến hành trót lọt, ngân sách trung ương sẽ đạt được số thu 100.000 tỷ đồng hàng năm, so với hiện tại chỉ có khoảng 40.000 tỷ đồng.
Theo đó, 50.000 - 60.000 tỷ đồng chính là số tiền mà ngân sách đang thiếu hụt, cần phải “tái cơ cấu” và do vậy thuế “bảo vệ môi trường” cần phải được tăng gấp gần 3 lần, đánh thẳng vào đầu dân, bất chấp đời sống đại đa số dân tình Việt Nam đã chuyển vào cảnh thắt lưng buộc bụng từ vài ba năm qua và chắc chắn còn khốn quẫn hơn nhiều trong vài ba năm tới.
Tuy nhiên, muốn là một chuyện, còn làm là một chuyện khác.
Cứ nhìn vào “đầu tàu” Nguyễn Xuân Phúc là nhận ra toàn bộ bức tranh tâm thế của giới lãnh đạo thời nay. Hơn ai hết, ông Phúc là người phải “kế thừa” đống vỏ ốc của đời thủ tướng trước. Quá nhiều hậu quả đang khiến cho Thủ tướng Phúc và dàn lãnh đạo chính phủ phải bù đầu “đổ vỏ”, trong khi chỉ cần sơ sẩy một chút là sẽ bị các đối thủ chính trị khai thác và quật ngã.
Cùng những xung đột nội bộ và sau vụ Formosa dẫn đến phong trào phản kháng ghê gớm của người dân miền Trung, trong nội bộ đảng cầm quyền đã nổi bật tâm lý thân ai người đó lo. Hẳn đó là nguồn cơn chính yếu khiến Thủ tướng Phúc phải cho tạm ngưng dự án thép Hoa Sen - Cà Ná khi bị công luận phản ứng kịch liệt.
Vậy là từ đầu tháng 4/2017, “còng số 8” đã được phía chính phủ khôn lanh chuyển sang tay người chịu trách nhiệm bỏ phiếu thông qua luật là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Từ công đoạn này trở đi, không phải Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương hay Phó thủ tướng Vương Ðình Huệ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà cơ quan “của dân, do dân và vì dân” nếu nhắm mắt thông qua luật tăng giá xăng dầu mới là nơi tập trung mọi tiếng chửi bới oán thán của các tầng lớp bị bần cùng hóa trong một đất nước đang rất gần với cùng tắc biến.
Chỉ có điều, vào lần này, bà Kim Ngân đã chứng tỏ được “bản lĩnh” của mình. Nắm giữ quyền có cho một dự luật được “chạy” hay không, bà Ngân đã giữ thái độ im lặng chính trị cần thiết…
Lại thủ đoạn tăng dần thay tăng sốc!
Chính vào lúc Quốc hội Việt Nam kết thúc kỳ họp tháng 5- 6 mà không có bất cứ nội dung nào thảo luận về “còng sống 8”, một gương mặt cũ của quan chức đã hiện ra với một “gợi ý” mới: ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA).
Mới đây, ông Ruệ đề nghị tăng thuế môi trường lên 5.000 đồng với mỗi lít xăng vì “mức tăng thuế môi trường tối đa 8.000 đồng/lít xăng là quá cao”.
Cụ thể, VINPA đề nghị mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng nâng từ 3.000 đồng/lít lên tối đa 5.000 đồng/lít; dầu diesel nâng từ 1.500 đồng/lít lên tối đa 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít lên 5.000 đồng/lít và dầu madut từ 900 đồng/kg lên tối đa 3.000 đồng/kg.
Ông Ruệ cũng cho biết nếu thu thuế bảo vệ môi trường ở mức trần 8.000 đồng/lít thì riêng nguồn thu từ đây là hàng trăm ngàn tỉ đồng. "Đồng ý là ngân sách nhà nước cần phải xử lý trong bối cảnh hụt thu nhưng ưu tiên số 1 phải là xử lý môi trường, số 2 mới là tạo nguồn thu cho nhà nước. Thu ở mức cao quá sẽ gây sốc cho người dân và cả xã hội" - Chủ tịch VINPA nói.
Dường như đã có một sự thay đổi nào đó về quan điểm của “đảng và nhà nước ta” đối với kế hoạch tăng thuế bảo vệ môi trường, khiến ông Phan Thế Ruệ cũng bất chợt phải tỏ ra “từ tâm”.
Bởi vào tháng 5/2017 và trước kỳ họp quốc hội, ông Ruệ còn trở nên tai tiếng với phát ngôn “ủng hộ việc tăng thuế bảo vệ môi trường” kèm “nộp thuế bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của công dân” - mà đã bị công luận phê phán là một lối nói vô liêm sỉ trước hiện tình dân nghèo ngày càng nghèo, còn các nhóm lợi ích và tham nhũng ngày càng mập phì.
Công luận cũng phản ứng mạnh trước thực tế tăng thu thuế bảo vệ môi trường năm 2016 gấp đến 4 lần năm 2014 nhưng chỉ có khoảng 1/3 số tiền thu được dùng vào việc bảo vệ môi trường, còn 2/3 còn lại không biết “biến” vào túi kẻ nào.
Giờ đây, khi ông Phan Thế Ruệ “bỗng dưng” giương cao ngọn cờ “bảo vệ môi trường mới là số 1”, có thể hình dung là “đảng và quốc hội ta” đã không thể bỏ qua phản ứng dữ dội của công luận, dù rằng con số 5 tỷ USD sẽ thu được nếu tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8 ngàn đồng/lít xăng là quá hấp dẫn trong bối cảnh ngân sách chỉ chực chờ sụp đổ.
Để giờ đây, nhóm lợi ích xăng dầu chỉ còn cách mớm ý “chỉ tăng thuế môi trường lên 5.000 đồng/lít xăng” - một thủ đoạn tăng dần thay vì tăng sốc!
Cứ tăng dần dần, tăng từ từ, dân Việt dù biết bị móc túi nhưng không thể phản ứng mạnh và rồi sẽ quen dần.
Không ít tác giả nghiên cứu về xã hội học và tâm lý học người dân Việt Nam đã đúc kết: một đặc tính đáng ngạc nhiên của người dân là trong khi sẵn sàng ăn thua đủ với nhau thì lại quá dễ bị mê hoặc, dụ dỗ bởi những thủ đoạn mị dân của giới cầm quyền.
Có tác giả còn mô phỏng một cốt truyện: một tên cướp xông vào nhà dân. Sau khi trói gô chủ nhà và vơ vét mọi tài sản, tên cướp chợt “hồi tâm”, trả lại cho chủ nhà vài thứ vật dụng thông thường mà chỉ lấy đi những thứ đắt giá nhất. Cuối cùng, tên cướp còn nhận được lòng biết ơn của chủ nhà vì không bị giết mà còn được trả lại một ít đồ…
No comments:
Post a Comment